LTS: Với góp ý thẳng thắn của tác giả, loạt bài “Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo” nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả trong và ngoài nước.
Trong bài thứ 3 này, TS. Dương Xuân Thành chủ yếu nêu lên năng lực của cán bộ quản lí giáo dục với mong muốn ngành giáo dục có thể lựa chọn được những người tài để điều hành ngành luôn được coi trọng là “Quốc sách hàng đầu”.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này.
Phân mảnh quản lý – định hướng ngược ở tầm vĩ mô
Nói đến công tác quản lý giáo dục người ta thường nghĩ ngay đến Bộ GD&ĐT, điều này chỉ đúng một phần.
Như đã nêu trong mục 1, tâm lý tiểu nông đã khiến mảng giáo dục đại học bị phân chia thành những “mảnh đất 5% phần trăm” của các bộ, ngành, địa phương, thậm chí các tổ chức đoàn thể xã hội (Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn…) cũng có trường đại học của riêng mình.
Xu hướng cát cứ này đang có chiều hướng gia tăng khi gần đây Học viện Nông Nghiệp Việt Nam được chuyển giao về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Nền Giáo dục nước nhà bị chi phối bởi nhiều đạo luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, chưa kể vô số văn bản dưới luật. Vì Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp đều do Quốc hội ban hành nên không thể xem đó là “luật con” của Luật Giáo dục.
Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo |
Luật giáo dục 2005 có 120 điều, Luật Giáo dục Đại học 2012 có 72 điều, Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 có 79 điều. Cả ba luật này có 271 điều trong khi dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi có 712 điều, Luật Hình sự có 344 điều, Luật Tố tụng Hình sự có 346 điều,…
Ghép cả ba luật liên quan đến giáo dục đào tạo thành một luật giáo dục duy nhất chắc chắn sẽ loại bỏ được sự chồng chéo, bất cập mà những đơn vị soạn thảo đã đưa vào luật theo ý muốn chủ quan của mình.
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Một cách cơ học, chắc chắn Luật Giáo dục tổng hợp sẽ không nhiều đến 271 điều. Không nên để quá trình làm luật bị chi phối bởi lợi ích của bất kỳ “nhóm lợi ích nào”.
Vai trò và năng lực lãnh đạo cá nhân
Một trong những vấn đề bị người dân, truyền thông và các vị lãnh đạo cao cấp phê phán nhiều là năng lực quản lý, điều hành của cán bộ, chuyên viên cơ quan Bộ GD&ĐT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng đề nghị “đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới tại chính cơ quan Bộ GD&ĐT”.
Những vấn đề như dự án sách giáo khoa 34.000 tỷ, cộng điểm cho đối tượng ưu tiên…tuy được dư luận mổ xẻ nhưng thực ra đó không phải là vấn đề trọng yếu.
Hai điều mà người viết cho là thất bại của chỉ đạo điều hành giáo dục mấy chục năm qua, đó là các “thí nghiệm” đổi mới giáo dục thể hiện qua đổi mới cách viết chữ Việt và cách phát âm các vần tiếng Việt.
Tác giả chân thành cảm ơn TS. Đặng Văn Định, Trưởng ban Ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã góp nhiều ý kiến quý báu cho bài viết. |
Cách viết chữ Việt theo kiểu chữ trong bản vẽ kỹ thuật đã bị lên án mạnh mẽ, đã bị loại bỏ song không ai chịu trách nhiệm ngoại trừ những đối tượng được “thí nghiệm” học cách viết này.
Cách phát âm các vần thì vẫn được tiếp tục “đổi mới”. Dù là cách đánh vần từ những năm 50 của thế kỷ trước hay cách đánh vần trong sách Công nghệ tiếng Việt hiện nay thì cuối cùng tất cả các từ tiếng Việt vẫn phát âm như nhau.
Ngày xưa đọc là “a (a), bê (b) xê (c)”, ngày nay là “a (a), bờ (b), cờ (c)”, dù có thay đổi cách phát âm thì người ta vẫn nói “xếp thứ tự theo vần a, bê, xê” chứ không ai nói “xếp thứ tự theo vần a, bờ, cờ”.
Ngày xưa đánh vần “Bê ô bô sắc bố”, ngày nay là “bờ ô bô sắc bố”, cuối cùng chẳng ai phát âm từ “bố” thành “ba” hay “mẹ”. Xin nhấn mạnh là không có bất kỳ sự thay đổi nào trong cách phát âm các từ tiếng Việt, vậy thì tại sao lại cần đổi mới?
Một điều đang được dư luận phản biện mạnh là quy định môn Lịch sử là môn tự chọn trong Dự thảo chương trình giáo dục tổng thể. Đa số quan điểm cho rằng đây là một chủ trương sai lầm của bộ phận soạn thảo đề cương, mà trách nhiệm chính là lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Người viết đã nhiều lần phản đối quan điểm xem nhẹ môn Lịch sử qua các bài viết: “Lịch sử và... trò bốc thăm may rủi” [4]; Lịch sử và nghịch lý “trái tim bên trái” [5].
Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo- Bài 2 |
Tiếc rằng ý kiến của truyền thông , của các nhà sử học không lay động được “quyết tâm” hạ thấp vai trò môn học Lịch sử của những người chịu trách nhiệm hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, có những vấn đề rất cần đổi mới thì Bộ GD&ĐT lại tỏ ra thiếu kiên quyết như quá trình tự chủ đại học, tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường CĐ, ĐH hay quá trình xây dựng các luật liên quan đến giáo dục. Có phải “đổi mới” chỉ vì cần phải có cái gì đó để gọi là “mới” chứ không phải cần “đúng”?
Trong khi Hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam có khá nhiều ý kiến, thậm chí là gay gắt về một số điều trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì dư luận rất ngạc nhiên khi Bộ GD&ĐT gần như không phát biểu công khai, xem như không liên quan đến mình?
Cơ chế xin cho và đạo đức cán bộ
Với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, có thể nêu rất nhiều dẫn chứng khẳng định, rằng Bộ GD&ĐT đang buông lỏng quản lý, không dám xử lý quyết liệt các sai phạm liên quan đến cán bộ, chuyên viên của Bộ cũng như lãnh đạo các trường CĐ, ĐH.
Có biểu hiện bao che cho chuyên viên Bộ làm trái pháp luật trong công tác thanh tra, xét duyệt tự chủ tuyển sinh, về điều này, người viết đã đề cập trong một số bài báo [6], [7], [8],…
Bằng cơ chế xin-cho, bằng cách xử lý nương nhẹ các sai phạm, Bộ GD&ĐT đang tạo điều kiện cho các trường công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu, vượt quá khả năng đào tạo dẫn tới nhiều trường không còn thí sinh để tuyển?
Bộ cũng đang làm ngơ để tình trạng thiếu thầy đang tràn lan ở khối trường công lập, thậm chí ngay một số trường trọng điểm quốc gia chứ không phải chỉ các trường ngoài công lập.
Chỉ cần xem bảng quyết toán tiền dạy ngoài giờ của giảng viên các trường, chỉ cần xem tại các trường công lập sinh viên phải học và thi vào buổi tối vì thiếu giảng đường là có thể đánh giá thực trạng, tại sao Bộ không làm?
Không ít chủ trương của Bộ GD&ĐT thực hiện theo kiểu đánh trống bỏ dùi, điều này có thể thấy rõ qua chủ trương “3 công khai”. Trong việc công khai đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nhiều trường công lập đưa giáo viên thỉnh giảng vào danh sách giảng viên để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong bài “Có người bảo ngành giáo dục rất ‘dại’" đăng ngày 25/7/2013 trên Vietnamnet.vn [2] người viết đã nêu một vài số liệu dẫn chứng, ví dụ ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển gấp đôi chỉ tiêu; ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tuyển vượt chỉ tiêu 34.042 người; ĐH Kinh Tế TP Hồ Chí Minh tuyển vượt chỉ tiêu 13.393 người…
Kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2015 tình trạng “vét” thí sinh vẫn không thay đổi, liệu Bộ GD&ĐT có thể khẳng định các trường CĐ, ĐH đã thực hiện đúng “3 công khai”? Phải chăng Bộ đang chờ để có lý do “xử phạt” các trường vi phạm?
Có thể thấy Bộ GD&ĐT đang tận dụng tối đa cơ chế “xin-cho” qua việc cho phép các trường CĐ, ĐH tuyển vượt dưới 15% chỉ tiêu đã đăng ký trong khi chẳng trường nào lại không đăng ký chỉ tiêu vượt khả năng thực tế của mình.
Năng lực dự báo
Có thể thấy đây là khâu yếu mang lại hậu quả tai hại nhất cho đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê [10] số lượng học sinh liên tục giảm, năm 2001-2002 có gần 18 triệu, năm học 2013-2014 còn khoảng 14,8 triệu trong khi đó lượng giáo viên năm học 1995-1996 là 492.000 người đến năm học 2013-2014 là 855.000 người. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, đến thời điểm hiện nay, cả nước đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT.
Không thể dự báo nhu cầu nhân lực của nền kinh tế chưa hẳn là lỗi của riêng ngành Giáo dục, tuy nhiên trong nội bộ ngành cũng không dự báo được nhu cầu giáo viên thì đó chỉ có thể là sự yếu kém của đội ngũ chuyên viên nghiên cứu.
Những dự báo của ngành tư vấn cho Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật về tỷ lệ sinh viên ngoài công lập, quy hoạch mạng lưới các trường CĐ, ĐH… có thể xem là một thất bại.
Kỳ thi quốc gia và việc tổ chức tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2015 cũng không dự báo được những bất cập khiến cả xã hội lo lắng, khiến Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm…
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy nguyên nhân của các nguyên nhân nằm ở con người, ở đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên ngành Giáo dục. Không ít cán bộ có vấn đề cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn tâm đức đang khiến Giáo dục trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Có thể vấn đề của ngành Giáo dục cũng là vấn đề của các ngành khác, dù tồn tại “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, cục bộ, tham nhũng…” nhưng vẫn không biết “nằm ở đâu”. Tuy nhiên nếu Giáo dục không biết tự làm trong sạch mình trước thì sẽ đi dạy ai, bảo ai?
Để kết thúc, người viết cho rằng sự thay đổi tư duy giáo dục ở thượng tầng là rất quan trọng, nhưng nếu không thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành, không thay đổi các cá nhân chịu trách nhiệm, khó mà có thể đưa giáo dục thoát khỏi tình trạng tụt hậu.
Tài liệu trích dẫn:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/121955/-hoa-thom--moi-bo--nganh-huong-mot-ty-.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132557/co-nguoi-bao-nganh-giao-duc-rat--dai-.html
[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/138604/hoc-de-lam------ong-no--ba-kia--.html
[4]http://tuanvietnam.net/2013-04-17-lich-su-va-tro-boc-tham-may-rui
[5]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lich-su-va-nghich-ly-trai-tim-ben-trai-post140973.gd
[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd
[7] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/69856/lam--sach--cac-truong-mang-ten-bac-tien-hien.html
[8] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Lieu-co-ton-tai-tieu-chuan-kep-trong-cong-tac-quan-ly-cua-Bo-GDDT-post148255.gd
[9] http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thua-hang-chuc-ngan-giao-vien-522946.html