Phải lập tức thay đổi cách đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh

13/05/2017 07:23
Phan Tuyết
(GDVN) - Đánh giá đạo đức một con người chỉ căn cứ vào những biểu hiện như đi học trễ, nghỉ học không xin phép hay mặc đồ, đi giày dép sai… liệu đã thỏa đáng hay chưa?

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết, người dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.

Trong bài viết này, cô đề cập đến vấn đề đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh hiện nay.

Theo cô, cách đánh giá hiện nay có nhiều điểm chưa phù hợp, thiếu chính xác khiến học sinh thiệt thòi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chị bạn cùng xóm đến nhà khẩn khoản: “Cô là giáo viên có cách gì giúp con tôi được không, học kì này nó mà xếp loại hạnh kiểm trung bình thì đành từ bỏ ước mơ vào trường quân đội”. 

Hỏi ra thì được biết, Tuấn tên cậu bé đang học lớp 12 trong năm học có vi phạm một số nội quy của nhà trường như nghỉ học không xin phép và một lần đi xe đạp điện quên không đội mũ bảo hiểm. 

Dù bản thân tôi cũng không đồng tình với việc đánh giá hạnh kiểm (đạo đức) học sinh ở trường phổ thông trung học kiểu này, dù rất thông cảm với chị nhưng tôi cũng chẳng thể giúp được gì. 

Đánh giá hạnh kiểm học sinh có thể ảnh hưởng đến tương lai của các em. (Ảnh minh họa trên Tuoitre.vn)
Đánh giá hạnh kiểm học sinh có thể ảnh hưởng đến tương lai của các em. (Ảnh minh họa trên Tuoitre.vn)

Bởi, nhà trường cũng đang làm theo Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) về việc đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông và một số quy định riêng của nhà trường.

Những căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm

Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT quy định đánh giá hạnh kiểm của học sinh căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội;

Ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

Kết quả nhận xét các biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học môn Giáo dục công dân quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hạnh kiểm của học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được đánh giá ở 4 mức: Tốt; Khá; Trung bình; Yếu.

Ngoài một số quy định trên, nhiều trường học đã đặt ra nhiều quy định cụ thể hơn như việc nghỉ học không phép, mang sai đồng phục, đi học trễ, nghe điện thoại trong giờ, đầu tóc, quần áo không gọn gàng…

Phải lập tức thay đổi cách đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh ảnh 2

Sự khác biệt trong cách đánh giá học sinh giữa Việt Nam và Phần Lan, Nhật Bản

(GDVN) - Phần Lan và Nhật Bản không công bố công khai thành tích học tập của học sinh trước toàn bộ lớp còn Việt Nam thì sao?

Mất cơ hội tốt vì hạnh kiểm

Xét hạnh kiểm học sinh luôn làm thầy cô mệt mỏi và căng thẳng. Với học sinh đạt hạnh kiểm tốt sẽ được thông qua nhanh chóng.

Những học sinh vi phạm nội quy luôn được đưa ra “mổ xẻ” phân tích rồi “cân lên đặt xuống” bao lần. 

Có giáo viên vô cùng nghiêm khắc: “Vi phạm cứ chiếu vào nội quy mà xếp loại để làm bài học cho lần sau”.  

Nghĩ cũng tội cho nhiều học sinh, phạm lỗi chỉ do bồng bột nhất thời hoặc lý do bất khả kháng (như đi học trễ vì xe hỏng, xe hết xăng, quên mang giày dép không đúng quy định, mặc sai đồng phục…). 

Vì kiểu xếp loại hạnh kiểm thế này, nhiều học sinh nói mình đã rất khó khăn trong suốt quãng đời sau này. Người nói mình luôn phải chịu đựng ánh mắt dè bỉu khinh khi của không ít người.

Bất kể ai khi nghe đến hạnh kiểm trung bình hoặc hạnh kiểm yếu đều thắc mắc, băn khoăn đôi khi còn cả thái độ dè chừng, do dự khi tiếp xúc. 

Đánh giá đạo đức một con người chỉ căn cứ vào những biểu hiện như đi học trễ, nghỉ học không xin phép hay mặc đồ, đi giày dép sai… liệu đã thỏa đáng hay chưa? 

Có ai dám chắc những học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt đã thật sự là tốt? Những học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu chẳng lẽ là người xấu hay sao?

Em Võ Dũng một học sinh lớp 12 đã từng khóc nấc lên khi biết mình chỉ xếp hạnh kiểm trung bình. Lỗi em vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. 

Dù chỉ một lần duy nhất nhưng theo giáo viên “Em đã vi phạm luật giao thông đúng ra là xếp loại yếu nhưng xét thấy vi phạm lần đầu nhà trường đồng ý nâng lên một bậc là trung bình”. 

Thế là vĩnh viễn ước mơ em vào trường công an đã tan thành mây khói dù em luôn học vào loại giỏi.

Phải lập tức thay đổi cách đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh ảnh 3

Thầy cô giáo sao nỡ để các em thiệt thòi?

Em Hùng học lực yếu buộc hạnh kiểm của em không thể xếp tốt và đó là quy định chung phải chấp hành. 

Mặc dù Hùng là cậu bé ngoan, chưa bao giờ vi phạm bất cứ nội quy nào của nhà trường, em cũng luôn cố gắng học nhưng do nhận thức chậm hơn đám bạn cùng trang lứa mà lực học không thể tiến bộ hơn. 

Có những học sinh đã trót vi phạm nội quy nhà trường và sẵn sàng buông xuôi suốt thời gian còn lại: “Chỉ cần vi phạm một lần như thế hạnh kiểm cũng xuống hạng. Có hối cải hay sửa chữa cũng chẳng ích gì”. 

Theo Nguyễn Quốc Vương, một nghiên cứu sinh Đại học Kanazawa, Nhật Bản, “Đối với người Nhật, chuyện đánh giá đạo đức người khác là nhạy cảm.

Đơn giản vì họ quan niệm đạo đức hay nhân cách con người khó có thể được đoán định, đánh giá chỉ thông qua học lực và các hành vi “tuân thủ nội quy” hay “vi phạm nội quy” của trường học”. 

Bởi thế, đã đến lúc chúng ta cũng cần thay đổi việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh kiểu này.

Phan Tuyết