Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học

19/09/2017 07:07
Thùy Linh
(GDVN) - Việc chưa minh bạch giữa các cơ chế vì lợi nhuận và không lợi nhuận trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập là một hạn chế của Luật Giáo dục đại học.

LTS: Nghị quyết số 29/NQ-TW của về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ban hành đã hơn 3 năm, nhưng nhiều nội dung của Nghị quyết vẫn chưa đi vào cuộc sống do vướng với khá nhiều các quy định đã không còn phù hợp ở các Luật về giáo dục, trong đó có Luật Giáo dục đại học.

Được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học vào năm 2018.

Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến với mong muốn có thêm một số góp ý trước khi Luật Giáo dục đại học chính thức sửa đổi, bổ sung.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.


Phóng viên: Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông qua dự án sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Theo ông, Dự án Luật Giáo dục đại học sắp tới cần phải đạt được những yêu cầu gì?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến:
Theo tôi, Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:

Một là, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế.

Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.

Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Bốn là, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” trong cơ chế quản lý giáo dục đại học.

Tôi cho rằng, chỉ khi Luật Giáo dục đại học đáp ứng được cả 4 yêu cầu trên thì giáo dục đại học Việt Nam mới hy vọng trong tương lai gần đạt được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là: công bằng, chất lượng, hiệu quả, nhất quán và quốc tế hóa.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc chưa minh bạch giữa các cơ chế vì lợi nhuận và không lợi nhuận trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập là một hạn chế của Luật Giáo dục đại học. (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc chưa minh bạch giữa các cơ chế vì lợi nhuận và không lợi nhuận trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập là một hạn chế của Luật Giáo dục đại học. (Ảnh: Thùy Linh)

Xét chung về kết cấu và nội dung Luật Giáo dục đại học hiện hành vẫn nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở giáo dục đại học - một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức Điều lệ trường đại học.

Điều này có thể thấy rõ ngay tại các Điều 1 và 2 của Luật quy định về phạm vi điều chỉnh và về đối tượng áp dụng.

Trong Luật, những nội dung rất quan trọng của một Luật Giáo dục đại học hiện đại như Hệ thống giáo dục đại học, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học hầu như không được thể hiện rõ. 

Mặt khác nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm của một luật về giáo dục đại học.

Từ những yêu cầu nêu trên, xin ông cho biết, Luật Giáo dục đại học nên được sửa đổi, bổ sung như thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến:
Những vấn đề cần sửa đổi, theo tôi có 2 vấn đề. Đó là: Kết cấu và Nội dung. 

Thứ nhất, về phần kết cấu: 

Tôi cho rằng, cần đưa thêm vào hai chương mới: một chương về Hệ thống giáo dục đại học (chương 2) và một chương về Quan hệ Xã hội (chương gần cuối).

Chương đầu cần chứa đựng các nội dung như: cơ cấu hệ thống giáo dục đại học, các chuẩn mực giáo dục đại học quốc gia, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở giáo dục đại học, mạng lưới các hội và hiệp hội về giáo dục đại học... (tương tự như Luật Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga).

Chương sau cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân.

Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học ảnh 2

Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư

Trong đó có giới tuyển dụng đối với giáo dục đại học, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học... 

Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật Giáo dục đại học.

Thứ hai, về phần nội dung: 

Tôi cho rằng, có những nội dung cụ thể của các Điều cần lưu ý.

Bổ sung vào Chương 1 một Điều về Triết lý giáo dục đại học. Cần thể hiện những quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học để thống nhất định hướng cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Cần khẳng định giáo dục đại học Việt Nam đi theo hướng đại chúng.

Điều 4: Chỉ nên tập trung vào một số khái niệm lớn của riêng giáo dục đại học như: giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, trình độ giáo dục đại học, các Chuẩn quốc gia giáo dục đại học....

Riêng khái niệm Giáo dục đại học nên được định nghĩa theo nghĩa rộng, hàm chứa cả giáo dục nghề nghiệp sau trung học (trong đó có đào tạo nghề) như xu hướng thế giới hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất của một hệ thống giáo dục đại học phân tầng. 

Điều 5: Mục tiêu của giáo dục đại học cần rộng hơn nhiều so với nội dung viết ở Khoản 1 chỉ về đào tạo. Nội dung ở Khoản 2 cần được sửa lại và chuyển qua Điều 6. 

Điều 6: Nên có các trình độ: cao đẳng, cử nhân, chuyên gia (như kỹ sư, bác sỹ, luật sư,...), thạc sỹ và tiến sĩ. Không nên dùng chung một thuật ngữ đại học cho cả 2 trình độ cử nhân và chuyên gia (xem Luật Giáo dục Đại học Liên bang Nga).Có thể có thêm các trình độ phụ sau trình độ chuyên gia cho những ngành đặc thù (như Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2 ở ngành y,...).

Điều 7: Trong cách gọi tên cơ sở giáo dục đại học Ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học có sự nhầm lẫn giữa cấu trúc và đẳng cấp của trường với tên gọi được Nhà nước đặt cho. 

Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học ảnh 3

Sửa luật phải làm sao "cởi trói" cho giáo dục đại học

Theo thông lệ chung, đại học (university) chỉ những cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực nên sẽ không có chuyện chỉ sử dụng tên gọi “đại học” cho các trường Đại học quốc gia hoặc vùng. 

Cũng không thể nhầm lẫn gọi đại học là trường hai cấp (xem Khoản 8 Điều 4), bởi gọi như vậy sẽ biến đại học thành một liên hiệp các trường đại học chuyên ngành.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay: chữ “college” chỉ có nghĩa là một trường đại học khi nó đứng độc lập, còn khi nằm trong một “university” thì ý nghĩa đó không hề có.

Do vậy, không thể vì quan niệm sai khái niệm trường đại học đa lĩnh vực (university) mà đưa ra một cách hiểu khác lạ như trong Luật Giáo dục đại họchiện hành.

Để tránh hiểu lầm tôi đề nghị thay tên gọi Đại học bằng thuật ngữ Viện đại học.

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau:

- Theo cơ cấu tổ chức (viện đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng), theo sứ mệnh (viện Đại học quốc gia, viện Đại học vùng, trường đại học ngành, trường đại học địa phương, trường cao đẳng ngành, trường cao đẳng địa phương, trường đại học tư thục,...).

- Theo đẳng cấp (trường đại học nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng), theo phương thức tuyển sinh (trường đại học truyền thống, trường đại học mở), theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, dân lâp). 

Trong Luật Giáo dục đại học cần có định nghĩa rõ cho từng loại trường như ở các nước để tránh gọi tên tùy tiện đồng thời xác định rõ sứ mệnh của chúng.

Bên cạnh đó, cần bổ sung vào chương Hệ thống giáo dục đại học  một điều về Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học.

Viết thêm điều về Hệ thống các chuẩn giáo dục đại học (như: chuẩn chương trình, chuẩn năng lưc, chuẩn nhà trường, chuẩn đội ngũ giảng viên,...) với ý nghĩa là những quy định tối thiểu được nhà nước đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học.

Nhà nước chỉ quản lý cái tối thiểu còn các trường được phát triển không hạn chế những chuẩn này tùy theo sứ mệnh và năng lực của mình.

Điều 14 và Điều 15: Nên viết theo cấp quản lý hành chính trong trường chứ không nên viết về bộ máy tổ chức của trường.

Với quan niệm như vậy, đại học (hay viện đại học) được tổ chức theo cơ chế 3 cấp: Viện đại học, trường thành viên, khoa; còn trường đại học và học viện thường được tổ chức theo cơ chế 2 cấp: trường và khoa.

Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học ảnh 4

Hiệu trưởng nhiều trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực

Nếu lấy đến cấp bộ môn thì ở mỗi loại hình đều tăng thêm một cấp. Cần viết kỹ hơn về nguyên tắc tổ chức các cấp quản lý trong một cơ sở giáo dục đại học.

Ví dụ, đại học mang tính đa lĩnh vực, đẳng cấp; trường/học viện mang tính chuyên môn hơn (đơn lĩnh vực); khoa mang tính chất ngành; bộ môn mang tính chuyên ngành.

Thuật ngữ “đại học” (hay viện đại học) thường để chỉ những cơ sở giáo dục đại họcđa lĩnh vực, có đào tạo ở các trình độ sau đại học, được tổ chức theo cơ chế 3 cấp quản lý hành chính. 

Vậy đâu phải chỉ có đại học quốc gia và đại học vùng mới được mang tên “đại học”. Còn phụ từ “quốc gia” là để chỉ sứ mệnh của những cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia.

Do đó, nhiều trường đại học, học viện vẫn được quyền gắn phụ từ đó vào tên của mình (ví dụ: Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà nội, Học viện Chính trị Quốc gia,...).

Tự chủ đại học là một trọng tâm cần nghiên cứu phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học. Ông có góp ý gì về nội dung này hay không?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến:Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính Phủ đã chỉ rõ việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. 

Tuy nhiên, việc không nhắc đến xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản ở Luật giáo dục đại học sẽ làm cho Hội đồng trường cho dù có cũng không thể phát huy được vai trò của mình và điều đó tất nhiên kéo theo việc không thể trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục đại học.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học  phải được triển khai đồng bộ với việc gia tăng trách nhiệm giải trình của các cơ sở đó.

Trong điều này, cần viết rõ hơn về trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học: các trường phải công khai, minh bạch mọi hoạt động, phải chịu sự giám sát của Nhà nước và cộng đồng xã hội thông qua hội đồng trường và các tổ chức kiểm định, kiểm toán.

Tuy khái niệm Hội đồng trường đã được đưa vào Luật tại các Điều 16,17 và 18 nhưng quan niệm về nó lại không chính xác: không chỉ rõ thành phần của Hội đồng trường chủ yếu là các thành viên trong trường (đại diện cho quyền làm chủ của tập thể nhà trường) hay các thành viên ngoài trường (đại diện cho quyền làm chủ của cộng đồng xã hội);

Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học ảnh 5

Không có Hội đồng trường thì đừng nói đến tự chủ đại học

Hội đồng quản trị của các trường tư có thành phần chủ yếu là các cổ đông (đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư) hay có thành phần rộng rãi hơn nhiều để đại diện cho cả xã hội; hiệu trưởng có được đồng thời là chủ tịch hội đồng trường hay không,...

Tất cả những điều đó có ảnh hưởng lớn đến vai trò của Hội đồng trường với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường.

Chương III: Cần bổ sung một số Điều về Sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học (Đặt trước Điều 28). 

Cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học hiện hành không rõ. Trao quyền tự chủ phải dựa trên kết quả giám sát, kiểm định của cộng đồng xã hội, không thể chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của những người quản lý. 

Trong Dự thảo Luật phải quy định quyền tự chủ cụ thể cho từng loại trường cũng như các chế tài cần thiết tương ứng để tránh “xin-cho” đang phổ biến hiện nay trong quản lý giáo dục đại học. 

Hiện nay, vấn đề về cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận đang có nhiều ý kiến trái chiều, theo ông, nội dung đó nên được thể hiện như thế nào Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, ở chương X cần bổ sung một vài điều về sở hữu của các loại hình cơ sở giáo dục đại học, phân biệt cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Chính thuộc tính sở hữu quyết định cơ cấu thành phần hội đồng quản trị của mỗi loại hình trường.

Khác với các đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận, những trường đại học tư thục (có lợi nhuận) phải được xem như những doanh nghiệp tư nhân nên không cần đưa đại diện chính quyền địa phương vào hội đồng quản trị (như ở Khoản 3 Điều 17) và không xem phần tài sản tích lũy thuộc khối tài sản chung không chia (như Khoản 4 Điều 66).

Việc chưa minh bạch giữa các cơ chế vì lợi nhuận và không lợi nhuận trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập là một hạn chế của Luật Giáo dục đại học. 

Theo phân tích của chúng tôi, chính sự thiếu rõ ràng giữa 2 cơ chế này ở hệ thống các văn bản đã ban hành của Nhà nước là nguyên nhân chủ yếu của những tiêu cực đang diễn ra trong khối trường ngoài công lập hiện nay và gây khó cho việc ban hành các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với giáo dục đại học ngoài công lập.

Định nghĩa cơ chế không vì lợi nhuận như ở Khoản 7 Điều 4 là phiến diện và không đầy đủ, bởi vì cổ đông không chỉ quyết định mức lợi tức mà còn có quyền can thiệp vô công việc điều hành nhà trường, chiếm giữ các vị trí trọng trách trong trường.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh