Thầy giáo Lê Văn Đức, cánh thơ miền biên giới

09/02/2019 07:00
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Bài giảng của thầy, mang hình bóng anh bộ đội Cụ Hồ, vào trái tim bao thế hệ học trò, văn không còn khô khan chỉ là câu chữ.

Trong dịp công tác miền biên giới huyện EaH’Leo, tỉnh Đắk Lắk, có nữ cán bộ, người dân tộc đến bên bẽn lẽn “Anh có bà con với thầy Đức à?”.

Tìm hiểu thêm, tôi mới biết cô đang nói về thầy giáo Lê Văn Đức, công tác tại Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh – EaH’Leo – Đắk Lắk. 

Sao một thầy giáo để lại ấn tượng với bạn dân tộc này thế? Thế là về thăm Phan Chu Trinh, thăm thầy Đức. 

Quê Hà Tĩnh, lính nghĩa vụ Tây Nguyên nắng gió, bén duyên với EaH’Leo từ năm 2002; thầy Đức dạy văn tại Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh – EaH’Leo – Đắk Lắk. 

Bài giảng của thầy, mang hình bóng anh bộ đội Cụ Hồ, vào trái tim bao thế hệ học trò, văn không còn khô khan chỉ là câu chữ.

Học trò thích thú qua từng tiết thầy dạy, yêu trường mến lớp, cảm môn Văn. 

Thầy biết, hình ảnh người lính đã và đang truyền cảm hứng học tập cho học trò, đề nghị nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng tọa đàm, giao lưu tuổi trẻ trung đoàn BB66 với đoàn trường. 

Học sinh trường Phan Chu Trinh biểu diễn văn nghệ giao lưu, trải nghiệm thực tế tại trung đoàn BB66 - Đắk Lắk
Học sinh trường Phan Chu Trinh biểu diễn văn nghệ giao lưu, trải nghiệm thực tế tại trung đoàn BB66 - Đắk Lắk

Mang tâm hồn người lính, trên mặt trận văn hóa, những vần thơ của thầy  được đăng trong các tập thơ: Như Áng Mây Chiều; Vọng Về Miền Nhớ; Nặng Tình Quê Hương…, đầy cảm xúc, càng làm học trò bội phục, thêm yêu Văn học.

Bạn Minh Anh, nói về thầy giáo của mình “Trước đây, em học văn cho có, cố gắng đạt năm điểm thôi.

Từ ngày học với thầy Đức, hình ảnh người phụ nữ trong văn học qua các bài giảng của thầy, em thấy có mẹ, có chị, có mình trong đó.

Thầy giáo Lê Văn Đức, cánh thơ miền biên giới ảnh 2Cô giáo Mến với sáng chế chữa bệnh đau dạ dày

Em yêu môn văn lúc nào không nhớ nữa thầy ạ.

Em còn nhớ bài thơ: Lòng Mẹ của thầy viết:

Tiếng quê nhắc nhở trong lòng 

Bâng khuâng những mùa đông giá lạnh 

Trên cánh đồng xa hiu quạnh 

Mẹ mang về khúc hát ru con.

Tháng năm qua tóc mẹ ngã màu sương

Buồn, vui nhớ về thời con gái 

Nhớ về ngày gian khó 

Lấm lem áo cánh - quần nâu. 

Con lớn lên con mặc áo đủ màu 

Khoe với mẹ, còn có nhiều mốt mới 

Mà có lúc con vẫn còn hờn dỗi

Mẹ chỉ cười mà chẳng nói điều chi 

Tuổi qua đi, ký ức qua đi 

Và áo cánh - quần nâu đã đi vào xa vắng 

Nhưng lòng mẹ vẫn thường không yên lặng 

Về một thời áo cánh - quần nâu”. 

Với Quỳnh Hương, một đứa con xa quê lại “cảm” lời thầy qua góc nhìn khác: “Em mong chờ tiết học của thầy, thầy giảng về quê hương, chất chứa nỗi niềm của người xa xứ, em thấy trong thầy tình yêu quê hương tha thiết.

Thầy giảng, mà tâm hồn thầy đang dạo bước trên mảnh hồn quê, với ngọn lúa, bờ tre, dòng sông chiều nắng đổ; thầy dạy mà như vẽ bức tranh quê bằng câu từ”. 

Thầy Lê Văn Đức cùng với học sinh trường Phan Chu Trinh
Thầy Lê Văn Đức cùng với học sinh trường Phan Chu Trinh

Để đưa được văn đến với học trò, thầy Đức đã dày công nghiên cứu hình ảnh người mẹ.

Vừa qua thầy đã viết chuyên đề dạy học theo chủ đề "Hình tượng người phụ nữ trong văn học".

Thầy Đức tâm sự “Em từng là lính, vẫn mang đầy chất lính, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh. Dạy học trò viết văn theo tư duy, theo cảm xúc.

Mỗi bài giảng, lồng ghép kĩ năng sống, gieo lòng nhân ái cho học trò”.

Nói về đồng nghiệp của mình, thầy Ngọc - Hiệu trưởng hồ hởi: “Đức là một giáo viên tâm huyết, hát hay, đàn giỏi, làm thơ hay. Ở đâu có Đức, là vui vẻ sôi nổi, là lan tỏa niềm vui, lạc quan đến đồng nghiệp, học trò”.

Những đóng góp của thầy giáo, mang tâm hồn một thời “lính Cụ Hồ”, một cánh thơ miền biên giới, đã được ba lần công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhiều giấy khen các cấp.

Chúc thầy giáo, cánh thơ biên giới, đạt được nhiều thành công trong năm mới.  

Sơn Quang Huyến