Tài chính mập mờ thì đừng mơ dân chủ trường học

06/04/2017 07:27
Nguyễn Cao
(GDVN) - Qui chế dân chủ trong trường học vẫn là một vấn đề đang để ngỏ và những quyền lợi của giáo viên vẫn phải trông chờ vào “lương tâm” của Hiệu trưởng và kế toán.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Cao, một tác giả quen thuộc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao chỉ ra một khía cạnh quan trọng khiến tiếng nói dân chủ trong trường học chưa được phát huy. Đó chính là vấn đề công khai minh bạch tài chính.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Mặc dù ngành giáo dục luôn nói đề cao qui chế dân chủ, bắt buộc công khai các khoản thu - chi trong các đơn vị sự nghiệp nhưng trong thời gian qua đã có nhiều trường học bị phanh phui về sự không minh bạch, chi tiêu sai qui định cho ta thấy được những mảng tối đang tồn tại trong một số đơn vị trường học công lập hiện nay.
   
Như chúng ta đã biết, các đơn vị sự nghiệp giáo dục ngoài kinh phí của ngân sách nhà nước thì còn có rất nhiều những khoản thu khác như: Tiền cho thuê căn tin; tiền giữ xe; tiền dạy thêm;

Tiền hoa hồng từ các loại bảo hiểm bán cho giáo viên, học sinh, rồi đồng phục, văn phòng phẩm; tiền các loại quĩ mà phụ huynh học sinh phải đóng; tiền vận động từ chính sách xã hội hóa giáo dục… 

Công khai minh bạch tài chính sẽ giúp phát huy dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: phapluatplus.vn)
Công khai minh bạch tài chính sẽ giúp phát huy dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: phapluatplus.vn)

Khi đề cập đến chuyện tiền bạc bao giờ cũng là chuyện tế nhị, khó nói. Dù trong các nhà trường đều có Ban thanh tra nhân dân, nhưng hình như ban này không thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, không phát huy được vai trò của mình. 

Vẫn chủ yếu là Ban giám hiệu và kế toán nói gì thì biết nấy, bởi họ một phần không am hiểu chuyên môn về tài chính, phần vì họ là người kiêm nhiệm, là cấp dưới nên chỉ biết mỗi khi quyết toán một khoản tiền nào, hay kết thúc một năm lên kí vào biên bản khi mà kế toán đơn vị đã soạn sẵn. 

Còn đối với giáo viên thường muốn an phận, dù có biết cũng không nói để yên thân, còn đấu tranh được vài đồng bạc lại trở thành thành phần chống đối, nghi kị của cấp trên.

Cho nên, quan điểm của phần lớn giáo viên hiện nay là “ai sao, tôi vậy”.
   
Nhìn chung, ở các trường học hiện nay có rất nhiều khoản thu nhưng khó lý giải bởi nhiều Hiệu trưởng đã nghĩ ra để bắt buộc phụ huynh học sinh trong trường phải đóng. 

Ví dụ như thu tiền ghế chào cờ của học sinh, tiền bảo trì máy vi tính, tiền vận động khi tổ chức văn nghệ, tiền thư ngỏ kêu gọi phụ huynh đóng để phát thưởng cho học sinh cuối kì, cuối năm. 

Tài chính mập mờ thì đừng mơ dân chủ trường học ảnh 2

"Vua" ở trường tiểu học, chuyện chưa kể bao giờ!

Nhiều Hiệu trưởng nhà trường khi muốn kêu gọi và hợp thức hóa các khoản thu họ đều làm thư ngỏ và họp các ban ngành trong trường lại. 

Điều này sẽ hướng tới giải pháp an toàn sau này cho Hiệu trưởng.

Một là phụ huynh đóng trên tinh thần tự nguyện. Hai là, đã được tất cả các đoàn thể trong trường đồng ý để chia sẻ trách nhiệm. 

Sau khi làm xong các thủ tục “rào đón” thì giáo viên chủ nhiệm là người đứng ra kêu gọi, thu tiền nhưng chi như thế nào lại là chuyện của Ban giám hiệu. 

Và, đó vẫn là chuyện thâm cung bí hiểm của một số người. Nhiều Ban giám hiệu cả năm không một lần công khai tài chính, chỉ thông báo các khoản thu của giáo viên và học sinh, nhưng các khoản chi thì không ai biết như thế nào.
   
Hiện nay, phần lớn các trường học phổ thông đều mở các lớp dạy thêm cho học sinh, nhất là những lớp học cuối cấp khi phải đối mặt với các kỳ thi tuyển gắt gao thì việc mở lớp dạy thêm, học thêm lại càng được các Ban giám hiệu nhà trường “chú trọng”. 

Bởi, đối với một đơn vị giáo dục, thì thương hiệu của một ngôi trường để thu hút học sinh phải bắt nguồn từ kết quả giáo dục, mà kết quả giáo dục được thể hiện ở các kỳ thi. 

Đối với các trường Trung học cơ sở thì được đánh giá bằng kết quả tuyển sinh lớp 10, đối với các trường Trung học phổ thông thì được đánh giá bằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. 

Đồng thời, sự đánh giá của cấp trên qua thống kê các kỳ thi khi năm học kết thúc, là sự khen chê khi các Phòng – Sở tổng kết năm học của ngành…

Tài chính mập mờ thì đừng mơ dân chủ trường học ảnh 3

Lãnh đạo luôn áp đặt, cái gì cũng đòi 100% thì trường học lấy đâu dân chủ

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và cũng từ hiệu quả của đầu ra nên ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đều đưa ra kế hoạch để tổ chức học thêm đối với tất cả các học sinh cuối cấp. 

Khi năm học bắt đầu ổn định, hoặc bước sang học kỳ 2, nhà trường cho mời phụ huynh vào họp, công bố lịch dạy và cả giá tiền học thêm đối với học sinh. 

Với tâm lí là không học thì khó đỗ, cùng với hiệu ứng đám đông nên đa số các phụ huynh đều đồng ý cho em mình học thêm. 

Vì thế, chuyện hợp thức hóa thủ tục giấy tờ để dạy thêm vô cùng đơn giản. 

Đồng thời, nó không chỉ mang lại thương hiệu cho nhà trường khi các em thi tuyển mà điều quan trọng là đem lại thu nhập thêm cho Ban giám hiệu và giáo viên đứng lớp.

Bởi đây là một nguồn thu rất lớn cho nhà trường, có những trường quyết toán dạy thêm cả năm lên đến nhiều tỉ đồng.
    
Tuy nhiên, có một nghịch lý là giáo viên là người trực tiếp đứng ra dạy nhưng nguồn thu lại không bằng Ban giám hiệu nhà trường. 

Và, đây cũng là khoản tiền được xem là có dấu hiệu chi sai nhiều nhất, dẫn đến nhiều thắc mắc và kiện cáo nhất. 

Người nào thân thiết, biết điều với Hiệu trưởng thì được phân công dạy nhiều lớp. Người nào mà thắc mắc, khác chính kiến thì bị cho là chuyên môn kém, học sinh phản đối để loại bỏ. 

Chuyện “tẩy chay” giáo viên xảy ra nhiều nơi bởi khi họ đã không ưa thì làm cái thư nặc danh vứt vào hộp thư góp ý của nhà trường là các vấn đề họ “cần” sẽ xảy ra một cách nhanh chóng. 

Tài chính mập mờ thì đừng mơ dân chủ trường học ảnh 4

Hãy vùng lên, chiến thắng luôn thuộc về những người dũng cảm

(GDVN) - Giáo viên chấp nhận nhẫn nhịn, cam chịu và hy vọng trông chờ một sự đổi mới nhưng chỉ ngồi chờ như thế liệu dân chủ có đến không?

Nơi tôi công tác, trong một cuộc họp, có giáo viên đứng lên thắc mắc về chế độ thanh toán một vài khoản tiền của nhà trường dành cho giáo viên thì Hiệu trưởng nói trước hội đồng sư phạm:

Các thầy cô đừng có thắc mắc về cái này cái kia, nhà trường cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, còn thắc mắc nữa là chúng tôi cắt hết”. 

Khi Hiệu trưởng nói như vậy thì có nhiều ý kiến ở dưới xì xào rằng quyền lợi của giáo viên chứ có xin của Hiệu trưởng đâu mà “cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu” nhưng không ai có ý kiến nữa.

Bởi ý kiến của giáo viên có bao giờ Hiệu trưởng nghe đâu mà còn tự rước họa vào thân!
   
Lâu nay, Hiệu trưởng, Kế toán nhà trường cho mình cái quyền là cấp trên, là người giữ tiền và chi các chế độ cho giáo viên nên có quyền ban phát, cho gì biết nấy. 

Nhiều tổ chức đoàn thể trong trường đã bị “tê liệt” bởi sự chi phối của Hiệu trưởng…! 

Qui chế dân chủ trong trường học vẫn là một vấn đề đang để ngỏ và những quyền lợi của giáo viên vẫn phải trông chờ vào “lương tâm” của Hiệu trưởng và kế toán nhà trường. Một sự thật đáng buồn ở các đơn vị trường học hiên nay!

Nguyễn Cao