Trên những đỉnh núi cao chót vót từ Ka Lăng, Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu) đến Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) không thiếu những điểm trường nằm heo hút lạnh lẽo, bồng bềnh trên những đỉnh mây mù. Song, không vì thế mà những nơi đó thiếu những tiếng ê a của tuổi học trò.
Trên những điểm trường như thế, luôn có bóng hình của những thầy cô cắm bản. Không ít người đã hi sinh cả hành phúc riêng để các con được đến trường, được bữa cơm ấm bụng duy nhất trong ngày khi trên lớp.
Những đứa trẻ chẳng nhớ nổi mặt cha
Điểm trường Buốc Pát (Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La) những ngày cuối năm 2017 mây mù dày đặc, lạnh lẽo. Đất trời đang chuyển mình vào xuân, những luống cải trắng trải dài khắp những triền đồi cũng đang lụi dần.
Đất trời đang chuyển mình vào xuân rất rõ rệt. Thế nhưng ở nơi này, sự chuyển mình ấy đang chậm và khó khăn hơn bởi cái lạnh đến cắt da cắt thịt...
Tuy vậy, nhắc đến Lóng Sập, thoáng đi qua, chẳng ai nghĩ nơi này đang là một trong những điểm nóng về tội phạm ma túy của cả nước.
Vùng đất này yên bình là thế, lãng mạn là thế với những triền đồi trắng muốt mùa hoa cải lại gắn với những chuyên án lớn về ma túy.
Khó khăn về điều kiện sản xuất, cùng với sự thiếu hiểu biết, đồng bào dân tộc trong vùng thường bị các đối tượng xấu lôi kéo, nhiều hộ gia đình người Mông đã vướng vào vòng lao lý.
Nhiều đứa trẻ ở Buốc Pát (Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La) chẳng nhớ nổi mặt cha (Ảnh: Lại Cường) |
Buốc Pát là một trong những bản cực kỳ khó khăn của Lóng Sập. Cách trung tâm xã tuy chỉ có 8m nhưng với những dốc cao dựng đứng, trời mưa gần như bị cô lập bởi đường đi lại quá khó khăn. Cả bản tuy chỉ có 14 hộ dân với 100 nhân khẩu thì có đến 13 hộ vướng vào ma túy (trừ nhà trưởng bản), cả bản 100% là hộ nghèo.
Đây cũng là “địa chỉ” các đối tượng lợi dụng để vận chuyển ma túy từ biên giới vào nội địa, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ở Buốc Pát có những đứa trẻ lớn lên không nhớ nổi mặt cha, chưa từng được hưởng dòng sữa mẹ cũng bởi ma túy.
Bố buôn ma túy, mẹ nghiện, bỏ chúng đi từ lúc còn lọt lòng đỏ hỏn, những đứa trẻ ấy như những hòn đất lăn lóc giữa cao nguyên. Thiếu đi hơi ấm của cha, của mẹ nương tựa nơi họ hàng.
Sẽ rất khó để chúng thành người nếu thiếu đi những cô giáo, thầy giáo cắm bản.
Ở những nơi điểm trường cao chót vót trong đỉnh mây mù ấy, không ít thầy cô giáo cắm bản đã bỏ lại ước mơ, tuổi thanh xuân, thậm chí là hạnh phúc riêng của mình để giành lại cho em thơ những mảnh đời hi vọng.
Hạnh phúc của cô giáo Hương Giang đơn giản chỉ là các con được khỏe mạnh, được ăn, được học (Ảnh: Lại Cường) |
Trong chuyến công tác cùng đoàn tình nguyện Đông Ấm vào một ngày cuối năm 2017, chúng tôi được gặp cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang, phụ trách điểm trường mầm non như thế.
Tin nhắn nhầm lộ chuyện hi sinh của cô giáo
Đối với đồn biên phòng Lóng Sập, với tinh thần quân với dân như cá với nước, nên không khó nhận ra những câu chuyện khăng khít gắn bó của đồn với đội ngũ giáo viên nơi đây.
Được anh em trong đồn bố trí xe, chúng tôi ghé thăm điểm trường Buốc Pát đúng ngày mù sương, đường lên bản khó khăn vô cùng.
Ái ngại về đường đi, Trung tá Đào Mạnh Tưởng, trưởng đồn biên phòng Lóng Sập khuyên chúng tôi nên ở lại.
Năm học mới chỉ mong học sinh đến trường với "cái bụng không đói" |
Nhưng khi biết được đó là công việc hàng ngày của cô giáo Giang nên chúng tôi quyết tâm đi.
Quả thật đường trơn trượt và khó vô cùng. Thế nhưng, sau nhiều cố gắng, chúng tôi cũng đến được điểm trường Buốc Pát.
Ngày cuối năm, điểm trường nhỏ bé bị bao phủ bởi sương trắng, trong lớp học, 12 em nhỏ co ro trong giá lạnh.
Thương các con, cô trò sưởi ấm bằng những thanh củi nhặt tạm. Lớp học ê a trong sương sớm cũng phải kết thúc sớm bởi thời tiết quá rét.
Chia cho các con chút quà vội, chúng tôi nán lại tâm sự cùng cô giáo Giang.
Dù khó khăn là thế, nhưng khi nói về mình, cô Giang chỉ cười và cho rằng đó là điều bình thường.
Gần 20 năm gắn bó với điểm trường, dù được tạo điều kiện về trường trung tâm nhưng cô Giang vẫn ở lại với Buốc Pát, ở lại với những đứa trẻ mà cô coi chúng như con và chúng nó cũng coi cô là mẹ.
Không ít trong số những đứa trẻ này, mẹ chúng đang lang thang đâu đó trên miền biên viễn chỉ để đi tìm đến làn khói trắng để mặc chúng với đời.
Cách điểm trường gần 20km đường núi, trời mưa, rét, lạnh, sương mù hay bất kể hoàn cảnh thời tiết, không ngày nào cô giáo bỏ lớp.
Cô giáo cắm bản Hương Giang chấp nhận để miền hạnh phúc trôi qua kẽ tay (Ảnh: Lại Cường) |
Bởi bỏ lớp có nghĩa là các con sẽ không có cơm ăn. Bữa cơm ngon nhất, đầy đủ nhất chính là bữa cơm trưa được các chiến sĩ đồn biên phòng Lóng Sập bớt lương, phụ cấp để nấu cho các con ăn.
Một điều khá lạ khi trò chuyện với chúng tôi, cô Giang rất ít khi nhắc đến hạnh phúc riêng, cô chỉ hé lộ với chúng tôi chuyện mình còn mẹ già.
Nhưng thật bất ngờ, qua câu chuyện của Trung tá Đào Mạnh Tưởng, chúng tôi mới biết đến sự hi sinh của cô Giang lớn đến nhường nào.
Theo câu chuyện của anh Tưởng, một lần anh bất ngờ nhận được tin nhắn xin lỗi người yêu vì không thể theo anh về Yên Bái được. Giang chấp nhận để hạnh phúc lọt qua tầm tay.
Sau nhiều lần thuyết phục, cô giáo Giang mới trải lòng câu chuyện thầm kín của mình.
Theo đó, dù hiện nay đã ngoài 30 nhưng cô Giang vẫn lẻ bóng, vẫn phải chăm sóc mẹ già. Ngày ngày Giang đến với lớp học bằng tình thương yêu không chỉ của một cô giáo cắm bản mà còn hơn cả một người mẹ.
Người yêu Giang, một chàng trai Yên Bái thành đạt, có chức vị cũng yêu Giang vô cùng. Người yêu cô giáo luôn mơ về gia đình hạnh phúc với cô giáo cắm bản Hương Giang.
Nếu Giang về Yên Bái với chồng, công việc anh hoàn toàn có thể sắp xếp được, Giang sẽ vẫn là cô giáo mầm non ở trung tâm với điều kiện tốt hơn rất nhiều.
Tình yêu không thể chờ đợi, anh đã ngỏ lời cầu hôn với cô giáo trên điểm trường Buốc Pát và sẽ đưa Giang về Yên Bái xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Đứng trước hạnh phúc của bản thân, Giang buộc phải chọn lựa, một bên là những đứa trẻ ê a, ngày ngày ngóng Giang tới lớp, một bên là hạnh phúc riêng, một mái ấm gia đình.
Giang không còn trẻ nữa, tuổi thanh xuân của cô giáo đã đi qua những triền hoa cải đến điểm trường rồi.
Hạnh phúc đang ở rất gần nhưng cũng rất xa xôi.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Giang cũng đã nghĩ đến gia đình, nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, Giang định bỏ điểm trường mà đi, thế nhưng chỉ giật mình khi tiếng học sinh gọi "mẹ", tiếng gọi giật mình ấy khiến cô giáo cắm bản xao lòng.
Hương Giang đã chọn những đứa trẻ, những đứa trẻ của điểm trường Buốc Pát, cô nhắn cho người yêu mình trong nước mắt.
Chuyện thậm kín này, cô giáo Giang định giữa lại cho riêng mình, nhưng lại bị lộ ra bởi một tin nhắn nhầm.
Khi kể chuyện, cô giáo Giang cười, anh đồn trưởng cũng cười nhưng chúng tôi biết đằng sau nụ cười của cô giáo là cả một niềm tâm sự khó sẻ chia.
Khi nói về ước mơ, cô Giang chỉ cười và nói, ước mơ của mình chính là bọn trẻ, chúng khỏe mạnh, lớn lên sẽ là một lớp người mới, không còn vất vả như cha mẹ chúng nữa. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với mình rồi.