Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa: Cần lường trước khó khăn (3)

31/12/2018 07:39
Tấn Tài
(GDVN) - Việc nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản và kinh doanh sách giáo khoa có thể dẫn tới những cạnh tranh không lành mạnh.

Trong bài tham luận gửi đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về “tiếp cận giáo dục thông minh trong đổi mới giáo dục phổ thông”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã nêu ra những khó khăn, thách thức khi bắt tay thực hiện chương trình. 

Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản và kinh doanh sách giáo khoa có thể dẫn tới những cạnh tranh không lành mạnh. (ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản và kinh doanh sách giáo khoa có thể dẫn tới những cạnh tranh không lành mạnh. (ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong đó, vấn đề sách giáo khoa được xem là nổi cộm, tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Giáo sư Thuyết thì theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định “thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở gióa dục phổ thông...”.

Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn các sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ.

Giáo sư Trần Công Phong muốn mỗi địa phương có một bộ Sách giáo khoa

Theo Giáo sư Thuyết thì chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới, phát huy trí tuệ, vật lực của xã hội đóng góp cho giáo dục.

Tạo ra sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân làm sách giáo khoa, góp phần nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Đồng thời, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mình.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện chủ trương này cũng cần lường trước những khó khăn đây để có giải pháp khắc phục.

Cạnh tranh không lành mạnh

"Bên cạnh các yếu tố tích cực thì việc nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản và kinh doanh sách giáo khoa có thể dẫn tới những cạnh tranh không lành mạnh như:

Sử dụng mức chiết khấu, sử dụng quan hệ cá nhân để chiếm thị phần, sử dụng mạng xã hội, báo chí để đưa những thông tin bất lợi nhằm hạn chế khả năng phổ biến sách giáo khoa của tổ chức, cá nhân khác...", Giáo sư Thuyết nêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn và theo dõi các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định của Nghị quyết của Quốc hội.

Thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan báo chí và nhân dân cũng sẽ tham gia giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý.

Thay đổi lựa chọn sách giáo khoa

Giáo sư Thuyết cho rằng, với chủ trương “thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”, trong tương lai, hàng năm có thể xuất hiện những quyển sách giáo khoa mới.

Nên phát động cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông

Do rút được kinh nghiệm của sách giáo khoa xuất bản trước đó, một số sách giáo khoa xuất bản sau hoặc một số nội dung trong các quyển sách giáo khoa đó có thể tốt hơn, hình thức in ấn đẹp hơn, cách sử dụng thuận tiện hơn sách giáo khoa xuất bản trước.

Trong trường hợp  đó, có thể các cơ sở giáo dục sẽ phải thay đổi hoặc bổ sung lựa chọn của mình.

Để học sinh không phải mua sách mới mà vẫn có sách mới hơn để học, trong lúc kinh phí từ ngân sách nhà nước không đủ để mua sách giáo khoa cho học sinh sử dụng tại lớp học như ở các nước phát triển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục vận động phụ huynh học sinh tặng lại sách giáo khoa đã sử dụng để xây dựng tủ sách giáo khoa cho các lớp.

Sau từ 3-5 năm, chắc chắn mỗi lớp sẽ có một tủ sách giáo khoa để học sinh sử dụng. Như vậy thì học sinh mới thật sự được sử dụng nhiều sách giáo khoa cho một môn học. Đồng thời, cũng không phải đem sách đi học hàng ngày.

Chỉ đạo dạy học và đánh giá kết quả học tập

Do các cơ sở giáo dục được quyền lựa chọn sách giáo khoa, trên cùng một địa bàn (quận, huyện, thị xã, thành phố) có thể có nhiều sách giáo khoa khác nhau được sử dụng.

Bao giờ áp dụng sách giáo khoa mới thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục

Công tác chỉ đạo dạy học và đánh giá kết quả học tập sẽ dựa trên yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực (chuẩn đầu ra) quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, chứ không dựa trên một quyển sách giáo khoa cụ thể như trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn và hướng dẫn, chủ đạo, để thực hiện được yêu cầu này.

(Còn nữa)

Tấn Tài