Lâu nay, nhiều người vẫn có tâm lý “tre già măng mọc”, cứ công tác lâu năm rồi dần dần cũng sẽ được cất nhắc lên lãnh đạo.
Nhưng việc thi tuyển sẽ buộc cán bộ phải củng cố kiến thức, nỗ lực phấn đấu, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Không phải cứ ngồi lâu lên “lão làng”
Lâu nay, câu chuyện “chạy chức, chạy quyền” không phải là hiếm trong môi trường giáo dục.
Một ứng viên tham gia kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng. Ảnh: TT |
Nhiều Hiệu phó, Hiệu trưởng được bổ nhiệm nhờ mối quan hệ, tiền tệ hay đi “cửa sau”… đã khiến dư luận bức xúc, chất lượng giáo dục đi xuống.
Theo một trưởng phòng nội vụ thì việc công khai thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đã phần nào xóa tan nghi ngờ về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”.
Hơn nữa, thi tuyển còn giúp tuyển chọn được những cán bộ quản lý đủ năng lực, tâm huyết với nghề. Tạo môi trường công bằng, dân chủ cho những “nhân tài” cùng thi đua, thể hiện.
Đà Nẵng chọn lãnh đạo chuyên môn, muốn làm "quan" phải thi tuyển |
Là người ra các đề thi tuyển Hiệu phó, Hiệu trưởng suốt nhiều năm nay, bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu chia sẻ:
“Việc thi tuyển còn tạo ra sự cạnh tranh công bằng, mang đến cơ hội cho nhiều người chứ không phải là “tre già măng mọc”.
Bởi lâu nay, việc bổ nhiệm tại chỗ khiến nhiều người có tâm lý “cứ đợi rồi đến lượt mình”, không có sự cạnh tranh, nổ lực”.
Bà Hà cũng nói thêm, các kỳ thi này sẽ giúp tránh được tiêu cực trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, hạn chế nạn chạy chọt, con ông cháu cha.
“Qua những lần thi tuyển chức danh lãnh đạo trường học, đã tuyển chọn được những cán bộ quản lý trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản.
Điển hình như trường hợp của thầy Võ Thanh Phước, vừa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ khi mới 36 tuổi”, bà Hà cho hay.
Qua hơn 10 năm thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, nhiều Hiệu phó, Hiệu trưởng ở Đà Nẵng được bổ nhiệm khi tuổi đời còn rất trẻ.
Có trường hợp chỉ làm Hiệu phó 3-4 năm, sau đó thi trúng tuyển và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khép kín
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện thi tuyển chức danh lãnh đạo, ông Võ Ngọc Đồng, giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong phát triển đội ngũ cán bộ quản lý.
Hiệu phó thi thắng 5 đồng nghiệp để làm Hiệu trưởng |
Điều này đòi hỏi cán bộ quản lý trường học có năng lực mới, đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà trường.
“Người lãnh đạo trường học, ngoài các năng lực, phẩm chất của một nhà giáo, còn cần phải có tố chất của nhà lãnh đạo và nhà quản lý.
Do đó, việc “chọn mặt gửi vàng” đúng người, đúng vị trí các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó ở các đơn vị trường học là hết sức quan trọng.
Nhất là trong giai đoạn ngành giáo dục đang có những bước đi đột phá nhằm mang lại diện mạo mới”, ông Đồng nói.
Cũng theo ông Đồng thì so với việc bổ nhiệm theo cách truyền thống thì việc tổ chức thi tuyển là một bước tiến trong việc nâng cao chất lượng quản lý giáo dục.
Bởi khi trải qua kỳ thi, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản ứng viên phải có đề án để nâng cao chất lượng giáo dục ở nơi ứng viên sắp về công tác.
Thông qua sự phản biện của hội đồng, từ đó ứng viên phát huy được vai trò khi nhận nhiệm vụ.
“Qua thực tế theo dõi tại các trường học, chúng tôi thấy nhiều mô hình được các ứng viên đưa ra trong đề án dự thi tuyển đã được áp dụng tốt sau khi được bổ nhiệm”, ông Đồng cho hay.
Còn theo sở Nội vụ Đà Nẵng, những quan điểm đổi mới trong công tác tuyển dụng cán bộ khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khép kín trong từng cơ quan, đơn vị.
Qua đó, tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ, công chức, viên chức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.
“Cơ chế này cũng góp phần thực hiện chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với những người tài năng và là một điểm sáng trong công tác cải cách hành chính”, đại diện sở Nội vụ cho hay.