Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục vào chiều 11/6, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đã đề cập tới nhiều vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục hiện nay, trong đó có vấn đề hết sức quan trọng là "đạo đức - giá trị cốt lõi trong giáo dục".
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kỷ lục hơn 80 đại biểu đăng ký và hôm nay hơn 50 đại biểu, đã cho thấy sức nóng của giáo dục chưa bao giờ hạ nhiệt, "tiên học lễ, hậu học văn" hay trong Ngũ thường "nhân - nghĩa - lễ - trí - tín" thì đạo đức luôn được các bậc tiền nhân trân trọng đặt lên vị trí hàng đầu. Hegel từng nói "giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức".
Theo ông Nhân, điều 2 của luật giáo dục hiện hành và dự luật này vẫn xem đạo đức là giá trị cốt lõi đầu tiên của giáo dục. Tuy nhiên, thực tế những điều ấy đã thực sự len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn để kiến tạo nên nhân cách cho một đứa trẻ hay không vẫn còn chờ câu trả lời. Bởi tri thức có thể đi vào đầu nhưng đạo đức của người dạy và cả người học lại xuất phát từ con tim.
Ông Nhân nêu dẫn chứng: "Chúng ta không lạ gì cách ra đề tập làm văn yêu cầu tả cảnh biển, cho dù đứa trẻ đó chưa một lần đến biển, nếu bé chỉ viết câu "con chưa từng đi biển nên không biết tả biển ra sao" thì ai cũng đoán được điểm chấm sẽ như thế nào.
Nhưng bé đó nếu biết lấy ý tưởng từ sách tham khảo mà đạt được điểm tốt thì đau lòng thay, một khi những bài học đầu đời đã hướng cho trẻ cách làm như thế mà không cảm thấy hổ thẹn thì liệu mầm mống các vấn nạn xã hội có phải từ đây. Tôi tin rằng không một nền giáo dục nào lại có ý định cho ra đời một sản phẩm như thế".
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Vị đại biểu đoàn Bình Dương nói thẳng ra rằng, điều kỳ lạ là nền giáo dục Việt Nam bao nhiêu năm qua dường như vẫn được vận hành như vậy. Cử tri băn khoăn rằng nền giáo dục bao năm qua đã đủ bao dung và dang rộng vòng tay với con trẻ trong cách thức đánh giá hạnh kiểm học sinh hay chưa?
Chúng ta đồng thuận cho những phiên tòa xử kín nhằm bảo vệ trẻ em thì sao có thể làm ngơ trước hình thức kỷ luật phê bình trước lớp, trước trường được quy định tại Thông tư số 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì sao có quy định cho phép nhà trường làm tổn thương tinh thần trẻ con như thế? Những vết khắc đạo đức, hạnh kiểm khá, trung bình, yếu theo quy định tại Thông tư 58 về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông không đơn giản sẽ xếp lại sau khi các em rời ghế nhà trường mà sẽ còn mãi trong ký ức.
Mức hạnh kiểm đó không phải lỗi của các em mà trước tiên theo tôi là sự thất bại không chỉ riêng của giáo dục mà của cả gia đình và xã hội.
Bác Hồ đã từng nói "Thiện, dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên" hay sao. Cách đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tảng đạo đức, những kỹ năng cơ bản về phương pháp tư duy, nhận thức, sáng tạo có điều gì đó chưa thật sự ổn.
Nền giáo dục tốt phải bắt đầu từ tâm thức, sự trăn trở của cả dân tộc
Theo Đại biểu Phạm Trọng Nhân, một trong những điểm được cho là cách mạng của dự luật lần này là quy định về tính mở và liên thông của hệ thống giáo dục quốc dân tại Điều 3, Điều 4. Quan điểm này thể hiện sự bình đẳng, công bằng trong hệ thống giáo dục là một định hướng đúng.
Tuy nhiên, toàn bộ dự luật vẫn chưa có một điều khoản cụ thể và rõ ràng quy định về tính mở và liên thông như thế nào. Sau khi luật ra đời liệu một học sinh ở trung tâm giáo dục thường xuyên có thể chuyển sang hệ đào tạo chính quy. Hay một học sinh ở trường dân lập có thể chuyển sang học ở một trường công lập chất lượng cao hay một trường quốc tế hay không.
Chủ tịch Quốc hội chỉ ra những vấn đề “nóng” Bộ Giáo dục cần giải quyết |
Ở góc nhìn khác, tâm lý xã hội có thể là một rào cản làm cho quy định liên thông không mang tính khả thi. Tư tưởng chính quy phải hơn thường xuyên và dân lập không bằng công lập vốn đã thâm căn cố đế ăn sâu trong tâm trí của bao người.
Một khi tư tưởng chưa liên thông thì dù có hàng chục luật ràng buộc thì sự liên thông cũng khó trở thành hiện thực.
Chưa hết, với quy định mỗi năm mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa, cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và học tập tại Điều 29 của dự thảo là khó khả thi như phân tích của đại biểu Tuấn.
Bên cạnh đó, ông Nhân cũng đặt vấn đề: Việc các trường không sử dụng một bộ sách giáo khoa chung thì liệu mặt bằng kiến thức của học sinh có đảm bảo để sử dụng chuẩn liên thông cho các cấp trường?
Ngoài ra, các trường có thể dựa vào đó mà cho rằng trường kia sử dụng sách không theo chuẩn và tiêu chí của trường mình thì mục tiêu liên thông vốn tốt đẹp như ý định của nhà làm luật bị phá sản là điều dễ hiểu.
Một điều cần phải ghi nhận khi quy định hệ thống giáo dục linh hoạt mở rộng, cơ hội tiếp cận giáo dục, tạo điều kiện cho mỗi người học tập thường xuyên, suốt đời tiến tới xây dựng xã hội học tập. Nội hàm và câu từ rõ là hay nhưng cách thức, phương pháp giáo dục như thế nào để mọi người học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Ông Nhân nhấn mạnh: "Có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là nền giáo dục chưa thực sự khơi nguồn cảm hứng, tạo điều kiện tối đa cho mọi người say mê học tập, tự nghiên cứu. Suốt những năm tháng đầu đời chập chững đến trường, đến hết những ngày tươi đẹp của tuổi học trò.
Áp lực thành tích và sự nhồi nhét từ nhà trường và phụ huynh đã triệt tiêu những cảm hứng trong học tập của các cháu thì chúng ta sẽ xây dựng một xã hội học tập, một con người học tập suốt đời thế nào?
Một nền giáo dục tốt phải bắt đầu từ tâm thức, sự trăn trở của cả dân tộc, quyết từ bỏ sự thấp bé nhẹ cân của nguồn lực so với những người khổng lồ khác. Thay vì chỉ truyền thụ kiến thức, giáo dục phải dạy cho con người nền tảng, các kỹ năng và phương pháp sống đúng đắn để từ cách sống đó con người khắc biết phải làm gì để tu thân tại gia trước khi cống hiến cho xã hội và đất nước.
Đã đến lúc phải từ bỏ sự cũ kỹ của các phương thức giáo dục và xem xét lại cách thức đánh giá, nhận xét đạo đức hạnh kiểm hiện nay.
Chúng ta hãy trả lại cho giáo dục một môi trường vẹn tròn tình yêu thương và luôn được trân quý mà đương nhiên ở đó phải có, làm sao để có được một đội ngũ nhà giáo đủ đầy tâm đức, một thế hệ học sinh tự tin, có phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo với khả năng tự nghiên cứu, học tập suốt đời để kết nối với thế giới tri thức bên ngoài vẫn còn là câu hỏi rất lớn cho dự luật lần này".