LTS: Trong bài 1 cho thấy hệ thống giáo dục sau trung học của Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng, trở thành một hệ thống đại chúng, rất đa dạng về mô hình, chức năng và sở hữu.
Tuy nhiên cho đến nay ở nước ta chưa có một hệ thống chính sách hợp lý để điều phối các loại cơ sở giáo dục sau trung học với các chức năng khác nhau, do đó chưa tận dụng được được hợp lý các nguồn đầu tư ngân sách hạn hẹp của Nhà nước và chưa phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống.
Để tìm hiểu khả năng phân tầng và điều phối hệ thống, trong bài 2 của GS. TSKH Lâm Quang Thiệp sẽ giải đáp điều đó, nhưng trước hết chúng ta hãy tìm hiểu một số kinh nghiệm của thế giới.
Kinh nghiệm phân tầng giáo dục đại học trên thế giới
Khi nói về phân tầng giáo dục đại học có thể nêu hai ví dụ rõ nhất của Mỹ và của Trung Quốc.
Trường hợp Mỹ: Từ 1970 quỹ Carnegie ở Mỹ có phân loại các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các số liệu thực tế thu thập được, phục vụ cho các chương trình nghiên cứu và phân tích chính sách của họ.
Đợt phân loại mới nhất lần thứ 7 diễn ra năm 2010. Theo kiểu phân loại cơ bản của Carnegie, giáo dục sau trung học được chia làm 5 loại lớn:
Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tiến sĩ (chia 4 nhóm con);
Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học tổng hợp (chia 2 nhóm con);
Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học nhân văn tự do [liberal art] (chia 2 nhóm con);
Thứ bốn, mọi cơ sở giáo dục đại học 2 năm (cấp bằng cao nhất là bằng “đại học đại cương” [associate degree] cho chương trình Giáo dục đại cương 2 năm đầu ĐH) ;
Thứ năm, các cơ sở giáo dục đại học chuyên nghiệp (The Carnegie Classification, 2010 (2)).
Ngoài phân loại Carnegie mà nhiều người biết còn có các kiểu phân loại khác, chẳng hạn Hội Giáo sư Đại học Mỹ (AAUP) khi nghiên cứu về lương giáo chức đã phân loại các cơ sở giáo dục đại học như sau:
Thứ nhất, loại I có đào tạo tiến sĩ;
Thứ hai, loại IIA có đào tạo thạc sĩ;
Thứ ba, loại IIB có đào tạo cử nhân;
Thứ bốn, loại III đại học hai năm được xếp hạng học thuật;
Thứ năm, loại IV đại học hai năm không được xếp nạng học thuật (Alexander McCormick & Chun Mei Zhao, 2005).
Ảnh minh họa Xuân Trung |
Việc phân tầng giáo dục đại học để dùng các chính sách của Nhà nước tác động nhằm tạo nên một hệ thống giáo dục đại học thống nhất, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả (unity, equity, quality & efficiency) nổi tiếng nhất Mỹ và thế giới là phân tầng của Bang California, Mỹ.
Phân tầng được triển khai đầu tiên cho hệ thống giáo dục đại học công lập của California vào năm 1960, điều chỉnh và mở rộng ra hệ thống giáo dục đại học tư và đào tạo nghề vào năm 1987 (Commission for Review of the Master Plan for Higher Education, 1997(4)) và tiếp tục hoàn chỉnh vào năm 2009.
Vào thập niên 1980 các chuyên gia giáo dục đại học OECD nghiên cứu hệ thống giáo dục đại học của California, thấy rõ tính ưu việt của nó, đã khuyến cáo các nước OECD nghiên cứu học tập mô hình này áp dụng cho giáo dục đại học thế kỷ 21 và gọi đó là “Giấc mơ California” (California dream) (Sheldon Rothblatt, 1992 (5)).
Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập sự phân tầng tương đối ổn định từ năm 1960 cho đến tận đầu thế kỷ 21, có thể tóm tắt như sau:
Thứ nhất, tầng trên cùng gồm 10 viện đại học (university) đẳng cấp cao nhất, mỗi cơ sở được đặt tên thống nhất là University of California, X, với X là tên địa điểm đặt trường (ví dụ UC, Berkeley).
Tầng này tuyển tốp 1/8 (12,5%) giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học.
Thứ hai, tầng giữa gồm 23 viện đại học tầm trung, mỗi cơ sở được đặt tên thống nhất là California State University, Y, với Y là tên địa điểm đặt trường (ví dụ CSU, Fullerton).
Tầng này tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học kế tiếp, có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ (muốn đào tạo tiến sĩ phải phối hợp với các UC).
Thứ ba, tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường Cao đẳng cộng đồng [Community College] của California, nhận bất cứ học sinh nào muốn được học đại học.
Hệ thống Cao đẳng cộng đồng có các chương trình đào tạo nghề từ đơn giản (vài tháng) đến phức tạp (vài năm) và chương trình 2 năm đầu đại học, được gọi là chương trình chuyển tiếp (transfer programs), cấp bằng đại học đại cương (associate degree).
Với bằng đại học đại cương, tùy theo kết quả học tập, sinh viên có thể chuyển lên học hai tầng Đại học UC và CSU và các đại học 4 năm khác ở Mỹ.
Hiện nay có khoảng 1600 Cao đẳng Cộng đồng ở Mỹ, các chuyên gia giáo dục đại học Mỹ rất tự hào về hệ thống Cao đẳng Cộng đồng của họ (Mỹ - PV), vì hệ thống đó giúp mọi thanh niên Mỹ có thể “ăn cơm nhà đi học đại học”, giúp cho nước Mỹ bước vào giai đoạn giáo dục đại học đại chúng và giáo dục đại học phổ cập sớm nhất thế giới, giúp kinh tế xã hội Mỹ phát triển nhanh chóng và ổn định.
Trường hợp Trung Quốc: Theo số liệu thống kê năm 2004 (Uwe Brandenburg – Jani Zhu, 2005 (7)), Trung quốc có 1731 cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo chính quy.
Vào năm 1995 Chính phủ Trung Quốc đưa ra Dự án 211 nhằm xây dựng cỡ 100 trường Đại học hàng đầu khi bước vào Thế kỷ 21. Trong 2 kế hoạch 5 năm Dự án này được tài trợ hơn 4 tỷ US$ (Rui Yang, 2010).
Vào năm 1998 Dự án 985 lại được đề xuất với mục tiêu xây dựng khoảng 10 trường Đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới.
Pha đầu của Dự án (1998-2003) đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ US$ cho 10 trường Đại học hàng đầu, pha 2 của Dự án (2003-2008) đầu tư một lượng kinh phí lớn hơn cho 39 trường đại học.
Các trường đại học hàng đầu thường được nhắc đến là Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải v..v..
Hiện nay Trung Quốc phân chia các trường Đại học hàng đầu làm 3 tầng: 1) Tầng trên cùng là 2 Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa và 7 trường khác; 2) Tầng thứ 2 là 38 trường Đại học được Dự án 985 hỗ trợ; và 3) Tầng thứ 3 là khoảng 100 trường Đại học được Dự án 211 hỗ trợ.
Các trường hàng đầu này thuộc quản lý của trung ương, các trường còn lại thuộc quản lý của cấp tỉnh (nên lưu ý là tỉnh của Trung Quốc có quy mô lớn cỡ bằng cả nước ta).
Qua các thí dụ trên có thể thấy các chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã chủ động phân tầng hệ thống giáo dục đại học và đưa ra các chính sách cụ thể tác động vào từng tầng để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và ổn định của hệ thống giáo dục đại học.
“Hệ thống đẳng cấp thế giới” của giáo dục đại học
Trong thập niên đầu của thế kỷ 21 qua một xu thế nổi trội về giáo dục đại học ở các nước kinh tế phát triển nhanh và cả một số nước đang phát triển là phấn đầu để xây dựng một số trường đại học ở nước mình trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới (world class universty).
Chẳng hạn, như đã nói trên đây, Trung Quốc hiện có khoảng 150 trường đại học đỉnh cao trực thuộc trung ương, trong đó một nhóm 9 trường theo đuổi mục tiêu nhanh chóng trở thành “đẳng cấp thế giới”.
Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố dự định xây dựng 14 trường đại học tổng hợp mới thành đẳng cấp thế giới (Rui Yang, 2010(8), Richard Levin, 2010).
Ở một số nước khác, như Malaysia, thì việc nâng một vài trường đại học lên “đẳng cấp thế giới” cũng trở thành một mục tiêu quan trọng mà chính phủ theo đuổi (Ministry of Higher Education Malaysia, 2007).
Quan hệ chặt chẽ với xu thế theo đuổi xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới, việc xếp hạng các trường đại học cũng được chú ý đặc biệt, các tổ chức xếp hạng được chú ý nhất là của đại học Giao thông Thượng Hải (Shangai Jieotung University - SJTU) và Phụ trương giáo dục đại học của Thời báo London (Times Higher Education Suplement – THES).
Cả hai bảng xếp hạng đều nặng về tiêu chí nghiên cứu, tuy rằng bảng tiêu chí của THES có toàn diện hơn. Dù sao cho đến nay không có cơ quan xếp hạng nào không bị chỉ trích về các khiếm khuyết khác nhau (Jamil Salmi, 2007).
Bàn về điều kiện để trở thành một đại học nghiên cứu tốt, tiến lên một đại học “đẳng cấp thế giới”, các nhà nghiên cứu thường nêu ra các tiêu chí, có thể xếp vào ba nhóm (Jamil Salmi, 2007): 1) tập trung nhiều tài năng, 2) dồi dào về nguồn lực, và 3) cơ chế quản trị hiệu quả.
Sự hiện diện đồng bộ và sự tương tác lẫn nhau của cả ba yếu tố đó đã tạo ra sự khác biệt của các trường đại học hàng đầu thế giới.
Để xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới, các nước thường đi theo một trong 3 cách: phát triển các trường đại học có sẵn, sáp nhập một số trường chất lượng cao để phát triển, và xây dựng trường đại học hoàn toàn mới; mỗi cách làm có ưu và nhược điểm của nó (Henry M. Levin, Dong Wook Jeong, Dong Shu Ou, 2010).
Nhưng dù theo cách nào thì chủ trương xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới cũng phải căn cứ trên nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và hiện trạng của hệ thống giáo dục đại học của đất nước, xác định rõ vì sao cần các trường đại học như thế và mối quan hệ giữa các trường đó với toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của đất nước như thế nào.
Liên quan đến xu hướng theo đuổi mục tiêu xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới, một ý kiến khác cũng rất đáng quan tâm.
Trong Báo cáo của Hội nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Ma Cao tháng 9 năm 2008 chuẩn bị cho Hội ngị Thế giới về giáo dục đại học - Paris 2009 có viết:
“Không một quốc gia nào có đủ sức chu cấp kinh phí để mọi trường đại học của mình tương xứng với các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới.
Tuy nhiên, tốt hơn hết, nhiều quốc gia có thể định vị trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu bằng cách tạo dựng cho mình một “hệ thống đẳng cấp thế giới về giáo dục đại học” hơn là tập trung phần lớn nguồn lực của mình để tạo nên một số ít cái gọi là trường đại học đẳng cấp thế giới”.
Hệ thống đẳng cấp thế giới về giáo dục đại học là “hệ thống nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và sự đa dạng của nền học vấn - năng lực của sinh viên do kết quả của việc đại chúng hóa (giáo dục đại học).
Các trường đại học cần có các sứ mạng khác nhau và cần phục vụ nhiều loại nhóm người khác nhau có lợi ích liên quan với giáo dục đại học.
Hoạt động cơ bản của giáo dục đại học vẫn là giảng dạy và học vấn, và trong một môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp và biến động, sự phù hợp của các hoạt động của chúng đối với các cộng đồng địa phương sẽ trở nên hết sức quan trọng” (Conference Report on Higher Education in the Asian-Pacific Region, 2008).
Nói cách khác, đó là hệ thống giáo dục đại học mạnh, đa dạng, phân tầng, đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu khác nhau của sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân.
Như vậy, như một đòi hỏi của sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của giáo dục đại học Việt Nam và theo kinh nghiệm thế giới, hệ thống giáo dục sau trung học nước ta cần được phân tầng và có chính sách thích hợp tác động vào các tầng để đảm bảo xây dựng được một hệ thống “đẳng cấp thế giới về giáo dục đại học”, một hệ thống phát triển bền vững và có hiệu quả cao.
Còn tiếp…