Những chuyện không thể tưởng tượng bên trong lớp học có gần 70 học trò

12/08/2018 06:46
Thuận Phương
(GDVN) - Học sinh ở độ tuổi quá nhỏ lại phải ngồi học chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp nên chúng cứ tha hồ nói chuyện một cách ngang nhiên.

LTS: Trước áp lực quá lớn về sĩ số lớp học đang gây ra những quá tải trong việc dạy học và quản lý học sinh của giáo viên, tác giả Thuận Phương đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Một giáo viên quản 30 học sinh đã nhiều nhưng hiện nay khá nhiều trường tiểu học trong cả nước (đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Biên Hòa… sĩ số lớp học thường ở mức 50, 60 thậm chí gần 70 em/lớp.

Học trò còn quá nhỏ, mọi chuyện từ học hành, dạy dỗ bảo ban đến việc ăn, ngủ sao cho có nề nếp quả không hề đơn giản chút nào.

Nỗi vất vả, nhọc nhằn này chỉ có giáo viên mới là người thấu hiểu nhất.

Sĩ số lớp học quá đông gây áp lực lớn đến chất lượng dạy và học (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân).
Sĩ số lớp học quá đông gây áp lực lớn đến chất lượng dạy và học (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân).

Nỗi thống khổ của giáo viên và bảo mẫu ở lớp học quá tải

Một lớp học với sĩ số bình thường khoảng 30-35 em/lớp thì ít nhất cũng có vài ba em thuộc diện chậm hiểu mà giáo viên thường gọi là thành phần lơ ngơ không biết gì.

Sĩ số lớp học tăng lên 60-70 em thì những học sinh cá biệt kia cũng nhiều hơn bình thường.

Theo quy định của Bộ Giáo dục, một học sinh khuyết tật trong lớp thì sĩ số sẽ giảm 5 em. Thế nhưng nhiều trường học không thể giảm sĩ số cho giáo viên.

Bởi, giảm thì những học sinh khác sẽ học ở đâu?

Phần nữa là một số em bị tự kỉ, bị khuyết tật trí tuệ nhưng cha mẹ các em nhất định không thừa nhận con mình bị bệnh.

Giáo viên lại khổ gấp trăm ngàn lần vì ngoài việc vừa dạy vừa phải canh các em, phải thu dọn cả những lần chột bụng vì kĩ năng không thể kiểm soát của những học sinh này quá yếu (thường xuyên và liên tục).

Ngoài ra, thầy cô còn phải tìm cách hợp thức hóa kiến thức để các em lên lớp (với những trẻ khuyết tật trí tuệ nhưng cha mẹ không thừa nhận để đi khám lấy giấy chứng nhận nên các em vẫn phải học lượng kiến thức như những học sinh bình thường dù các em không thể học).

Những chuyện không thể tưởng tượng bên trong lớp học có gần 70 học trò ảnh 2Các lãnh đạo ơi, lớp vẫn còn đông lắm!

Học sinh ở độ tuổi quá nhỏ lại phải ngồi học chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp nên chúng cứ tha hồ nói chuyện một cách ngang nhiên.

Mỗi em một tiếng lớp đã ồn ã đến nhức đầu. Chưa nói đến việc có em thích chọc phá bạn, thích đi tự do trong lớp.

Chuyện thình lình ném thước, giật tóc, đâm viết, hay phun nước miếng vào mặt bạn, xé sách vở thường xuyên xảy ra trong giờ học mà thầy cô cũng khó lòng kiểm soát nổi.

Giờ học đã khổ, giờ ăn còn khổ hơn.

Dù sĩ số lớp học 50 hay gần 70 em thì một số trường học cũng chỉ biên chế mỗi lớp một giáo viên chủ nhiệm và một bảo mẫu.

Một bảo mẫu ở quận Bình Tân cho biết: “phòng ăn chật nên nhiều lớp phải ăn ngay trong phòng học.

Một số học sinh lớp 1 chưa quen với việc xúc ăn nên thời gian đầu giáo viên vừa hướng dẫn, vừa phải đút từng muỗm cơm. Rồi nhiều khi các em ăn cơm canh văng ra lớp.

Học sinh ăn xong, giáo viên phải lau dọn và chùi lớp học để các em nằm ngủ. Canh cho chúng ngủ không chọc phá nhau cũng tuốt hết mồ hôi hột”.

Để quản học sinh vào nền nếp giáo viên chỉ còn cách vi phạm quy chế chuyên môn

Để giảng dạy trong lớp có sĩ số học sinh khủng như thế, nhiều giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa cho biết “không thể tổ chức cho học sinh cách học nhóm theo quy định”.

Để xếp chỗ ngồi cho khoảng 60-70 em phải cần ít nhất từ 32 cái bàn. Nếu xếp các em ngồi học theo nhóm phải từ 8 nhóm trở lên.

Những chuyện không thể tưởng tượng bên trong lớp học có gần 70 học trò ảnh 3Có phải giáo viên lười, ngại khó?

Căn phòng chỉ đủ khoảng 16-17 cái bàn thì nay phải kê gấp đôi. Các bàn được xếp sát với nhau, thầy cô cũng không thể nào len chân nổi từ nhóm này qua nhóm khác.

Theo quy định, giáo viên sẽ đến từng nhóm hướng dẫn các em cách học, kiểm tra bài và tuyên dương hoặc nhắc nhở.

Vì học sinh quá đông, chia nhóm quá nhiều. Mỗi một hoạt động thầy cô đi hết 8 nhóm cũng bở hơi tai. Qua nhóm này thì nhóm kia nói chuyện.

Một giờ dạy cũng phải chiếm đến 2 tiếng đồng hồ mới xong. Nhưng nếu thế là vi phạm quy chế chuyên môn.

Một số giáo viên bật mí “túng phải tính”, thầy cô phải có bí quyết mới đảm bảo truyền thụ hết chuẩn kiến thức kĩ năng môn học, mới dạy đủ một ngày 7 tiết theo quy định.

Bí quyết mà nhiều giáo viên hiện đang áp dụng là “thiết quân luật” ngay từ những ngày đầu nhận lớp.

Kiểu “trấn áp” học sinh bằng roi vọt hoặc những lời hăm dọa để học sinh biết sợ thầy cô.

Khi học, giáo viên giảng, trò khoanh tay chăm chú lắng nghe. Và thầy cô phát lệnh, cả lớp cùng làm bài.

Muốn học sinh trật tự “phải luôn giao việc cho chúng làm, tuyệt đối không được ngơi tay”.

Chẳng hạn, trong khi giáo viên chấm điểm bài chính tả, học sinh viết tập viết, qua luyện viết hay làm bài tập toán, bài tập tiếng Việt (đây là kiến thức làm thêm không bắt buộc trong chương trình).

Dạy như thế là dạy theo kiểu truyền thống, dạy học thụ động mà ngành giáo dục đã bỏ từ hơn chục năm nay.

Thế nhưng không dạy thế, làm sao thầy cô có thể quản hết số lượng học trò đông đến mức vậy?

Thời gian rảnh, thầy cô cũng tập cho học sinh kiểu học nhóm để phòng khi có thanh tra, dự giờ hay giáo viên tham gia các hội thi giáo viên giỏi.

Những chuyện không thể tưởng tượng bên trong lớp học có gần 70 học trò ảnh 470 trẻ trong một lớp mầm non, trông cũng không xuể, nói gì đến chăm sóc

Giải bài toán chất lượng

Học sinh đông cơ hội giáo viên hiểu rõ lực học, tính tình từng em rất khó. Những học sinh yếu cần thầy cô dành thời gian nhiều hơn nhưng dạy cả lớp còn chưa xong bài thì thời gian nào để kèm cặp riêng?

Những học sinh khá giỏi cần được dạy nâng cao, giáo viên cũng chẳng đủ thời gian và công sức làm việc đó nên học sinh yếu ngày càng yếu hơn.

Dù yếu thì cuối năm các em vẫn phải lên lớp. Thế rồi, thay vì đầu tư kèm cặp để lực học của các em được cải thiện nhưng trong lớp, giáo viên quay quắt với số lượng học sinh khủng như thế thì làm gì có thời gian rảnh?

Thế là thầy cô phải tìm con đường nhanh gọn hơn như việc “bật đèn xanh” để trò giỏi cho trò dốt chép bài hoặc trực tiếp nâng điểm, sửa bài thi, cho làm bài lại…

Lớp học nào rồi cũng thế. Giáo viên lớp sau gánh hậu quả giáo dục bết bát của giáo viên lớp trước như một món nợ đồng lần. Vì thế, chẳng ai ca thán, phản ứng gì.

Xin đừng trách giáo viên vì những thầy cô cũng đã nỗ lực hết mình nhưng lực bất tòng tâm mà nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì sĩ số học sinh quá đông như thế.

Thuận Phương