Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, dư luận lại đặt câu hỏi khi sai phạm chưa được làm rõ, học sinh khác có mất cơ hội vào đại học?
Trao đổi vấn đề này, Phó giáo sư Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:
Mỗi năm có khoảng gần 450.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học.
Số thí sinh tăng điểm nhờ gian lận đương nhiên không nhiều. Về lý thuyết, có tỷ lệ nào đó gọi là "mất chỗ" nhưng thực tiễn là ít.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh trên tinh thần tự chủ của các trường đại học, học viện và việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh là do các trường có trách nhiệm thực hiện.
Trong trường hợp trường nào có đề xuất việc rà soát kết quả thi và nguồn tuyển sinh đầu vào, căn cứ vào điều kiện cụ thể, trong trường hợp cho phép, thẩm quyền, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng hỗ trợ các trường.
Ông Mai Văn Trinh thông tin, hiện tại, các đối tượng đã có lời khai, cũng như đã có danh sách những người có sai phạm trong vụ tiêu cực thi cử ở Hòa Bình, Sơn La. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ. (Ảnh minh họa: VTV) |
Hơn nữa, hiện nay tại Hòa Bình, Sơn La vẫn chưa khôi phục được dữ liệu điểm gốc, có nghĩa là chưa trả lại điểm thật cho thí sinh ở 2 địa phương này.
Nhìn nhận việc này, ông Trinh cho hay, tại Hòa Bình, Sơn La các đối tượng đã sửa bài thi trắc nghiệm trước khi mang vào máy quét, vì vậy quá trình xử lý sẽ khác so với Hà Giang.
Trước mắt, chúng ta vẫn phải chấp nhận kết quả hiện nay để thực hiện việc tuyển sinh của các trường. Đây chỉ là kết quả tạm thời. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Ông Trinh thông tin thêm, hiện tại, các đối tượng đã có lời khai, cũng như đã có danh sách những người có sai phạm.
Cơ quan chức năng đang điều tra, dùng các biện pháp kỹ thuật, kể cả công nghệ cao để sớm có giải pháp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ rất quyết tâm, xác định bằng nỗ lực cao nhất về công nghệ và con người thậm chí là tài chính để xác minh làm rõ. Có kết quả sẽ đối chiếu trong quy chế để xử lý.