LTS: Sách giáo khoa rất cần thiết trong việc học tập của học sinh.
Việc làm sách như thế nào để tránh lãng phí và phù hợp với học sinh là chủ đề mà thầy giáo Nhật Duy sẽ chia sẻ trong bài viết sau đây.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời điểm này, nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu lo mua sách giáo khoa cho con em mình để chuẩn bị bước vào năm học mới.
Nhưng, bộ sách giáo khoa hiện nay giá bao nhiêu chắc chắn sẽ khó có một con số cụ thể và phụ huynh cũng khó mua được trọn bộ sách ở một nơi, nhất là sách giáo khoa cấp Tiểu học.
Bởi, ngoài sách giáo khoa ra thì còn nhiều quyển sách “con” nữa mà học sinh bắt buộc phải có.
Đó là chưa kể sách tiếng Anh cấp Tiểu học mỗi trường một kiểu; sách Mỹ thuật, Tin học cũng liên tục đổi thay.
Rốt cục, mua được bộ sách giáo khoa cho con đi học bây giờ cũng không hề đơn giản chút nào.
Nhiều phụ huynh đã chuẩn bị tìm mua sách cho con để bước vào năm học mới. Ảnh minh họa: Vương Thủy |
Sách mẹ, sách con, sách nào cũng cần thiết
Trong những ngày cận kề năm học mới, chúng tôi đi mua và tham khảo một số bộ sách giáo khoa phổ thông.
Điều mà chúng tôi nhận thấy là nếu chỉ mua mình sách giáo khoa theo môn học thì thực chất cũng không phải khó và nhiều tiền.
Chỉ dao động trên dưới 100 ngàn đồng/bộ sách đối với cấp Tiểu học, sách giáo khoa cấp 2, 3 thì khoảng trên dưới 200 ngàn đồng/bộ nhưng mà mua mình sách giáo khoa này thì lại không thể nào học được, thành ra phải mua thêm rất nhiều sách bài tập đi kèm mà thường sách này mới tốn tiền.
Chúng tôi đến một cửa hàng sách của người bạn học thời phổ thông để mua mấy bộ sách giáo khoa cho 2 đứa cháu của mình.
Người bạn tôi xởi lởi giới thiệu những bộ sách bán ở đây là đúng với sách nhà trường sẽ dạy bởi bạn tôi cũng là giáo viên và đã lấy danh mục sách của trường.
Trước những lời giới thiệu của bạn, chúng tôi mua 2 bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 8.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn xóa độc quyền sách giáo khoa, không khó |
Nhìn bạn đưa tờ hóa đơn là 848 ngàn đồng mà chúng tôi tá hỏa.
Chao ôi, chỉ mới 2 bộ sách mà lại còn thiếu sách tiếng Anh, Tin học mà giá cả đã kinh khủng đến vậy sao?
Chúng tôi lật bộ sách Tiếng Việt lớp 2 đã thấy có 6 quyển mà theo giới thiệu của bạn mình là bắt buộc phải có.
Cuốn sách này do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, giá tập 1 là 11.800 đồng, tập 2 là 11.200 đồng.
Vở bài tập Tiếng Việt cũng do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên có giá tương ứng 2 tập là 6.000 và 6.500 đồng.
Ngoài ra, còn thêm sách Ôn luyện và Kiểm tra tiếng Việt 2 tập có giá là 36.000 đồng.
Môn Toán lớp 2 do Phó Giáo sư Đỗ Đình Hoan chủ biên, giá mỗi tập sách là 10.800 đồng.
Quyển Bài tập thực hành tập 1+2 cũng do tác giả Đỗ Đình Hoan chủ biên có giá 48.000 đồng.
Và, quyển Ôn luyện và Kiểm tra Toán 2 tập có giá tương ứng là 16.500 (77 trang) và 17.500 (80 trang).
Sách Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực do tác giả Nguyễn Thị Nhung chủ biên giá 25.000 đồng (70 trang). Sách Kĩ năng sống 18.000 đồng…
Điều chúng tôi bất ngờ nhất là ở các cuốn vở tập viết có in dòng chữ ngay ở trang đầu như sau: “Mẫu kèm theo quyết định số 31/QĐ-BGD-ĐT ngày 14/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Phải chăng, dòng chữ này đã ngầm hiểu là sự bắt buộc cho các em học sinh phải mua mới học được bởi các quyển vở bài tập được in sẵn cỡ chữ và chữ mẫu?
Phải nói rằng sách giáo khoa hiện nay không biết mua như thế nào cho đúng.
Nếu mua một bộ sách như ở các cửa hàng sách, siêu thị đóng sẵn thì về kiểu gì cũng phải mua thêm một số quyển nữa theo quy định của nhà trường nhưng được cái là các cửa hàng này thường có chiết khấu khoảng 10-20 % cho khách mua.
Bộ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa, ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới? |
Mua ở trường, các cửa hàng nhỏ do các thầy cô trong trường bán, hoặc các cửa hàng gần trường thì được cái là sách đầy đủ theo đúng với sách nhà trường dạy nhưng thường bán nguyên giá.
Điều chúng tôi cảm thấy băn khoăn là tại sao các tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục lại không gộp chung vào 1 quyển sách (Sách giáo khoa+bài tập) cho từng môn mà cứ tách nhỏ nó ra để làm gì?
Bởi sau mỗi bài học, tác giả sách giáo khoa chỉ cần đưa ra bài tập rồi học sinh tự viết vào vở của mình.
Công việc này vừa giảm được chi phí cho phụ huynh mà điều quan trọng hơn là bắt buộc học sinh phải tự viết sẽ tạo cho các em có thêm tư duy và tự rèn luyện thêm chữ viết.
Đằng này, viết sẵn lại câu hỏi, gợi ý trả lời, thậm chí giải hẳn bài tập thì vô tình chỉ làm cho học sinh lười học, lười tư duy, lười suy nghĩ và máy móc chép lại.
Chỉnh sửa, bổ sung, tái bản và đội giá
Bên cạnh một số môn học mang tính cố định thì có nhiều cuốn sách giáo khoa hiện nay lại rất hay thay đổi, chỉnh sửa như môn Mỹ thuật, tiếng Anh (Tiểu học), Tin học (trung học cơ sở).
Có lẽ việc các môn học này thay đổi, chỉnh sửa cũng không phải là vấn đề quá quan trọng.
Nhưng, trong quá trình theo dõi một số môn học chúng tôi thấy có nhiều bất cập, nhất là chuyện giá cả của mỗi cuốn sách.
Chẳng hạn như sách tiếng Anh tiểu học hiện nay có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.
Ngay cả những trường cùng cấp học trong một địa bàn cũng không giống nhau.
Vì thế, sách giáo khoa mỗi nơi mỗi khác và giá cả cũng khác nhau. Có điều, sách giáo khoa tiếng Anh thường cao hơn nhiều so với các cuốn sách thông thường.
Chúng tôi so sánh 2 cuốn sách Tin học của lớp 9 và thấy có những điều nghi ngại.
Sách giáo khoa Tin học 9 xuất bản năm 2015 (tái bản lần thứ 6) có giá 25.500 đồng, sách giáo khoa Tin học 9 xuất bản năm 2017 (tái bản lần thứ 8) lại có giá 28.000 đồng.
Rõ ràng việc tái bản, chỉnh lý, bổ sung không chỉ khiến cho học sinh năm sau không học được sách năm trước mà giá cả cũng được đội lên.
Mỗi cuốn sách chỉ lên 2.500 đồng nhưng số học sinh lớp 9 cả nước có hàng triệu em học sinh thì số tiền đó cũng không hề nhỏ.
Hàng trăm bộ sách giáo khoa ở các nhà trường đang “ngủ đông”
Có một thực tế là trong khi mỗi năm cha mẹ các em học sinh đang bỏ rất nhiều tiền để mua sách giáo khoa cho con em mình học.
Đối với những gia đình khá giả thì không nói làm gì nhưng nếu những gia đình khó khăn, đang phải nuôi nhiều con ăn học thì tiền mua sách giáo khoa cũng tương đối lớn.
Nếu được trang bị đầy đủ sách học theo yêu cầu của nhà trường, thày cô thì những gia đình có 2 con đang học phổ thông cũng phải chi dao động từ 700.000 - 1 triệu đồng để mua sách giáo khoa.
Trong khi, các thư viện nhà trường thì có hàng trăm bộ sách giáo khoa chỉ để trang trí... cho đẹp. Đây là một sự lãng phí vô cùng.
Sách nhà trường cũng phải đầu tư tiền để mua rồi để “trang trí” trong khi nhiều học sinh nghèo lại cứ phải đi mua ở ngoài?
Điều trớ trêu là năm học 2019-2020 ở cấp Tiểu học, năm học 2020-2021 ở cấp trung học cơ sở, năm học 2021-2022 ở cấp Trung học phổ thông sẽ học chương trình phổ thông mới.
Những bộ sách giáo khoa hiện hành đương nhiên sẽ trở thành phế liệu bán mỗi kg chỉ vài ngàn đồng.
Vậy mà nhiều Ban giám hiệu nhà trường không tận dụng 1-2 năm còn lại cho học sinh mượn sách?
Câu chuyện sách giáo khoa đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mổ xẻ khá nhiều về lợi nhuận và ai sẽ hưởng những khoản lợi nhuận đó nên trong bài viết này chúng tôi không đề cập lại nữa.
Có điều, cứ đầu năm học thì phụ huynh phải chi rất nhiều tiền để mua sách cho con em mình.
Mỗi cuốn sách chứa đựng nhiều tri thức, nhiều lời hay, ý đẹp nhưng nó cũng chứa đựng vô vàn những điều bất cập mà không phải ai cũng tường tận vấn đề.