LTS: Trước nhiều luồng ý kiến tranh luận về việc cho con học trường công hay trường tư, thầy giáo Kiên Trung đưa ra một số phân tích, nhận định từ kinh nghiệm của bản thân về những ưu và nhược điểm của trường công.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Gần đây trên báo chí có một số bài viết phản ánh về việc phụ huynh học sinh chê trường công, chuyển con em sang học trường tư, vì trường công gò bó, ít chú trọng kỹ năng sống, giáo viên thiếu nhiệt tình trong quản lý và giảng dạy, các khoản thu mập mờ, thiếu minh bạch…
Là một nhà giáo, một phụ huynh có 2 con năm nay học lớp 5 và lớp 11, tôi cũng như nhiều bậc làm cha, làm mẹ khác lại rất hài lòng khi lựa chọn hệ thống công lập.
Hệ thống trường công có truyền thống lâu đời và bề dày thành tích.
Trường công được Nhà nước và địa phương quan tâm, đầu tư rất tốt về cơ sở vật chất phòng ốc, trang thiết bị dạy học.
Các trường công lập, nhất là trung học phổ thông ở vùng đồng bằng, kinh tế phát triển từ Nam chí Bắc đều khá khang trang, bề thế.
Học trường công lập, có gì không tốt? (Ảnh minh hoạ trên Báo Giáo dục và Thời đại) |
Còn các trường tư, phần lớn chật hẹp, nhỏ bé, như nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông bán trú, nội trú ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (ví dụ: Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quang Trung - Nguyễn Huệ, trường Trung học phổ thông Thủ Khoa Huân…).
Thậm chí, có trường, phòng ốc ọp ẹp, bàn ghế tệ hại, phải đi thuê đi mượn đủ chỗ như Trường Trung học phổ thông tư thục Trương Định (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).
Nếu như cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường tư hầu hết là thỉnh giảng, hợp đồng thời vụ, tính tiết, thiếu sự ổn định, hay có nhiều xáo trộn thì đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo ở hệ thống trường công đều là biên chế nhà nước, từng gắn bó nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý giáo dục và giảng dạy hơn.
Về mặt quản lý nhà nước, thực hiện nội dung, chương trình thì hai hệ thống trường công và trường tư đều phải tuân thủ như nhau.
Đây là các lý do để cô Phan Tuyết chuyển con từ trường công sang trường tư thục |
Nhưng thực tế cho thấy, tính trách nhiệm, quy củ, nề nếp, chặt chẽ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện chương trình ở các trường công lâu nay vẫn hơn hẳn, vượt trội hơn các trường tư…
Đầu tháng 12 năm 2015, sau khi có thông tin một số trường trung học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tự ý bỏ một số môn học và tùy tiện ghi điểm để học sinh đủ điều kiện tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, Bộ yêu cầu Sở tổ chức thanh tra để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên (nếu có), đồng thời thông tin trên các phương tiện truyền thông để rút kinh nghiệm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, để thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, các trường tuyệt đối không được cắt xén chương trình, môn học đã quy định.
Trước đó, tháng 3, năm 2014, qua kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã phát hiện và đề nghị xử lý 14 trường ngoài công lập cắt xén chương trình học.
Các trường tư không chỉ lỏng lẻo, tùy tiện cho việc thực hiện nội dung, chương trình (qua minh chứng ở trên) mà còn có biểu hiện rất rõ "bệnh thành tích", đánh giá không thực chất kết quả học tập của học sinh.
Học sinh học thì yếu nhưng điểm số, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi cuối năm lại “bát ngát” để lấy danh tiếng, để các em lớp 12 được hưởng lợi khi xét, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Một thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giữa điểm học và điểm thi trung học phổ thông quốc gia nói lên nhiều điều.
Kết quả của 2 kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 và 2016 đã cho thấy có độ vênh đáng kể giữa điểm trung bình lớp 12 với điểm trung bình các môn thi.
Tính trung bình cả nước, độ vênh giữa điểm trung bình lớp 12 và điểm trung bình các môn thi khoảng gần 2,5 điểm.
Con tôi đã phải học trường công như thế |
Đặc biệt, nếu đối chiếu giữa các trường công lập với các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên thì độ vênh này lại rất khác biệt nhau.
Hầu hết các trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên đều có độ chênh lệch giữa điểm trung bình lớp 12 với điểm trung bình thi cao hơn 3 và ở hơn 50 trường trung học phổ thông có độ chênh lệch lớn hơn 4 điểm.
Về học phí, trường công cũng nhẹ nhàng hơn trường tư rất nhiều, nó phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số phụ huynh học sinh.
Có thể nói, hệ thống trường công vẫn là sự lựa chọn số một và phổ biến của học sinh, phụ huynh cả nước.
Chỉ có một số ít học sinh có điều kiện kinh tế tốt, học sinh học lực hạn chế (không thi đậu vào các trường công lập) và những lý do khác… ở các địa phương mới theo học các trường tư.
Kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn chia sẻ của chị Lê Thanh Hòa, 48 tuổi, công tác trong ngành tài chính và đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh được đăng trên Báo điện tử VnExpress như sau:
“Cả hai con tôi đều học trường công từ lớp một tới lớp 12. Con gái lớn đã đi làm, có cuộc sống vui vẻ, năng động. Con trai thứ hai đang học đại học tại Mỹ, cũng tự tin, có thành tích tốt.
Mặc dù cũng từng gặp các bất cập của hệ thống trường công lập, tôi vẫn tin vào quyết định của mình và an tâm với những định hướng cho các con”.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.