Trong 638 nhà giáo được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận phó giáo sư năm 2016, Trần Xuân Bách (32 tuổi), giảng viên Đại học Y Hà Nội là người trẻ nhất.
Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016 chia sẻ: "Đây là cột mốc quan trọng, niềm vinh dự to lớn với bản thân và gia đình. Thành quả này có công ơn dạy dỗ của thầy cô, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, đặc biệt là môi trường khoa học tích cực mà tôi nhận được ở Đại học Y Hà Nội".
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vốn là học sinh chuyên Toán - Tin Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (khóa 1999-2002), Trần Xuân Bách đã quyết tâm lựa chọn và say mê với lĩnh vực Y tế công cộng.
Tốt nghiệp Thủ khoa Trường Đại học Y tế công cộng năm 2006, anh trở thành giảng viên của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội (từ 2006 đến nay).
Trần Xuân Bách (sinh năm 1984, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội) là người trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2016 (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Năm 2009, Trần Xuân Bách học tiến sĩ tại Đại học Alberta (Canada), chuyên ngành Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế.
Với số điểm trung bình 4.0/4.0, nghiên cứu sinh người Việt Nam mang về tấm bằng loại ưu, giành giải thưởng cho báo cáo nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng INSIGHT, Đại học Alberta (Canada).
Sau đó, anh tiếp tục học sau tiến sĩ tại đại học hàng đầu thế giới về Y tế công cộng - Johns Hopkins (Mỹ).
Theo đuổi nghiên cứu Y học trong nước và quốc tế, anh Trần Xuân Bách đã xuất bản hơn 60 bài báo trên các Tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong hệ thống phân loại ISI; xuất bản 3 cuốn sách (trong đó 2 cuốn xuất bản bằng tiếng Anh).
Từ đó đến nay, các nghiên cứu của anh tập trung vào vấn đề kinh tế y tế và chính sách y tế.
Ông Phùng Xuân Nhạ được phong Giáo sư(GDVN) - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vừa ký Quyết định số 55/QĐ-HĐCDGSNN về việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2016. |
Trọng tâm nghiên cứu là phát triển mô hình phân tích dự báo, kết hợp các phương pháp kinh tế lượng với đo lường dịch tễ học, nhằm xác định chương trình can thiệp và liệu pháp điều trị có tính chi phí - hiệu quả cao và các chiến lược nâng cao hiệu suất của hệ thống y tế.
Ngoài ra, anh cũng nghiên cứu, phân tích tác động của các chính sách y tế đối với sức khỏe quần thể, nguy cơ nghèo đói của hộ gia đình, xác định cơ chế, ngưỡng chi trả với một số dịch vụ y tế chuyên biệt, và các biện pháp thúc đẩy mở rộng bảo hiểm y tế trong nhóm dễ bị tổn thương.
Một trong những nghiên cứu tiêu biểu nhất của anh là các phân tích chi phí – hiệu quả của các chiến lược can thiệp phòng - chống HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2005 - 2015.
Lý giải cho sự lựa chọn hướng nghiên cứu của mình, anh Bách cho biết dù việc mở rộng các chương trình phòng - chống HIV/AIDS đã góp phần khống chế sự lây lan của dịch HIV, giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe quần thể và gánh nặng với hệ thống y tế cũng như các tác động kinh tế xã hội khác.
Tuy nhiên, hơn 80% nguồn lực tài chính cho phòng - chống HIV/AIDS trong giai đoạn trước lại đến từ các nguồn viện trợ quốc tế.
Đồng thời, thông qua các dự án của mình, vị Phó giáo sư này mong muốn đào tạo các nghiên cứu viên trẻ, chuẩn bị cho họ kỹ năng học thuật cần thiết từ sớm, giúp làm quen với phương thức tư duy đa chiều trong nghiên cứu, cách cộng tác, phối hợp trong các nhóm làm việc liên ngành.
PGS.Trần Xuân Bách cũng kỳ vọng lan tỏa niềm đam mê để nhiều thanh niên trẻ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, hoặc vận dụng sáng tạo trong việc trau dồi chuyên môn để vững vàng khởi nghiệp.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Bách cho biết sẽ tiếp tục mở rộng những định hướng nghiên cứu và đào tạo, tập trung vào các mô hình đào tạo chuyên sâu, kết hợp nghiên cứu và xuất bản quốc tế với quá trình xây dựng chính sách tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Qua đó, hy vọng tham gia góp phần xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội thành một mô hình đại học nghiên cứu mẫu mực tại Việt Nam và trên thế giới.
Bảng thành tích của phó giáo sư Trần Xuân Bách: Giải thưởng Nghiên cứu Quốc tế về Lâm sàng và Dự Phòng của Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, năm 2015. Giải thưởng dành INSIGHT cho Nghiên cứu Tiến sỹ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng, ĐH Alberta, Canada năm 2010. Giải thưởng của Alberta Innovates - Health Solutions (Training and Early Career Development Program), Canada, 2012. Được Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao “Huy chương Tuổi trẻ Sáng tạo” năm 2004. 3 Bằng khen của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho Giải thưởng tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học Y – Dược Việt Nam: Giải Xuất sắc (2004), Giải Ba (2012), Giải Nhì (2016). Được Quỹ Sáng tạo Kỹ thuật VIFOTEC trao “Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC”, Giải Nhì, năm 2004. Được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen Thủ khoa Xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học năm 2006. Năm 2014, được chọn là lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực Châu Á của Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế (IAP). Năm 2016, anh đại diện các Lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới của IAP tham dự Đại Hội đồng Y tế thế giới của Liên Hợp Quốc tại Geneva. |