Bí quyết ôn, làm bài thi tốt nghiệp đạt điểm cao của hai thủ khoa khối C

30/04/2024 06:48
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Với mỗi môn học, Lê Minh Hiếu sẽ có những cách thức ôn tập và "chiến lược" làm bài riêng để đạt được kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp.

Lê Minh Hiếu, cựu học sinh lớp 12A7, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Ngạn đạt tổng 3 môn khối C00 là 29 điểm (Ngữ văn 9,5, Lịch sử 10, Địa lý 9,5) và đã trở thành thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 của tỉnh Hưng Yên.

Hiện nay, Minh Hiếu đang là sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp, Lê Minh Hiếu cho biết bản thân phải xây dựng lộ trình học tập từ rất sớm, bên cạnh đó vận dụng rất nhiều phương pháp học tập cho từng môn học.

Thủ khoa khối C lưu ý, trong giai đoạn nước rút là thời gian học sinh đã có kiến thức khá vững chắc nên tập trung vào ôn tập ngắn gọn, luyện đề và tiếp cận những kiến thức vận dụng và vận dụng cao.

minh hiếu (2).jpg
Lê Minh Hiếu - thủ khoa khối C00 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC

Phương pháp cụ thể cho mỗi môn học

Đối với môn Ngữ văn, theo Minh Hiếu, thời gian tiếp thu kiến thức mới và thời gian luyện đề cần cân bằng, học đến đâu luyện đề đến đó.

Minh Hiếu chia quá trình học của mình thành 2 giai đoạn chính là giai đoạn xuất phát và giai đoạn tích luỹ.

Trong giai đoạn xuất phát, ưu tiên học các chủ đề thuộc phạm trù đọc hiểu và nghị luận xã hội. Hiếu sử dụng biện pháp truyền thống như lập bảng biểu để tổng hợp kiến thức, kết hợp luyện đề theo chủ đề nhỏ.

Giai đoạn tích lũy kiến thức, nghe giảng kĩ những gì cô giảng dạy trên lớp. Nên có 1 cuốn vở ghi chép nội dung chính và 1 cuốn vở ghi chép những gì giáo viên chia sẻ để tăng vốn từ cho bài văn của mình.

Trong những tháng cuối cần lưu ý một số điều, thứ nhất nên lặp lại việc lập dàn ý chi tiết cho từng dạng đề, cho từng đề bài của các tác phẩm. Việc này sẽ giúp củng cố lại kiến thức, không bị sót ý, đặc biệt trong phần lập dàn bài cần viết luôn các ý liên hệ mà mình đã học được.

Thứ hai, học thêm những kiến thức vận dụng cao như phân tích và có kỹ năng đưa lí luận văn học, các câu dẫn chứng vào bài làm sao cho phù hợp, tạo cho bài làm của mình trở nên phong phú và có tính nổi bật.

Thứ ba, tăng cường luyện đề, luyện viết các đề bài mới, đề bài khó, đảm bảo không để “lỗ hổng” kiến thức và không bị bất ngờ, lúng túng.

“Lưu ý trong phần nghị luận văn học, yêu cầu phân tích tác phẩm văn học thì thí sinh không được bỏ qua việc phân tích nghệ thuật của tác phẩm. Có phân tích nghệ thuật thì mới tăng khả năng tư duy liên tưởng, hiểu sâu được nội dung cốt lõi của tác phẩm.

Song song với phân tích nghệ thuật và nội dung tác phẩm là liên hệ so sánh với những nội dung khác mang tính tương đồng, hoặc đối lập. Vì có nội dung này trong bài làm, bài văn của các sĩ tử sẽ có tính mở rộng, vận dụng, tạo tính nổi bật, khác biệt với những bài văn khác; tăng khả năng được điểm cao.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều phần liên hệ mở rộng, liên hệ nhiều sẽ làm bài văn mình bị loãng, không nổi bật được giá trị nội dung cốt lõi”, Minh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi.

Có thể chọn lọc kiến thức từ các trang mạng xã hội, web văn học hoặc những thông tin xã hội từ báo chí. Theo Hiếu, những trang văn học trên các nền tảng Facebook, Tiktok, Instagram thường chia sẻ các đoạn phân tích văn, góc nhìn mới mẻ, cung cấp các những ngôn từ khá sâu có thể vận dụng vào bài văn.

Đây cũng là kênh Hiếu dùng để tìm tài liệu ôn tập, các đề luyện thi cho môn Lịch sử và Địa lý. Hiếu cũng chia sẻ: "Có rất nhiều tài liệu được chia sẻ trên mạng xã hội nhưng cũng phải biết chọn lọc tài liệu, lựa chọn những tài liệu hay và chuẩn để sử dụng."

Đối với môn Lịch sử, Minh Hiếu cho rằng, cần hiểu rõ bản chất vấn đề sự kiện, sự việc.

Lịch sử là môn thi mà Hiếu đạt điểm tuyệt đối, tuy nhiên đây cũng là môn học ban đầu Hiếu cảm thấy khó khăn nhất vì có quá nhiều sự kiện.

“Việc mình suy luận, và phân tích được các sự kiện lịch sử từ nguyên nhân, các kết quả là rất quan trọng. Khi phân tích vấn đề mà không hiểu rõ bản chất, không có kỹ năng thì cũng sẽ đi đến kết quả hoàn toàn sai”, Hiếu cho hay.

Nói về phương pháp học môn Lịch sử, chàng thủ khoa bật mí: “Thay vì học thuộc sách giáo khoa, em tóm lược các giai đoạn lịch sử để dễ hình dung vấn đề, triệt để lượng kiến thức và lượng câu hỏi có thể xuất hiện”.

Bên cạnh đó, Hiếu kết hợp lập bảng biểu, sơ đồ tư duy để phân tích các vấn đề, chia tài liệu theo từng tập san nhỏ dễ học và ôn luyện, kết hợp gạch và khoanh từ khóa cả khi học lẫn lúc làm đề.

Trong đó, khoanh vào các mốc thời gian và khoanh vào những cụm từ mang nhiều ý nghĩa, mục đích là tìm ra bản chất câu hỏi cũng như đáp án, lời văn trong sách giáo khoa hoặc tài liệu ôn tập. Những từ khóa này thường nằm ở vị trí vị ngữ của câu, hoặc đầu câu.

Cùng với đó, gạch vào những từ ngữ sai trong đáp án, không phù hợp với câu hỏi, giống như một phương pháp loại trừ để tìm ra đáp án đúng.

minh hiếu (3).jpg
Lê Minh Hiếu cùng các bạn học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, phương pháp “lặp lại ngắt quãng” trong ôn tập rất quan trọng. Hiếu lấy ví dụ, hôm nay học chương I, ngày mai học chương II sẽ đồng thời ôn lại chương I. Cứ như vậy, "gối đầu liên tục" nội dung học tập sẽ tạo ra một vòng tuần hoàn ôn tập chặt chẽ nhất.

Trong giai đoạn nước rút, tăng cường đọc đi đọc lại các ghi chú, từ khóa trước đó; học thêm nhiều thuật ngữ sử học, kết hợp luyện đề. Mục đích là nhớ đúng nội dung và phân tích được câu hỏi.

Đối với môn Địa lí, theo Minh Hiếu phải có cách học thật linh hoạt, rõ ràng.

Đây là môn yêu thích của Hiếu, tuy nhiên bản thân chàng thủ khoa cũng có những khó khăn trong lúc làm đề, nhất là phần vận dụng cao nội dung về vùng kinh tế.

Hiếu cho hay, phần này thường có sự kết hợp với những nội dung, kiến thức, thông tin mới của thời đại, các câu hỏi và đáp án không hề cũ. Cả 4 đáp án dường như rất đúng khi đặt vào câu hỏi, làm cho tâm lý học sinh rất dễ hoang mang, phân tâm, không biết chọn đáp án nào.

Để vượt qua phần vận dụng cao, chàng thủ khoa đã tìm, liệt kê "triệt để" những câu hỏi trong phần này. Viết đáp án tự luận cho các câu hỏi theo cấp độ cao đến thấp, từ tổng quát đến cụ thể, chi tiết với mục đích hiểu sâu vấn đề câu hỏi, từ đó dễ chọn đáp án đúng nhất cho các câu hỏi.

Bên cạnh đó, một nửa số câu hỏi trong đề thi thường liên quan đến Atlat, vì vậy việc học và quan sát theo Atlat rất quan trọng.

Những câu hỏi sử dụng Atlat thường là những câu thông hiểu nhưng rất dễ bị sai khi các bạn không quan sát và hiểu rõ nội dung câu hỏi. Đọc nội dung, gạch chân nội dung câu hỏi, đề bài hỏi gì thì trả lời cái đấy.

Phân chia chủ đề hoặc làm các câu hỏi theo từng trang cuốn Atlat. Nên chuẩn bị 2 cuốn Atlat; một cuốn khi học chúng ta khoanh nội dung, viết nội dung phân tích để dễ nhớ các ký hiệu, màu sắc, nội dung; một cuốn để mang đi thi.

Cuối cùng, các câu nhận biết và đọc hiểu thường "rơi" vào phần dân cư, khi ôn tập cần chú ý các chi tiết, kiến thức nhỏ phần này để không bị mất điểm "oan".

Ngoài những lưu ý khi làm bài, chàng thủ khoa cũng thường tham gia những lớp học địa lý trên mạng xã hội, tìm bạn bè cùng nhau ôn luyện, trao đổi thông tin giúp mở rộng kiến thức và học hỏi thêm được nhiều điều từ mọi người.

Cần học hiểu và tư duy một cách logic

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Đặng Thu Uyên cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Đoan Hùng (Phú Thọ) đã xuất sắc đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn, 10 điểm môn Lịch sử và 9,75 điểm môn Địa lý. Với thành tích này, Thu Uyên trở thành thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của tỉnh Phú Thọ.

Hiện tại, nữ thủ khoa tỉnh Phú Thọ đang là sinh viên năm 2 ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

3e7aa42705c3ab9df2d2.jpg
Đặng Thu Uyên là thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của tỉnh Phú Thọ.

Trước đây, Thu Uyên từng lựa chọn ôn tập khối D nhưng sau đó đã quyết định đổi sang khối C vào học kỳ 1 năm lớp 12. Để đạt được số điểm trong mơ, Thu Uyên cho rằng đó kết quả của sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng.

“Vì chuyển khối nên thời gian đầu có không ít khó khăn, do vậy mà mình dành nhiều thời gian hơn vào việc khắc phục những điểm yếu đó. Mình ý thức được rằng, bản thân cần cố gắng hơn những bạn khác rất nhiều, có thời gian trống mình sẽ tự học, càng về cuối giai đoạn càng cần tăng tốc hơn”, nữ thủ khoa tâm sự.

Thu Uyên cho rằng mỗi môn học sẽ có cách học khác nhau và mỗi người lại có cách tiếp cận, áp dụng các phương pháp khác nhau. Các sĩ tử không nên ép buộc bản thân theo một phương pháp mà hãy tự đánh giá và tìm ra phương pháp học phù hợp nhất với bản thân để có được kết quả tốt nhất.

Với khối C, không nên chỉ chú tâm vào học thuộc lòng, mà cần học hiểu và tư duy một cách logic. Như vậy, khi thi sẽ dễ dàng ứng biến với những câu hỏi cần sự vận dụng cao.

Ở môn Lịch sử thì việc học thuộc lòng là rất quan trọng bởi cần sự chính xác cao nhưng như vậy là chưa đủ. Cần hiểu sâu, hiểu rộng và tường minh, logic để giải quyết các vấn đề học tập.

“Một phương thức khá hay mình vẫn thường áp dụng khi học Lịch sử đó là hãy xem những thước phim tài liệu, video phân tích sử trên các nền tảng mạng xã hội để có hứng thú, học hỏi được nhiều hơn, giúp nhớ lâu và sẽ không bị chán. Yêu Lịch sử là các bạn đã chinh phục được một nửa chặng đường”, Thu Uyên bật mí.

Học Lịch sử cần phải tỉnh táo, chọn lọc kiến thức để tránh lệch chuẩn kiến thức. Các bạn học sinh có thể xem livestream của các thầy cô, anh chị để học hỏi thêm, hoặc mua các sách để đọc và làm thật nhiều đề.

Tham gia các hội nhóm về sử hoặc đọc bình luận bên dưới mỗi video sử cũng giúp chúng ta trau dồi thêm khả năng phân tích cũng như suy luận, tranh biện các vấn đề khác nhau của môn học.

Phải có vở ghi chép môn học và nếu cần sẽ ghi chú luôn tại vị trí có kiến thức đó. Trong quá trình làm đề có phần kiến thức mới cũng sẽ ghi chú luôn vào vở. Với lượng kiến thức lớn, ghi chú ở quá nhiều chỗ hoặc không ghi chú sẽ dễ quên hoặc nhầm lẫn.

Trong khi luyện đề, không chỉ ở những câu hỏi khó mà cả ở những câu hỏi dễ hay những câu đã biết sẵn đáp án, nên sử dụng phương pháp loại trừ để đảm bảo sự chính xác nhất. Với câu hỏi từ vận dụng trở lên, thường các câu rất dài, cần để ý từng từ để tìm ra lỗi sai và loại trừ đáp án.

Nữ thủ khoa cho biết, trong các môn của khối C, môn Địa lý là môn Uyên gặp nhiều khó khăn vì tính phức tạp trong đáp án.

“Mình cần khá nhiều thời gian và công sức học tập để hiểu môn Địa lý, tránh lúc làm bài chỉ có “cảm giác đúng” chứ không phải “chắc chắn đúng”, Thu Uyên chia sẻ.

Để lựa chọn được đáp án đúng và chắc chắn với kiến thức của mình thì bí quyết của Uyên là chăm chỉ làm đề. Tính cẩn thận cần được rèn luyện qua mỗi lần làm đề..

Đối với môn Ngữ văn, các bạn học sinh có năng khiếu là một lợi thế tuy nhiên, để đạt điểm cao cũng cần nhiều yếu tố. Khi viết văn nếu không kiểm soát sẽ dẫn tới lan man không đủ ý, sẽ khó đạt được điểm cao. Quan trọng nhất khi làm văn là cần lưu ý về mặt thời gian. Cần kiểm soát để đảm bảo đủ ý và hoàn thành hết các câu, tránh sự lan man không cần thiết.

Thu Uyên dành lời khuyên cho các thí sinh năm nay: “Hiện tại là giai đoạn nước rút, các bạn học sinh nhớ ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe. Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và tránh căng thẳng, lo âu trước khi thi. Mình biết có rất nhiều khó khăn và áp lực nhưng đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và thầy cô giáo”.

Thùy Trang