Ngày 19/10/2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ có "khẩu dụ“ dừng thi Toán, tiếng Anh qua mạng?
Bài viết đặt ra hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm và cách điều hành, xử lý vấn đề của Bộ với 2 cuộc thi giải Toán (ViOlympic) và tiếng Anh (IOE) qua mạng.
Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về việc này.
Sau bài báo này, ngày 20/10/2017 Tiến sĩ Lê Thống Nhất đã bày tỏ quan điểm cá nhân với tư cách người "đưa ra sản phẩm" (ViOlympic và IOE) và Phó Ban tổ chức cấp toàn quốc cuộc thi tiếng Anh qua mạng (IOE), trên trang BigSchool.
Ông Nhất cho biết:
Chính thức dừng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng |
“Cha đẻ - cha nuôi"
Tiến sĩ Lê Thống Nhất tuyên bố trên trang BigSchool:
"Tôi xin không phát biểu gì về việc dừng hay tiếp tục 2 cuộc thi trên Internet tuy là "cha đẻ" của cả 2 cuộc thi này (ViOlympic và IOE, người viết chú thích).
Sản phẩm duy nhất hiện nay mà tôi đang xây dựng và lãnh đạo là BigSchool (http://bigschool.vn).
Vậy Tiến sĩ Lê Thống Nhất đã "đẻ" ra ViOlympic và IOE như thế nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “nuôi” 2 cuộc thi này “khôn lớn” ra sao?
“Cha đẻ” và “cha nuôi” của 2 cuộc thi này có quan hệ như thế nào? Tại sao bỗng nhiên 2 “cha” giận dỗi, bỏ mặc 2 “đứa con” ViOlympic và IOE?
Ngày 19/10/2017, nhân ý kiến của Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành với báo chí về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng 2 cuộc thi nói trên, ông Nhất có bài:
Phải chăng Bộ GD-ĐT không quản lý được nên dừng 2 cuộc thi trên mạng? [2] Trong bài viết này, Tiến sĩ Lê Thống Nhất cho biết:
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ có "khẩu dụ“ dừng thi Toán, tiếng Anh qua mạng? |
Khó có cuộc thi nào lôi cuốn đến gần 5 triệu học sinh mỗi năm như thế!
Không thể nói 5 triệu học sinh vì bệnh thành tích, bởi vì số giải không phải là nhiều.
Việc dừng 2 cuộc thi cũng cảnh báo với những ai muốn sáng tạo gì đó cho giáo dục.
Hy vọng được đối thoại minh bạch với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này!" [2]
“Cha đẻ” vận động “cha nuôi” đưa ViOlympic vào trường học
Chúng tôi e rằng, nhận định "sáng tạo ra 2 cuộc thi trên mạng đã kịp thời giúp ngành giáo dục có một con đường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học" có phần khiên cưỡng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển bấm nút ra mắt chương trình Toán Tiếng Anh. ViOlympic giờ không chỉ dừng lại ở giải toán qua Internet bằng tiếng Việt, mà còn bằng tiếng Anh, ngoài Toán còn Vật lý. Ảnh: violympic.vn. |
Tất nhiên đây chỉ là quan điểm của cá nhân ông Nhất, chứ nói "ai cũng khẳng định" e khó thuyết phục, nhất là với các học sinh và thầy cô đang phải quay như chong chóng vì 2 cuộc thi này.
Nhận định thứ hai của Tiến sĩ Lê Thống Nhất càng mâu thuẫn với thực tế. Ông Nhất nói:
"Không phải tự nhiên hay do vận động mà các sở giáo dục và đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường đã hưởng ứng 2 cuộc thi như vậy."
Vừa phát động 2 tháng đã có hàng triệu học sinh tham gia quả đúng là "không phải tự nhiên"!
Nhưng nói "không do vận động" mà các sở, các phòng, các nhà trường đã hưởng ứng 2 cuộc thi này chỉ vì "sức hấp dẫn" của ViOlympic và IOE là hoàn toàn trái với thực tế.
Ngược lại, chính nhờ sự vận động Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia dự án ViOlympic của FPT mà ông Nhất là giám đốc, 2 cuộc thi này mới có kết quả và lan rộng nhanh chóng như thế.
Bộ vào cuộc chỉ đạo bằng văn bản và hệ thống quản lý ngành dọc, ViOlympic và sau này là IEO, mới có tốc độ phủ sóng chóng mặt như thế.
Ai vận động Bộ Giáo dục và Đào tạo? Trên trang cá nhân lethongnhat.violet.vn của Tiến sĩ Lê Thống Nhất, chúng tôi thấy có thông tin này:
"Tối 27/07/2008 gặp và đề xuất ý tưởng với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Cục trưởng Cục CNTT (công nghệ thông tin - người viết chú thích) Quách Tuấn Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ GD (giáo dục - người viết chú thích) Trung học Nguyễn Hải Châu (cùng đi với Nguyễn Văn Thái và Đỗ Hữu Hưng)". [3]
Không khó để nhận ra ông Lê Thống Nhất đứng thứ 2 từ trái qua phải, tiếp đến là ông Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh chụp màn hình trang lethongnhat.violet.vn. |
Đây là thông tin minh họa cho tấm ảnh chụp chung giữa Tiến sĩ Lê Thống Nhất, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và những người được ông nêu tên, vào tối 27/07/2008.
Nhờ cuộc gặp và đề xuất ý tưởng này của Tiến sĩ Nhất, gần 3 tháng sau mới có cuộc thứ hai:
"Chiều 21/10/2008, Đoàn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển làm trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc với Dự án Visky 2.0.
Cùng đi với Thứ trưởng có các ông Quách Tuấn Ngọc (Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin), Nguyễn Hải Châu (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học), Phạm Ngọc Định (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học) cùng thư ký của Thứ trưởng.
Đoàn thăm Vườn Chim 2.0 và khá thú vị với môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo. Tại phòng Tập đoàn (FPT - người viết chú thích), Đoàn đã nghe Tiến sĩ Lê Thống Nhất trình bày về dự án ViOlympic.
Sau khi các chuyên gia phát biểu bình luận góp ý, Thứ trưởng đã khen ngợi ý tưởng của Nhóm ViOlympic và đề nghị ký Văn bản Phối hợp tổ chức ViOlympic Toán học dành cho học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.
Thứ trưởng cũng đề nghị nhanh chóng hoàn thành các bước chuẩn bị để ViOlympic thực sự đi vào cuộc sống giáo dục phục vụ mục tiêu năm học “đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin”. [4]
Ảnh chụp màn hình trang lethongnhat.violet.vn. |
Chưa đầy một tháng sau, ngày 16/12/2008, Tiến sĩ Nguyễn Hải Châu - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học kiêm Phó Ban Tổ chức cấp quốc gia đã ký công văn số 11475/BGĐT-GDTrH gửi các sở giáo dục và đào tạo.
Công văn này yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo triển khai thành lập Ban tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường và phổ biến Thể lệ tới tất cả học sinh cấp tiểu học. [5]
Nếu không có công văn nói trên, thì liệu có chuyện 12 ngày sau Ban tổ chức đã "bêu tên" 8 tỉnh thành chưa có học sinh tham gia cuộc thi, tính đến ngày 28/12/2008 lên mạng:
Hậu Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Kon Tum, Điện Biên, Đắc Nông? [6]
Thậm chí Ban tổ chức còn treo thông báo: Tính đến ngày 4-1-2009, ViOlympic chỉ còn chưa đến Đắc Nông và Lai Châu! [7]
Chỉ một dòng “trạng thái” nói trên trên trang ViOlympic.vn đã có thể cảm nhận thấy áp lực “Ban tổ chức” dồn xuống các sở lớn như thế nào.
Điều này trái ngược hoàn toàn với nhận định của Tiến sĩ Lê Thống Nhất hôm 19/10/2017:
"Không phải tự nhiên hay do vận động mà các sở giáo dục và đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường đã hưởng ứng 2 cuộc thi như vậy."
Kết quả cuộc thi ViOlympic có thể bị can thiệp, chỉnh sửa |
Xin lưu ý, ở đây không còn là “vận động” đơn thuần, mà có cả mệnh lệnh, chỉ đạo ngành dọc.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký quyết định 7812/QĐ-BGDĐT ngày 18/11/2008 thành lập Ban chỉ đạo, Ban thư ký và các Tiểu ban cấp quốc gia cuộc thi giải toán qua internet.
Cũng chính thày Hiển ký quyết định số 8377/QĐ-BGDĐT ngày 16/12/2008 ban hành thể lệ cuộc thi giải toán qua internet dành cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Như vậy có thể thấy rõ, cuộc thi giải Toán trên mạng internet (ViOlympic) ra đời từ một dự án của FPT mà tập đoàn này mời Tiến sĩ Lê Thống Nhất về làm giám đốc, theo quy trình:
Bước một, vận động hành lang Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia dự án, Tiến sĩ Lê Thống Nhất làm cầu nối tiếp cận Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển;
Bước hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký văn bản hợp tác với FPT;
Bước ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các ban bệ, ra thể lệ cuộc thi và tổ chức triển khai, chỉ đạo đưa vào trường học trên toàn quốc bằng mệnh lệnh hành chính ngành dọc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và các vụ chức năng thuộc Bộ.
ViOlympic mới 1 tuổi, “đẻ” tiếp IOE
Từ tháng 5 năm 2008 đến tháng 11 năm 2009 Tiến sĩ Lê Thống Nhất lãnh đạo Dự án ViOlympic thuộc Dự án Visky của Công ty FPT, Trợ lý Tổng Giám đốc FPT.
Từ tháng 12 năm 2009 ông rời FPT sang VTC Online, làm Phó Giám đốc phụ trách Phát triển Giáo dục của Công ty VTC Online thuộc Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC từ đó đến ngày 1/6/2017. [8] [9]
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi tiếng Anh qua mạng internet (IOE) ngày 2/11/2010, ảnh: ioe.go.vn. |
Trên cương vị mới, ông Lê Thống Nhất lại cùng ông Nguyễn Vinh Hiển "đẻ" ra cuộc thi tiếng Anh trên mạng trong các nhà trường phổ thông trên toàn quốc (IOE) kể từ ngày 9/4/2010. [10]
IOE chỉ là 1 trong 12 hoạt động hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với VTC Online.
Hai vị lại triển khai theo cách đã làm với ViOlympic, thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cấp quốc gia để đưa cuộc thi này vào trường học trên cả nước. [11] [12]
Một năm sau trong cuộc họp tổng kết IOE do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì, ông Lê Thống Nhất đại diện VTC Onlines bày tỏ:
Ngày 18/10/2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 6901/BGDĐT-GDTrH gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc dạy và học tiếng Anh năm học 2010-2011. Công văn chỉ đạo các sở:
"Tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi, các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực tiếng Anh như các cuộc thi Hùng biện tiếng Anh, thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE)". [14]
Chính sự "vào cuộc" của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, IOE mới lan ra chóng mặt:
Chỉ trong 2 tháng phát động, cuộc thi tiếng Anh có hơn 1 triệu thành viên tham gia và khi kết thúc con số này lên tới gần 2 triệu. Có thời điểm có hơn 4 vạn HS cùng thi với hơn 400 nghìn lượt truy cập…vv. [15]
Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích những bất cập trong việc tổ chức 2 cuộc thi qua mạng ViOlympic và IOE cùng những hệ lụy của nó trong các bài viết tới.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://bigschool.vn/y-kien-cua-ts-le-thong-nhat-ve-violympic-va-ioe
[2]https://bigschool.vn/phai-chang-bo-gd-dt-khong-quan-ly-duoc-nen-dung-2-cuoc-thi-tren-mang
[3]http://lethongnhat.violet.vn/entry/show/entry_id/501285/cat_id/289904
[4]http://vatly.violympic.vn/Page_New_Detail_Print.aspx?ID=10
[5]http://violympic.vn/Page_New_Detail.aspx?ID=13
[6]http://violympic.vn/Page_New_Detail.aspx?ID=23
[7]http://violympic.vn/Page_New_Detail.aspx?ID=52
[8]http://vinhuni.edu.vn/van-ban/seo/le-thong-nhat-tien-si-toan-hoc-co-tam-hon-nghe-si-74950
[9]https://bigschool.vn/y-kien-cua-ts-le-thong-nhat-ve-violympic-va-ioe
[12]http://ioe.go.vn/CongVanChiTiet.aspx?ID=68
[13]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-cuong-phoi-hop-giua-bo-gddt-voi-vtc-26935.html
[14]http://binhson.edu.vn/home/van-ban-thong-bao/221-day-va-hoc-tieng-anh-nam-hoc-2010-2011.html
[15]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-cuong-phoi-hop-giua-bo-gddt-voi-vtc-26935.html