"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau

28/07/2018 09:36
Vũ Thái
(GDVN) - Cambridge chỉ cung cấp chương trình, sách giáo khoa và dịch vụ khảo thí. Sở và các trường tổ chức dạy, tuyển dụng và thu chi do 1 công ty tư nhân lo.

Trong bài viết trước, "Những ngộ nhận và rủi ro khi cho con học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội", chúng tôi đã phân tích bản chất hoạt động của Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge là xuất khẩu chương trình - sách giáo khoa và dịch vụ khảo thí.

Đây là một hoạt động kinh doanh thương mại trong lĩnh vực giáo dục trên phạm vi toàn cầu, nên càng mở được nhiều Trường quốc tế Cambridge, họ càng thu được nhiều lợi nhuận. 

Lợi nhuận ấy đến từ phí bản quyền thường niên (chỉ phải nộp sau khi đã trở thành thành viên hệ thống Trường quốc tế Cambridge), chương trình - sách giáo khoa và lệ phí thi - kiểm tra.

Tuyển sinh các lớp dịch vụ thí điểm song bằng do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng ra tổ chức, quảng bá. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Tuyển sinh các lớp dịch vụ thí điểm song bằng do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng ra tổ chức, quảng bá. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Cách Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge làm nên thương hiệu chính là mức độ nghiêm ngặt và tin cậy của dịch vụ khảo thí;

Trong khi cơ sở vật chất, giáo viên và dịch vụ đi kèm trong quá trình đào tạo để đạt được "chuẩn đầu ra" của họ, hoàn toàn thuộc về các đối tác của Cambridge và người học.

Phải chăng chính vì vậy khi đến Việt Nam, Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge nghĩ ngay đến việc tiếp cận bộ máy chính quyền sở tại, nhất là những người có quyền quyết định trong việc cấp phép các dịch vụ giáo dục, đào tạo?

Dịch vụ giáo dục có thu phí trong trường công lập - con gà đẻ trứng vàng

Luật Giáo dục hiện hành quy định, cả nước sử dụng thống nhất một chương trình, một bộ sách giáo khoa.

Nhưng thực tế nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép sử dụng ít nhất 5 bộ sách giáo khoa tiếng Anh ngoài bộ sách giáo khoa tiếng Anh của Chương trình 2000.

Những sách giáo khoa tiếng Anh này xuất hiện sau khi có Đề án Ngoại ngữ 2020, chúng có giá rất đắt và thường được chiết khấu khá cao cho các cơ sở giáo dục lẫn đơn vị quản lý giáo dục.

Đại diện một công ty thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 7/5 cho biết, thực sự đó là một cuộc chiến "chiết khấu".

"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau ảnh 2

"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội

Các đơn vị xuất bản sách học tiếng Anh cạnh tranh không bằng chất lượng, mà cạnh tranh bằng chiết khấu. Khoản tiền họ chiết khấu cho các đơn vị quản lý giáo dục, các nhà trường lấy từ túi của cha mẹ học sinh.

Đó là chuyện ở quy mô cấp quốc gia.

Còn cấp tỉnh thành, các sở giáo dục và đào tạo địa phương cũng "nhạy bén" không kém, trong phạm vi quyền hạn của mình, các sở tổ chức thẩm định và cấp phép cho các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài vào nhà trường công lập làm dịch vụ.

Hoạt động này có tên gọi liên kết ngoại ngữ, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh hiện tượng này trong các trường phổ thông công lập ở Hà Nội.

Ngày 11/2/2015 Báo Kinh tế và Đô thị đặt câu hỏi với một đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội:

"Ngoài giáo trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, các trường vẫn liên kết với các trung tâm ngoại ngữ đưa các chương trình khác nhau vào giảng dạy, nhất là ở cấp tiểu học. Vì sao có tình trạng này, thưa bà?"

Bà Bùi Thị Minh Nga khi đó là Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời:

"Việc liên kết trong trường học xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh và mỗi trường có nhu cầu riêng.

Chương trình có thể phù hợp với học sinh trường này nhưng lại không phù hợp với trường kia vì trình độ tiếp nhận cao, thấp khác nhau, do đó, mỗi trường có lựa chọn riêng cho phù hợp. 

Để làm việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo có những căn cứ pháp lý cụ thể. Thứ nhất là Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có mục số 9 về hợp tác quốc tế. 

Thứ hai là chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố nói rõ phải chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và mở rộng các chương trình liên kết.

Vậy nên trong kế hoạch nhiệm vụ năm học, chúng tôi đồng ý về mặt chủ trương cho các trường thực hiện liên kết giảng dạy tiếng Anh với những đơn vị đủ năng lực, trong đó có giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy."

Bà Bùi Thị Minh Nga, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: hanoi.edu.vn.
Bà Bùi Thị Minh Nga, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: hanoi.edu.vn.

Có thể nói, chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo của Trung ương là hoàn toàn sáng suốt, đúng đắn và cần thiết. 

Tuy nhiên, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý giáo dục là phải tạo ra một sân chơi và hành lang pháp lý công bằng, minh bạch, lành mạnh để các nhà cung ứng dịch vụ giáo dục được tiếp cận bình đẳng, để người học có quyền tự do lựa chọn chương trình phù hợp với mình, chứ không phải đi thẩm định, cấp phép.

Đặc biệt là các trường phổ thông công lập phải tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm - phổ cập giáo dục, chứ không phải kinh doanh dịch vụ giáo dục để kiếm lời, dưới bất kỳ hình thức nào.

Sự ra đời của Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 về quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục cũng quy định rất rõ, đối tượng được phép liên kết giáo dục với nước ngoài là các trường tư thục, không phải các trường công lập.

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì đang làm điều ngược lại.

Hơn nữa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn đứng ra quảng cáo cho một đơn vị cung ứng dịch vụ, thậm chí huy động cả bộ máy quản lý ngành dọc và ngân sách nhà nước để phục vụ cho 1 đơn vị cung ứng dịch vụ có thu phí, triển khai hoạt động của họ vào trường công lập, thì còn đâu sự công bằng, minh bạch và đúng chức năng nhiệm vụ?

"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau ảnh 4

Những ngộ nhận và rủi ro khi cho con học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục Thủ đô rất "nhạy bén" và hứng thú với các loại hình dịch vụ giáo dục trong trường công có thực sự vì "nâng cao chất lượng" giáo dục, hay vì điều gì khác nữa?

Quay trở lại chương trình song bằng Hà Nội đang triển khai, như chúng tôi đã phân tích, Hà Nội đang đổ tiền ngân sách cho các trường thí điểm "song bằng" để phục vụ Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge làm dịch vụ khảo thí.

Còn các em học sinh tham gia "thí điểm" có lấy được chứng chỉ IGCSE, A Levels sau khi gia đình phải bỏ hàng trăm triệu đồng và "học ngày, cày đêm" hay không, vài năm nữa mới có câu trả lời.

Lúc đó, nếu mọi việc lỡ dở như vụ Cambridge dừng chương trình tại 33 trường phổ thông ở Việt Nam năm 2013, thì học sinh và gia đình lãnh đủ.

Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ tại Việt Nam một cách bình thường, còn cơ quan quản lý giáo dục các địa phương thì phủi tay.

Nói cách khác, "thí điểm" song bằng hiện nay về bản chất không khác gì tổ chức dạy thêm có thu phí trong các trường công lập.

Được quảng cáo là "song bằng" nhưng không có gì đảm bảo các em bỏ cả trăm triệu ra học chương trình "thí điểm" sẽ lấy được tấm bằng thứ 2;

Mà giả sử có lấy được cũng là vì nỗ lực của các em và đầu tư rất lớn từ gia đình, chứ không phải Cambridge mang lại, họ chỉ bán cho các em một dịch vụ khảo thí.

Còn lại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cho 9 trường công lập làm dịch vụ giáo dục có thu phí khá cao, để các em học và thi lấy chứng chỉ của Cambridge, thi được hay không là chuyện của các em.

Cambridge thì vẫn rất nghiêm túc và chặt chẽ trong tổ chức trường thi, coi thi và chấm thi, phát bằng.

Cambridge phải đi đường vòng và bóng dáng các công ty sân sau

Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge đã tiếp cận lãnh đạo thành phố cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từ năm 2009 để chào hàng chương trình của họ.

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham dự Hội nghị nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình quốc tế trong trường phổ thông do Tổ chức Giáo dục quốc tế Cambridge tổ chức ngày 16/3/2018. Ảnh: Báo Hà Nội Mới.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham dự Hội nghị nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình quốc tế trong trường phổ thông do Tổ chức Giáo dục quốc tế Cambridge tổ chức ngày 16/3/2018. Ảnh: Báo Hà Nội Mới.

Chúng tôi được biết, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các quan chức sở giáo dục 2 địa phương này từng được mời sang thăm Vương quốc Anh và Đại học Cambridge để nghe họ giới thiệu về chương trình khảo thí của mình.

Bình thường Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge sẽ làm việc trực tiếp với từng trường họ có ý định hợp tác.

Các trường quốc tế, tư thục ở Việt Nam hiện đang hợp tác với Cambridge đều tiến hành trực tiếp, không phải qua bất kỳ đơn vị trung gian nào, để giảm chi phí.

Nhưng lần thứ nhất chương trình Cambridge vào 33 trường phổ thông ở Việt Nam (công lập có, tư thục có), phải thông qua một đơn vị trung gian là công ty EMG. 

Tiền thu được từ học sinh học chương trình Cambridge được EMG chiết khấu cho các trường 15% làm "phí quản lý", còn lại họ sử dụng như thế nào thì chỉ có họ biết. [2]

"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau ảnh 6

Học "song bằng" đóng tiền thật, chất lượng cam kết dựa trên niềm tin

Cơ sở vật chất các trường công lập do nhà nước đầu tư, nhân dân đóng góp. Lương giáo viên và bộ máy quản lý vận hành, cũng được trả từ tiền thuế của dân. Thương hiệu nhà trường do bao thế hệ thày - trò gây dựng...

Tất cả đều được mang ra phục vụ 1 doanh nghiệp một cách vô điều kiện.

Việc tuyển sinh những học sinh ưu tú nhất trên địa bàn cho chương trình "thí điểm", thì đã có Sở Giáo dục và Đào tạo đứng ra lo.

Có thể nói, không có doanh nghiệp nào làm giáo dục "sướng" như EMG.

Nhưng rồi không biết do những mâu thuẫn nào, Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge dừng hợp tác với họ, làm việc trực tiếp với các trường.

Quay trở lại Hà Nội, mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo đứng ra đỡ đầu cho chương trình Cambridge dưới tên gọi mới, "song bằng", nhưng cách làm thì không có gì khác giai đoạn trước.

Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge vẫn làm việc trực tiếp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng 9 trường công lập về mặt chuyên môn. 

Nhưng chuyện "bếp núc, tiền nong" cho đến thi tuyển giáo viên, thì do 1 doanh nghiệp tư nhân đứng ra bao hết.

Ví dụ như trường Trung học cơ sở Cầu Giấy và Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân cùng chung một công ty.

Đối tác liên kết thực hiện giảng dạy chương trình song bằng tại 2 trường này là Công ty Trách nhiệm hữu hạnTư vấn và Định hướng Giáo dục Việt Nam (VEC). Địa chỉ: Tầng 16, tòa nhà Daeha Business Centre, 30 Phố Kim Mã, Hà Nội. [3]

Hà Nội đã cho các doanh nghiệp này cơ chế thu tiền trực tiếp từ người học, trả lại cho trường 10% số học phí làm "chi phí quản lý", 90% còn lại sử dụng thế nào thì chỉ có trời biết, đất biết và họ biết với nhau.

Chúng tôi không dám nói có sự "ăn chia" ở đây, nhưng chắc chắn rằng việc quản lý tài chính của các lớp "song bằng" sẽ rất phức tạp.

Phải chăng đây là lý do tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho đến bản thân các trường công lập tham gia thí điểm đều không muốn làm việc với Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge trong việc tuyển dụng, quản lý giáo viên và cung cấp dịch vụ?

Và còn một sự bất thường khác nữa, là nếu chất lượng dịch vụ không được như cam kết, thì học sinh và gia đình sẽ khiếu nại / khởi kiện nhà trường hay công ty?

Học sinh muốn đổi giáo viên dạy, nhà trường hay công ty sẽ quyết việc này?

Nhà trường thì chắc không thể can thiệp, vì họ không phải đơn vị ký hợp đồng lao động với người nước ngoài.

Phải chăng đây có phải lý do khiến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như 9 trường công lập giấu kín đề án "thí điểm" song bằng?

Nguồn:

[1]http://kinhtedothi.vn/quan-ly-chat-lien-ket-day-ngoai-ngu-36069.html

[2]http://www3.laodong.com.vn/giao-duc/ngung-chuong-trinh-cambridge-va-tich-hop-hoc-sinh-ganh-hau-qua-222755.bld

[3]http://thcsnghiatan.caugiay.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ke-hoach-thuc-hien-chuong-trinh-song-bang-cambritgde-cua-tru.html

Vũ Thái