"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội

27/07/2018 07:21
Vũ Thái
(GDVN) - Bộ Giáo dục "thí điểm" được thì Sở Giáo dục Hà Nội ngại gì mà không "thí điểm"? Nghị định 86/2018/NĐ-CP dường như "nằm ngoài vùng phủ sóng" Hà Nội?

Tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại tự tin "thí điểm" song bằng?

Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích bản chất hoạt động của Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge là cung cấp chương trình đào tạo và dịch vụ khảo thí, chứ họ không làm dịch vụ đào tạo.

Yếu tố quyết định đến đầu ra của "thí điểm song bằng" không phải ở kỳ thi của Cambridge, mà chính là nỗ lực cố gắng của thầy và trò, cũng như đầu tư rất lớn của gia đình và nhà trường trong suốt quá trình dạy và học chương trình Cambridge.

Chúng tôi thiết nghĩ, phải chăng đây chính là lỗ hổng rủi ro để một mai nếu "thí điểm" có thất bại, thì người sử dụng dịch vụ là học sinh và cha mẹ học sinh lãnh đủ?

Họ chỉ có thể trách mình đã bỏ tiền ra để được "thí điểm", chứ không thể kêu ai.

Các vị hiệu trưởng, trưởng / phó phòng giáo dục và đào tạo quận / huyện ở Hà Nội thí điểm tuyển sinh "song bằng" lớp 6 năm nay trong buổi giao lưu tại Báo Nhân Dân ngày 10/7, ảnh: Báo Nhân Dân.
Các vị hiệu trưởng, trưởng / phó phòng giáo dục và đào tạo quận / huyện ở Hà Nội thí điểm tuyển sinh "song bằng" lớp 6 năm nay trong buổi giao lưu tại Báo Nhân Dân ngày 10/7, ảnh: Báo Nhân Dân.

Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge vẫn làm đúng chức năng của họ, vẫn đảm bảo tiêu chuẩn đầu ra ngặt nghèo làm nên thương hiệu cho họ trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. 

Còn cơ quan tổ chức chương trình song bằng thì đã nói từ đầu, một là "gia đình phải hoàn toàn tự nguyện", hai là "thí điểm".

Chính vì thế cam kết của Sở đưa ra rất mơ hồ, chứ không rõ ràng như các trường quốc tế / tư thục với chi phí đào tạo không nhỏ, nhưng minh bạch.

Sở dĩ rủi ro như vậy nhưng vẫn có cha mẹ học sinh cho con học "song bằng", là bởi họ tin vào Sở, bởi chính sách tuyên truyền của Sở cho một chương trình "đẳng cấp quốc tế, giá cả Việt Nam". Những người đặt niềm tin vào Sở có lẽ là bởi họ nghĩ, đời nào cơ quan nhà nước lại lách luật.

Dân tin vào Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là một điều đáng quý. Niềm tin ấy được nhân lên, hay sẽ thui chột, hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của quý Sở.

Cho nên bài học nhãn tiền từ việc dừng chương trình Cambridge năm 2014 ở 33 trường phổ thông trên cả nước dường như chưa đủ sức nặng cảnh báo.

Câu hỏi hé lộ một sự thật

Trong buổi giao lưu trực tuyến "Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng" do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/7, một bạn đọc có tên là Trần Thanh Sơn ở quận Thanh Xuân đặt câu hỏi:

Theo Nghị định 86 mới ban hành ngày ngày 6/6/2018 (Nghị định 86/2018/NĐ-CP), tại phần quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài, cho phép kết hợp dạy chương trình giáo dục của Việt Nam kết hợp với chương trình giáo dục nước ngoài, gọi là chương trình giáo dục tích hợp.

Theo đó, chương trình giáo dục tích hợp này phải bảo đảm mục tiêu giáo dục của Việt Nam, đồng thời không bắt học sinh học lại cùng một nội dung, tránh cho học sinh quá tải. Vậy việc lựa chọn phần kiến thức nào để học, phần kiến thức nào bỏ qua được tiến hành như thế nào?

Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bà Bùi Thị Minh Nga, ảnh: hanoi.edu.vn.
Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bà Bùi Thị Minh Nga, ảnh: hanoi.edu.vn.

Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời:

"Cảm ơn bạn Sơn.

Theo Nghị định 86 có hiệu lực từ ngày 1/8/2018, nghị định này cho đến nay chưa có thông tư hướng dẫn để thực hiện.

Tuy nhiên, Sở đã hướng dẫn các trường xây dựng chương trình phù hợp với công văn số 791 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ghi rõ các nhà trường được phép điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong chương trình hiện hành và xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng bộ môn.

Vì thế nhà trường tham gia nghiên cứu hai chương trình của Việt Nam và chương trình Cambridge để xây dựng một chương trình tích hợp không trùng lặp, giảm tải cho học sinh, tránh học sinh cùng một nội dung phải học hai lần.

Việc lựa chọn kiến thức nào để học và kiến thức nào để bỏ dưới sự hướng dẫn của các chuyên viên phụ trách chuyên môn của Sở đến các nhà trường và các đồng chí giáo viên ở các tổ chuyên môn xây dựng cùng với Sở một chương trình thật hoàn thiện, tích hợp cả hai chương trình quốc gia Việt Nam và Cambridge.

Qua quyết định của hội đồng thẩm định của sở, chúng tôi sẽ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện.

Chúng tôi nhấn mạnh việc học chương trình song bằng này có một ưu việt là, ngoài việc chúng ta học chương trình quốc tế vẫn được tham gia học chương trình quốc gia để không mất đi bản sắc của con em mình."

Ở đây quý Sở đã nhắc đến Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội ảnh 3

Những ngộ nhận và rủi ro khi cho con học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội

Hình như lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã không đọc hoặc cố tình bỏ qua Điều 6 thuộc Mục 1, Chương II. Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài.

Điều 6. Đối tượng liên kết giáo dục

Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.

Như vậy, việc "thí điểm song bằng" ở 9 trường công lập trên địa bàn Thủ đô đã trái với quy định của Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Phải chăng chính vì vậy nên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới phải viện đến 2 từ "thí điểm"?

"Thí điểm" có phải lá bùa hộ mệnh để lách luật?

Học sinh trở thành "chuột bạch" cho các hoạt động "thí điểm" đã trở thành chuyện bình thường của giáo dục Việt Nam cả chục năm qua.

Thậm chí Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng kể trên Báo Nhân Dân rằng, "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận phải bỏ ra 50 triệu thuê luật sư tư vấn pháp lý cho mình" để triển khai đại trà sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. [1]

Không một ai ý kiến gì về thông tin này.

Trước câu hỏi về cơ sở pháp lý của việc triển khai đại trà sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chưa qua thẩm định, cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng "thẩm định chiếu lệ", bởi cơ sở pháp lý để triển khai đại trà (Điều 29 Luật Giáo dục) thì đã bị loại bỏ ngay từ đầu

"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội ảnh 4

Học "song bằng" đóng tiền thật, chất lượng cam kết dựa trên niềm tin

Đến khi Bộ "thí điểm" mô hình trường học mới VNEN, cũng ào ạt nhân rộng từ 6 tỉnh ra cả nước chỉ sau 1 năm, đến bây giờ có những tỉnh đã bỏ hẳn, có những nơi cha mẹ học sinh muốn bỏ nhưng ngành giáo dục quyết giữ.

Thế mới thấy hết cái sự lợi hại của 2 chữ "thí điểm".

Cái sự "thí điểm" song bằng của Hà Nội còn được bảo đảm bởi "công văn cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo" như lời bà Nga nói, thì còn gì phải e dè, thận trọng?

Nhưng trong trường hợp thí điểm song bằng, cha mẹ học sinh có quyền lựa chọn ngay từ đầu, có điều họ rất thiếu thông tin để xem xét, cân nhắc.

Hà Nội đã "tích hợp" chương trình Cambridge vào chương trình giáo dục phổ thông như thế nào?

Phần nội dung bà Bùi Thị Minh Nga trả lời câu hỏi của bạn đọc Trần Thanh Sơn hoàn toàn mâu thuẫn với những gì bà Nga giải thích về chương trình song bằng.

Chương trình "song bằng" mà Hà Nội đang "thí điểm" không phải "chương trình tích hợp" như quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018, mà là 2 chương trình độc lập, vì thế mới có "song bằng".

Bạn đọc Nguyễn Thị Trâm Anh từ Hoàn Kiếm, Hà Nội đặt câu hỏi:

Chương trình dạy thí điểm tại các trường trung học cơ sở công lập có gì khác so với chương trình Cambridge của các trường dân lập và quốc tế ở Việt Nam?

Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bà Bùi Thị Minh Nga trả lời:

"Chương trình Cambridge là chương trình quốc tế và Sở chỉ đạo lựa chọn các bộ môn tham gia trong chương trình đào tạo song bằng bảo đảm đúng chuẩn của CIE (Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge), không cắt xén, thêm bớt.

Tuy nhiên, sẽ có những ưu việt trong chương trình đào tạo song bằng. Dựa trên chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chúng tôi căn cứ vào các bộ môn và các kiến thức trùng của hai chương trình, dựa trên căn cứ của chương trình Cambridge để giảm tải cho các cháu học sinh. 

Tôi xin khẳng định chương trình song bằng không cắt xén chương trình của Cambridge. Hiện nay, một số trường đang thực hiện, lựa chọn Toán, Tiếng Anh, Khoa học và ICT – Tin học, hướng tới tin học được công nhận chứng chỉ suốt đời.

Một số vị hiệu trưởng các trường trung học cơ sở công lập "thí điểm" tuyển sinh song bằng tại Hà Nội năm nay, ảnh: Báo Nhân Dân.
Một số vị hiệu trưởng các trường trung học cơ sở công lập "thí điểm" tuyển sinh song bằng tại Hà Nội năm nay, ảnh: Báo Nhân Dân.

...Tuy nhiên, chúng ta không bỏ chương trình Việt Nam mà chạy cho đủ bảo đảm mục tiêu đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam."

Bạn đọc Phan Dương đặt câu hỏi: Các môn bị trùng như môn khoa học sẽ được giảm tải ra sao?

Có thể bỏ môn tiếng Anh theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo không? Vì chương trình tiếng Anh của Bộ có nội dung khá đơn giản so với trình độ A2 đầu B1 của các bạn đỗ song bằng?

Bà Bùi Thị Minh Nga trả lời:

"Một số các bộ môn trong chương trình Việt Nam thì chúng tôi lấy chương trình Cambridge để chúng tôi giảm tải chương trình Việt Nam hỗ trợ các con bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên như tôi đã nói là chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT Việt Nam so với chương trình của các con vào thì nó hơi nhẹ. 

Nói nhẹ không có nghĩa là mình bỏ đi không học, mình vẫn học nhưng mà giảm số tiết của tiếng Anh Việt Nam và tăng số tiết của chương trình Cambridge. 

Số tiết của Việt Nam vẫn bảo đảm cho các con học theo đúng chủ đề, đáp ứng đúng mục tiêu đào tạo." 

Đọc câu hỏi và câu trả lời của vị đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chắc các bậc cha mẹ học sinh muốn tìm hiểu hoặc có ý định cho con học "song bằng" đã thấy rõ sự mâu thuẫn trong đó.

Tuy nhiên, câu trả lời mâu thuẫn và vòng vo ấy cũng đưa đến được kết luận: 

Thứ nhất, không có sự giảm tải nào trong chương trình song bằng, vì học đầy đủ 2 chương trình còn chưa chắc có được bằng thứ 2 (chứng chỉ IGCSE hay A Level) nữa là cắt xén (giảm tải).

Thứ hai, đây là 2 chương trình độc lập, hoàn toàn không phải "chương trình tích hợp" như định nghĩa trong Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018.

Nhưng vấn đề đáng nói hơn nữa là, ngay từ đầu Sở Giáo dục và Đào tạo đã "vượt" Nghị định 86/2018/NĐ-CP bằng 2 chữ "thí điểm" rồi, vì Chính phủ đâu có cho phép trường phổ thông công lập liên kết, hợp tác với nước ngoài?

Cho nên khi xảy ra rủi ro, mọi hậu quả pháp lý sẽ do học sinh và cha mẹ học sinh gánh chịu. Thí điểm mà, tự nguyện rồi. 

Bà Bùi Thị Minh Nga cũng nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Hà Nội thí điểm, bằng công văn hẳn hoi, thì chẳng còn cơ quan nào có thể ngăn được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội "thí điểm" một chương trình đầy rủi ro như thế, ngoài sự tỉnh táo của các bậc cha mẹ học sinh.

Nguồn:

[1]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/khoahoc-giaoduc/item/21018502-thuc-nghiem-la-%E2%80%9Cloi-thua%E2%80%9D-cua-toi-voi-con-tre.html

Vũ Thái