LTS: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tạm dừng các cuộc thi giải toán và tiếng Anh qua internet đang dấy lên những luồng dư luận khác nhau.
Tác giả Sông Mã, cây bút quen thuộc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gửi đến quý bạn đọc góc nhìn của một người trong cuộc, bằng chính trải nghiệm và những điều mắt thấy, tai nghe.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong năm học 2017 - 2018, Bộ quyết định tạm dừng các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng để rà soát kỹ lưỡng. [1]
Sau quyết định của Bộ đã có không ít ý kiến trái chiều, người ủng hộ quyết định này, người lại cho rằng nên duy trì những sân chơi trí tuệ như thế.
Người viết bài này chỉ xin được kể những điều đang diễn ra thực tế hàng ngày ở nhiều trường học, những gì trực tiếp trải nghiệm và mắt thấy tai nghe.
Ngày 24/1/2016, tại Hải Dương đã diễn ra Cuộc thi Violympic - cuộc thi giải toán trên internet do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ và Trường đại học FPT tổ chức. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam. |
Đó chính là những vất vả nhọc nhằn của thầy cô, những áp lực căng thẳng của học trò và cả những “thủ thuật”, những “mánh khóe” giúp trò đổi lại những giải thưởng, những tấm huy chương lấp lánh ấy.
Và câu trả lời Nên hay không tổ chức các cuộc thi trên mạng như thế hoàn toàn thuộc quyền của chúng ta.
Kết quả thi Violympic thành chỉ tiêu thi đua, đẩy giáo viên - học sinh vào vòng xoáy
Thi Violympic Toán, tiếng Anh trên mạng về bản chất là đáng khích lệ. Bởi nhờ những sân chơi trí tuệ này, nhiều học sinh đã bộc lộ được những năng lực vượt trội của mình.
Cũng nhờ những cuộc thi như thế, nhiều trường chuyên lớp chọn đã tìm cho mình những hạt giống tốt nhất ươm mầm tài năng…
Nếu để các em tự học, tự tìm hiểu và tự làm bài thì mấy cuộc thi như thế này hoàn toàn có ích cho học sinh.
Nhưng trong thực tế, có mấy em làm được như thế? Ở mỗi lớp, mỗi trường học sinh có khả năng vượt trội trong học tập cũng không nhiều, có khi chỉ tính trên đầu ngón tay.
Để đi thi Violympic hay IOE, cứ nhờ vào năng lực cũng khó đạt nói gì đến năng lực nhiều em có hạn nên phải có những hoạt động bổ trợ?
Những học sinh thuộc gia đình khá giả, bị cha mẹ nhốt vào các lò luyện Toán, Anh văn. Thế là, sau mỗi buổi chiều tan trường, ba mẹ đón về cho ăn uống qua loa và chở con vào lớp ôn luyện.
Con sợ học quá mẹ ơi! |
Những bài toán đến nhiều kĩ sư, thạc sĩ cũng lắc đầu bó tay thì những đứa trẻ mặt còn búng ra sửa phải nát óc nghĩ suy để làm.
Những em gia đình khó khăn thì cùng thầy cô đánh vật ngay trên trường trong các tiết dạy trên lớp.
Con gà tức nhau tiếng gáy. Trường này nhìn trường kia, trường nào cũng muốn nhờ những cuộc thi như thế để nổi danh.
Thế là họ đưa tiêu chí có học sinh đạt giải cao các kì thi học sinh giỏi từ cấp huyện thị trở lên được thay thế bằng một sáng kiến kinh nghiệm, sẽ được xếp thi đua ở mức cao nên giáo viên dù không muốn cũng phải lao vào như thiêu thân.
Những thủ thuật giúp học sinh đạt kết quả
Giữa các lớp, các giáo viên cũng có những cạnh tranh ngầm với nhau. Nhưng học sinh giỏi có năng lực nỗi trội không nhiều, nên thầy cô đành “chọn bó đũa so cột cờ”.
Bởi thế, lớp nào cũng cố chọn từ 5-10 em vào đội tuyển. Hàng tuần, sau buổi học, giáo viên đưa học sinh lên phòng máy tính để làm.
Do toán, Anh văn khó nên không thể giảng ngay tại đó, thầy cô chỉ còn cách tự tính rồi đọc kết quả cho học sinh làm với hy vọng qua được vòng thi…
Đồng thời học sinh còn phải lập thêm vài cái tài khoản (nick name) để ôn luyện thường xuyên cho nhớ.
Thế là một em có ít nhất dăm tài khoản, cái dùng để thi buộc phải giải qua vòng. Cái để ôn luyện tại nhà, cái để cho thầy cô làm giúp khi cần…
Giáo viên nắm rõ quy trình hoạt động của những sân chơi trí tuệ loại này. Thế nên thầy cô lập nhiều tài khoản để lấy đề ra giải sẵn.
Không có nhiều thời gian ôn luyện cho các em, ngoài một buổi lên phòng máy làm trực tiếp.
Hằng ngày trên lớp, thầy cô phải tranh thủ thời gian giảng dạy để tập hợp học sinh trong đội tuyển ôn luyện thêm. Những bài luyện tập cho các em chính là những bài tập giáo viên tải về từ internet.
Những ngày sắp đến vòng thi, cần sự tăng tốc, giáo viên và học sinh cứ miệt mài ôn luyện, đôi khi còn bỏ bê cả những tiết dạy trên lớp.
Có lẽ nhờ chịu “cày” nên khi vào phòng thi trực tiếp làm trên máy, có em trúng tủ nên chưa đọc đề xong đã biết ngay kết quả. Không ít em may mắn trúng nhiều bài nên một bài thi gồm 3 vòng (khởi động, vượt chướng ngại vật, về đích) chỉ mất khoảng vài phút là xong.
Cuộc cạnh tranh danh tiếng |
Kỉ lục này nhiều thầy cô còn phải chào thua.
Hãy nghe một học sinh từng tham gia cuộc thi này nói:
“Bản thân cháu cũng là học sinh tham gia những cuộc thi này...không có công bằng đâu ạ. Các bạn cháu lập nhiều nick thi sẵn vòng thi cấp trường rồi học thuộc lòng kết quả, đến khi thi toàn được 300 điểm.
Như vậy thì công bằng gì? Chúng cháu toàn bị bố mẹ ép phải thi những cuộc thi này nên các bạn làm mọi cách để được điểm cao.
Xem mấy video của các năm trước rồi ghi đáp án vào quyển vở nháp, khi thi thì lật ra điền đáp số vào thì đâu có công bằng gì.
Trong khi kiểm tra toán trên lớp thì các bạn toàn chép các bài tương tự trong sách hướng dẫn chứ có tự lực làm đâu”.
Thầy Ngọc Sơn, một giáo viên một trường tiểu học tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
“Nếu không giải quyết được những bất cập và hệ lụy từ những cuộc thi này thì nên dừng. Bệnh thành tích hiện hữu trong không ít trường học.
Ngay trường tôi có năm lập cả một đội tuyển thi giải Toán qua mạng, thậm chí còn trả thù lao cho giáo viên để luyện “gà” nữa”.
Đọc xong bài này, mọi người sẽ nghĩ gì về quyết định tạm dừng các cuộc thi trên mạng như thế?
Tài liệu tham khảo: