Sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh thì giáo viên phải dạy làm sao đây?

13/08/2018 07:43
Nguyễn Cao
(GDVN) - Làm sao để thầy cô đảm nhận tròn vai một người thầy với hơn 60 học sinh/ lớp, có lẽ đây thực sự là một áp lực vô cùng lớn đối với thầy cô giảng dạy...

LTS: Lên tiếng về thực trạng sĩ số học sinh quá đông ở bậc tiểu học, thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ lo ngại về chất lượng dạy và học.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học mới này, học sinh lớp 1 được xem là lứa “heo vàng” nên phần nhiều các trường Tiểu học ở các địa phương phải đón nhận một lượng học sinh đông hơn nhiều so với các năm trước.

Tuy nhiên, thông tin mà một số trường nội đô của Hà Nội có sĩ số trên 60 học sinh/ lớp, thậm chí có lớp lên đến 69 học sinh thì có lẽ nhiều phụ huynh, giáo viên chưa nghe bao giờ.

Làm sao để thầy cô đảm nhận tròn vai một người thầy với hơn 60 học sinh/ lớp, có lẽ đây thực sự là một áp lực vô cùng lớn đối với thầy cô giảng dạy và cả với ngành giáo dục. 

Mấy ngày qua, dư luận đề cập khá về chuyện có một số trường ở quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân (Hà Nội) có số học sinh từ 60 – 69 học sinh/ lớp học.

Như Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) có 9 lớp 1, nhưng chỉ có 2 lớp sĩ số là 68 em, còn lại 7 lớp sĩ số 69 em.

Lượng học sinh lớp 1 của trường năm học 2018-2019 khá đông. Ảnh: Vietnamnet.vn
Lượng học sinh lớp 1 của trường năm học 2018-2019 khá đông. Ảnh: Vietnamnet.vn

Với số lượng học sinh đông như vậy không chỉ gây ra nhiều khó khăn cho người dạy, người học mà đã vượt số lượng so với quy định của Điều 17 Điều lệ trường tiểu học ban kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.

Đây thực sự là bài toán nan giải.

Bản thân cũng là một giáo viên đang giảng dạy nhưng khi tiếp cận thông tin lớp học lên đến 69 học sinh khiến chúng tôi thực sự choáng ngợp.

Bản thân chúng tôi cũng không thể hình dung nổi những đồng nghiệp của mình sẽ vất vả ra sao khi dạy dỗ, quản lý chừng ấy học trò.

Chỉ riêng việc ghi tên, ghi trích ngang của học sinh cũng phải mất mấy ngày.

Sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh thì giáo viên phải dạy làm sao đây? ảnh 2Các lãnh đạo ơi, lớp vẫn còn đông lắm!

Rồi, chừng ấy học sinh chỉ việc nhớ tên các em cũng phải mất khá nhiều thời gian.

Chưa nói ở cái tuổi vào lớp 1 thì các em học sinh luôn có vô vàn sự cố trong lớp học.

Tập cho các em một thói quen sinh hoạt, học tập… cũng đủ khiến nhiều người toát mồ hôi hột.

Từ lâu, Bộ Giáo dục đã nhiều lần ra công văn chỉ đạo là cấm các trường dạy trước chương trình lớp 1.

Các công văn đã yêu cầu các Sở giáo dục và đào tạo tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1.

Và, nếu như các bậc phụ huynh, các nhà trường thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ thì liệu thầy cô có đủ thời gian để uốn nắn cho học trò từ những nét chữ, con số đầu tiên?

Trong khi, ngay từ lớp 1 thì các em phải học rất nhiều môn và thời lượng dành cho việc làm quen, ghép vần, ghép chữ không nhiều.

Mỗi tiết học của cấp Tiểu học hiện nay chỉ có 35 phút, chừng ấy thời gian nhưng giáo viên còn phải làm nhiều công việc hành chính khác như ổn định lớp, kiểm tra sĩ số, kiểm tra bài cũ…

Sau đó, mới tiến hành dạy, viết mẫu lên bảng, hoặc đọc mẫu trước lớp.

Nếu trong lớp, giáo viên chỉ cần dừng lại chỉ, cầm tay uốn nắn, chỉ cách cầm bút đúng cho vài em cũng đã hết thời gian 1 tiết học.

Trong khi, hơn 60 học sinh khác cũng đang trông chờ cô thì giáo viên biết làm sao đây?

Hoặc trong lớp chỉ vài em không tiếp thu kịp chắc chắn giáo viên phải gần gũi nhiều hơn mới giúp các em tiến bộ, mà giúp được em này thì em khác lại không kèm cặp được.

Sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh thì giáo viên phải dạy làm sao đây? ảnh 3Trẻ vào lớp 1 không học chữ trước có được không?

Trong khi, áp lực về thành tích, áp lực về hành chính của các nhà trường hiện nay rất lớn chứ đâu chỉ mình chuyện dạy cho học trò.

Nói thật, nhiều khi dư luận lên án dạy thêm nhưng nếu con em mình vào những lớp học đông như vậy thì không học thêm làm sao có thể tiếp thu được bài vở.

Những em thông minh, tiếp thu nhanh và được cha mẹ dạy dỗ kĩ càng ở nhà thì có thể tiếp cận được kiến thức bài vở mà thầy cô dạy.

Những em học sinh yếu kém thì làm sao có thể theo kịp được bởi làm sao thầy cô có thể quan tâm cặn kẽ đến từng học sinh với chừng ấy em.

Phải nói thật, chúng tôi vô cùng cảm phục những thầy cô giảng dạy những lớp học này. Bởi lứa tuổi vào lớp 1 có nhiều em đang được cha mẹ cưng chiều.

Nhiều em chưa hình thành thói quen tự giác, tự chủ, nói năng cũng chưa đi vào nề nếp.

Những điều đó, bắt buộc giáo viên lớp 1 phải hướng dẫn và hình thành dần các kĩ năng cho các em.

Vì thế, quản lý được chừng ấy học sinh trong suốt cả buổi học có lẽ giáo viên cũng đủ vất vả.

Đó là chưa kể học sinh lớp 1 phần lớn học 2 buổi/ ngày.

Không chỉ vất vả trong dạy dỗ mà theo hướng dẫn của Thông tư 22 về đánh giá học sinh Tiểu học hiện nay thì giáo viên phải nhận xét vào bài học của học trò.

Vì thế, để chấm, nhận xét cho gần 70 học sinh chắc chắn cũng hết rất nhiều thời gian nữa.

Không biết các thầy cô bố trí lúc nào để nhận xét đầy đủ cho các em. Trong khi, giáo viên Tiểu học ít nhất cũng phải dạy 3 tiết/ buổi.

Không chỉ khó khăn về việc dạy mà với sĩ số đông như vậy cũng tạo nên một không gian lớp học vô cùng chật chội, bức bối.

Chúng ta cứ thử hình dung diện tích mỗi lớp học hiên nay có diện tích là từ 48-54 m2.

Trong đó, còn phải trừ không gian cho bục giảng để thầy cô giảng bài, không gian đi lại giữa các dãy bàn thì phải nói là qua chật chội.

Những chuyện không thể tưởng tượng bên trong lớp học có gần 70 học trò

Trong khi quy định chuẩn hiện nay là mỗi học sinh là 1,25 m2 mới đảm bảo.

Những khó khăn chồng chất ấy đòi hỏi khả năng, phương pháp của người thầy phải phát huy tối đa mới có thể vận dụng cho lớp học của mình.

Nhìn vào thực trạng sĩ số lớp 1 đến 69 học sinh, chúng ta thấy nó đã vượt qua tất cả những quy định, quy chuẩn của ngành giáo dục.

Nói thật, với sĩ số như thế này giáo viên chỉ dạy những phương pháp thông thường cũng khó trong vai chứ đừng mong chuyện đổi mới, hình thành năng lực của học trò mà ngành giáo dục đang triển khai.

Và, bài toán quá tải này mà ngành, địa phương chưa giải được thì chuyện đổi mới giáo dục có lẽ còn xa vời lắm.

Nguyễn Cao