Thầy Đỗ Tấn Ngọc dự báo các loại lỗi của học sinh trong mùa thi sắp tới

25/05/2017 03:23
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Đây là một loạt sự cố, sơ suất, nhầm lẫn mà nhiều thí sinh thường mắc phải trong các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi quốc gia...

LTS: Chuẩn bị bước vào mùa thi sắp tới, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ đôi điều cảnh báo về những sự cố thường gặp mà các thí sinh thường gặp phải có thể ảnh hưởng đến kết quả kì thi cũng như tương lai của các em.

Theo đó, thầy cũng đưa ra một số đề xuất với Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm bố trí thời gian tổ chức thi phù hợp hơn với các thí sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm nào cũng vậy, trong và sau thời gian tổ chức các kỳ thi lớn, ở một số địa phương thường để xảy ra những vụ tai nạn giao thông liên quan đến giám thị, thí sinh đi thi, gây ra những thương vong…

Nguyên nhân chính là: do sợ trễ giờ nên thí sinh, người chở đi vội vàng; vào đầu tuần, giữa tuần ở các thành phố lớn, lúc giờ cao điểm, các phương tiện xe cộ tấp nập, đông đúc cộng với ý thức tham gia giao thông của một số người còn hạn chế. 

Ngoài việc nhắc nhở, khuyến cáo liên tục, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia vào thời gian cuối tuần (thứ 7, chủ nhật).

Bởi như vậy sẽ bớt phương tiện xe cộ, người đi lại, nhờ thế những rủi ro, tai nạn giao thông ảnh hưởng đến thí sinh, giám thị sẽ giảm bớt đi phần nào.

Việc ngủ quên, kẹt xe… dẫn đến trễ giờ thi dường như ở hội đồng coi thi nào cũng từng xảy ra. 

Các sĩ tử đến ngày thi thường hay căng thẳng nên dễ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn. (Ảnh minh họa: laodongthudo.vn)
Các sĩ tử đến ngày thi thường hay căng thẳng nên dễ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn. (Ảnh minh họa: laodongthudo.vn)

Theo quy chế thi, có trường hợp quá trễ giờ thi, đề thi đã phát cho thí sinh thì buộc giám thị, hội đồng coi thi không cho thí sinh đó vào phòng thi, cơ hội trúng tuyển, đỗ tốt nghiệp, xét tuyển sinh sẽ chẳng còn.

Mặc dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng một số thí sinh vẫn quên đem thẻ dự thi, chứng minh thư nhân dân, nhất là ở các buổi thi thứ hai trở đi. 

Sắp tới giờ vào phòng thi, các em vẫn còn nháo nhác đi tìm, đi nhờ bạn thí sinh cùng trường để ký xác nhận làm chứng và các hội đồng coi thi tuyển sinh vào lớp 10 thường chịu vất vả với tình trạng này.

Vì áp lực thi cử lớn nên nhiều em rất lo âu, hồi hộp, dẫn tới chuyện quên đem những vật dụng cần thiết, được phép vào phòng thi như bút chì, compa, thước kẻ…

Khi vào phòng thi thì các em lại gặp lúng túng, bối rối, không biết mượn của ai, vì thí sinh khác đều xa lạ và đang làm bài. 

Đáng lo hơn, có em quên, sơ suất, nhầm lẫn với các thao tác, thủ tục trong bài thi, tờ ghi tên, ghi điểm, phiếu nộp bài; chẳng hạn, quên ghi và tô số báo danh, ký nhầm vào ô điểm, ô giám thị và giám khảo. 

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, tại hội đồng thi do Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tại Bình Thuận, trong giờ thi môn Toán có 10 thí sinh ghi nhầm số báo danh vào ô chấm điểm. 

Thầy Đỗ Tấn Ngọc dự báo các loại lỗi của học sinh trong mùa thi sắp tới ảnh 2

Tuyển sinh vào lớp 10 và những cảnh báo

(GDVN) - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở nhiều hội đồng coi thi từng để nảy sinh những tiêu cực và phức tạp, như cán bộ lãnh đạo, giám thị của hội đồng coi thi “gửi gắm”...

Lỗi này, giám thị được phát hiện vào lúc thí sinh đã hoàn tất bài thi để nộp bài. 

Vì vậy, lãnh đạo điểm thi đã tiến hành lập biên bản, niêm phong các bài thi này để tổ chức chấm riêng. 

Tôi từng chứng kiến, mấy trường hợp nữ học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 xong, về nhà khóc lóc om sòm với cha, mẹ vì nhớ nhớ, quên quên mình có viết mực đỏ trong bài thi môn Toán, môn Văn hay không (sợ bị trừ điểm, sợ bị đánh dấu bài).

Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi 2 bài thi tổ hợp, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khá đông (khoảng 70 ngàn em) để có cơ hội lấy điểm cao hơn và thuận lợi xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học. 

Theo quy chế, các thí sinh nếu thấy làm 1 bài thi tổ hợp thứ nhất tốt rồi mà không dự thi bài thi tổ hợp thứ hai thì coi như bỏ thi, trượt tốt nghiệp và mất luôn cơ hội xét tuyển Đại học. 

Các em thí sinh tự do, rớt tốt nghiệp trung học phổ thông các năm trước và muốn thi lại để xét tuyển vào Cao đẳng, Đại học phù hợp hơn cần lưu ý kỹ về lịch thi và hình thức mới mẻ của năm nay. 

Điểm liệt, “điểm chết” là bài thi từ 1 điểm trở xuống, từng môn thi trong các bài tổ hợp mà thí sinh chỉ có 1 điểm thôi thì coi như “đi đời”. 

Trước khi thi, thí sinh đọc kỹ lại quy chế một đến nhiều lần vẫn không thừa, để tránh những “cái chết tức tưởi” đáng tiếc. 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các đề thi theo hình trắc nghiệm cũng không dàn đều phương án trả lời đúng, đúng nhất trong các đáp án A, B, C, D như các năm trước, sẽ có độ lệch, so le nhất định, thí sinh không nên tô toàn phương án A hoặc B để ăn may, hú họa nữa. 

Các đề thi môn tự nhiên, nhất là môn Toán, số câu hỏi cần dùng đến máy tính cầm tay cũng sẽ rất ít, khoảng 5, 6 câu. 

Yếu tố học máy móc, thuộc lòng, học vẹt không có “đất dụng võ” trong đề thi môn Ngữ văn. 

Qui chế thi và các hội đồng coi thi ngày càng rất nghiêm khắc với những trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi, có hành vi bất hợp tác, thi hộ, vô lễ, xé bài, hăm dọa hoặc hành hung cán bộ coi thi….    

Trên đây là một loạt sự cố, trễ nải, thiếu quên, sơ suất, nhầm lẫn mà nhiều thí sinh thường mắc phải trong các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia. 

Với bài viết này, người viết mong muốn mọi thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất, luôn bình tĩnh, tự tin và không để xảy ra bất kỳ sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc nào trong quá trình thi. 

Mùa thi - mùa bản lĩnh và thành công.

Đỗ Tấn Ngọc