Thanh tra như "ngáo ộp", nhưng thiếu có được không?

26/12/2015 08:23
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Nhiều thầy cô giáo giỏi kêu ca, nói phóng đại quá mức về tính chất, vai trò, nhiệm vụ của đoàn thanh tra.

LTS: Hôm qua, Tòa soạn đã đăng tải bài viết "Ngáo ộp" thanh tra ở trường học.

Hôm nay, với tư cách là một nhà giáo, một thanh tra viên nhiều năm, chúng tôi nhận được bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc. Thầy Ngọc cho rằng dù không thực hiện thanh tra dự giờ nhưng Sở, Phòng GD&ĐT các tỉnh cần có "chiến lược" thực hiện để không gây ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 

Có lo lắng, áp lực

Trước đây, mỗi khi các cơ sở giáo dục có thanh tra đột xuất hay thanh tra định kỳ của cấp trên thì từ ban giám hiệu đến tất cả giáo viên đều thấy lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng. 

Vì ai cũng muốn được đánh giá tốt, vì sợ bị thanh tra phát hiện, “phê bình” những sai sót của mình. 

Có thể nói, những ngày trước và trong quá trình thanh tra là những ngày vô cùng tất bật, vất vả và đầy áp lực. 

Trước hết, tất cả thầy, cô giáo dồn sức hoàn thiện các bộ giáo án (dạy nhiều khối lớp càng mệt), các loại sổ sách như sổ dự giờ, sổ kế hoạch, sổ biên bản, sổ đồ dùng dạy học, lịch báo giảng, sổ chủ nhiệm...

Tất cả đều hì hụi ghi ghi, chép chép ngày này qua ngày khác sao cho thật tinh tươm, thật hoàn chỉnh nhất. 

Mỗi đợt thanh tra đi qua, cả trường “hao mòn” không ít sức lực, tinh thần và kể cả kinh phí, tiền bạc. (Ảnh minh họa của Giáo dục và thời đại)
Mỗi đợt thanh tra đi qua, cả trường “hao mòn” không ít sức lực, tinh thần và kể cả kinh phí, tiền bạc. (Ảnh minh họa của Giáo dục và thời đại)

Chuẩn bị hồ sơ, giáo án xong, lại loay hoay, đánh vật với khoảng mấy chục tiết học sẽ dạy trong thời gian thanh tra về. 

Do chưa biết họ yêu cầu dự giờ tiết nào nên ai nấy đều ra sức chuẩn bị từ thiết kế giáo án, câu hỏi thảo luận đến đồ dùng dạy học. 

Mệt và khổ nhất đối với những thầy cô giáo được họ “chấm” sẽ thanh tra toàn diện. Họ thích dự tiết nào chỉ việc xướng tên hoặc báo cho tổ trưởng (để nói lại) lập tức giáo viên phải đáp ứng đầy đủ.  

Thanh tra như "ngáo ộp", nhưng thiếu có được không? ảnh 2

Tiến sĩ giáo dục góp ý cho Bộ chuyện thi cử: Một kỳ thi, một bài thi

(GDVN) - Đổi mới kiểm tra, đánh giá và lựa chọn hình thức thi phù hợp sẽ là điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được hiệu quả.

Có giáo viên tâm sự rằng: “Nếu dạy trên lớp chỉ cần học sinh hiểu và làm được bài coi như đã đạt mục tiêu. Nhưng dạy cho người khác dự giờ phải đúng thời gian từng phút. 

Làm được điều này, ngoài việc giáo viên phải có sự chuẩn bị thật chu đáo cho mình còn phải cho học sinh bằng cách dạy thử, dạy mẫu vài lần cho các em hiểu để đến khi dạy thật cứ tiến hành ro ro như cái máy
.”

Gặp thanh tra viên nhẹ nhàng, thoải mái thì mọi việc diễn ra thuận lợi, giáo viên được kiểm tra thấy nhẹ cả người. Tuy nhiên, cũng có không ít vị thanh tra đến các cơ sở giáo dục “thanh” thì ít, “tra” thì nhiều.
 
Sau mỗi tiết dự giờ, khi góp ý, trao đổi toàn chỉ ra thiếu sót, sơ hở, toàn bắt bẻ đủ điều, sao không cái này, sao không cái khác về hồ sơ sổ sách, về nội dung, phương pháp dạy học…giáo viên có muốn phản biện, phân minh lại cũng không dám, vì sợ làm phật ý thanh tra. 

Mỗi đợt thanh tra đi qua, cả trường “hao mòn” không ít sức lực, tinh thần và kể cả kinh phí, tiền bạc.

Giáo viên  “nước đến chân mới nhảy”


Tác giả bài viết, từng là thanh tra viên đi thanh tra chuyên môn nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nên có thêm góc nhìn khác về công tác thanh tra của ngành giáo dục. 

Nói cho công bằng và chính xác, công tác thanh tra toàn diện trong các năm qua đã gặt hái được nhiều thành quả, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức và chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục được thanh tra, kiểm tra. 

Thanh tra như "ngáo ộp", nhưng thiếu có được không? ảnh 3

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đổi mới công tác thanh tra

(GDVN) - Sáng 17/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo trực tuyến Đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Có thanh tra của cấp trên thì các đơn vị, thầy cô giáo mới có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, khi mà ý thức, tính tự giác, tự chủ trong công việc, trách nhiệm của không ít nhà trường, giáo viên chưa cao, có tư tưởng “nước đến chân mới nhảy”. 

Nhiều thầy cô giáo giỏi kêu ca, nói phóng đại quá mức về tính chất, vai trò, nhiệm vụ của đoàn thanh tra.

Thời gian cận kề và trong lúc thanh tra về thì các cơ sở giáo dục, giáo viên mới cuống cuồng lên, lo làm đủ thứ để mọi việc đối với mình đều tốt đẹp.

Điều đó chứng tỏ nghề nghiệp, công việc chính, thường xuyên của thầy cô giáo là thiết kế giáo án, hồ sơ, tổ chức dạy học…không được thực hiện thường xuyên, căn cơ, bài bản, chủ động, cứ đợi đến thanh tra về mới làm. 

Đây cũng là nguyên nhân trả lời cho câu hỏi: Vì sao chất lượng giáo dục của chúng ta luôn tụt hậu nhiều so với thế giới?

Gần đây, qua kênh báo chí, rộ lên thông tin, giáo viên không phải lo thanh tra nữa.  

Thực ra, thông tin này không có gì mới. Đổi mới, cải tiến hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục được cụ thể và triển khai thực hiện từ tháng 12 năm 2013 (theo Thông tư số: 39/2013/TT-BGDĐT). 

Theo đó, không còn hoạt động thanh tra toàn diện nữa, thay vào đó là thanh tra bộ phận, từng mặt ở các cơ sở giáo dục; không thanh tra, dự giờ trên lớp đối với hoạt động sư phạm của nhà giáo nhưng vẫn thanh, kiểm tra về  mặt quản lý hồ sơ sổ sách, giáo án của từng giáo viên, tổ, nhóm chuyên môn. 

Đầu năm 2014, tôi là thành viên của Đoàn thanh tra thuộc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi từng đến thanh tra chuyên ngành tại trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ) theo tinh thần mới của Thông tư 39. 

Tuy không còn thanh tra dự giờ nữa nhưng một số Sở, Phòng GD&ĐT vẫn duy trì hoạt động dự giờ đột xuất hay tổ chức thao giảng theo cụm để trao đổi, nắm bắt, đánh động việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của thầy cô giáo. 

Theo tôi, nó rất cần thiết trong việc nâng cao chất lượng dạy-học, trong bối cảnh ý thức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một bộ phận giáo viên, cách quản lý của nhà trường còn hời hợt, hình thức, hạn chế nhiều.

Đỗ Tấn Ngọc