Trong tâm trí nhiều thế hệ học trò Thủ đô luôn tự hào về những ngôi trường “kinh điển” như Chu Văn An, Trưng Vương, Trường Phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam… đã trở thành niềm mơ ước của gia đình và các cô cậu học trò nhiều đam mê, khát vọng.
Thầy Văn Như Cương - người Thầy lớn của nhiều thế hệ học trò. Ảnh: LTV. |
Ngoài ra, càng ngày càng có nhiều phụ huynh học sinh lựa chọn những ngôi trường ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục) cho con mình vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, chương trình học hướng tới giáo dục phát triển năng lực toàn diện: Điều kiện cơ sở vật chất tốt của các trường ngoài công lập, đặc biệt là nhóm trường như Marie Curie, Wellsping, Newton, Olympia, Pascal… giúp cho việc học hành của trẻ ở trường cả ngày không trở thành gánh nặng.
Học sinh được tăng cường học Toán, Tiếng Việt, Ngữ văn, Tiếng Anh khá nhiều nhưng đồng thời cũng được tham gia rất nhiều hoạt động thuộc các lĩnh vực Giáo dục thể chất, Giáo dục nghệ thuật, các câu lạc bộ và các Dự án học tập trải nghiệm thường kỳ trong chương trình nhà trường.
Chính vì thế, việc học tập trở nên hứng thú, đem lại niềm vui, giảm áp lực cho các con nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.
Thầy Tùng Lâm cùng học trò ở ngôi trường không có học trò “cá biệt”. Ảnh: trường Đinh Tiên Hoàng. |
Thứ hai, chuẩn đầu ra của môn Tiếng Anh được cam kết tiếp cận và đạt chuẩn quốc tế: Rào cản ngôn ngữ không còn là vấn đề nếu học sinh theo học chương trình Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, nhà trường có thể đăng ký cho học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế đạt chuẩn IELTS, TOEFL, SAT…
Con đường hội nhập quốc tế và hướng tới các chuẩn đầu ra mang tính toàn cầu không phải quá xa lạ với học sinh tại các ngôi trường này.
Đó cũng là con đường tiết kiệm được kinh phí nếu học sinh muốn đi du học, vì khi đạt các chuẩn này ở mức cao, học sinh hoàn toàn có cơ hội được tài trợ từ 60 - 100% kinh phí học đại học tại Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển khác.
Những gương mặt toán học xuất sắc của khối Tiểu học - Newton giành giải Vàng kỳ thi Toán SASMO 2018. Ảnh: ngs. |
Tuy nhiên, cùng với con sóng của thời kỳ “thị trường hóa”, giáo dục cũng bị cuốn theo. Có những doanh nghiệp đổ tiền vào xây trường và làm giáo dục với mức học phí “khủng” cho dù chưa có thương hiệu.
Có những nhà đầu tư xem trường học như miếng mồi béo bở, khi không đạt được mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận thì sẵn sàng “đạp đổ” và “ném đá” vào giáo dục nhưng vẫn mượn chiêu bài vì giáo dục… Gần đây nhất là câu chuyện "trường ma” bị gắn vào chương trình GWIS và chiêu trò phát tờ rơi ở cổng trường Newton.
Tất cả những câu chuyện đó đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của học sinh và phụ huynh, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Ngoài học tập, trường tư thục còn rất chú trọng tới hoạt động thể chất cho học sinh. |
Phải chăng, đã đến lúc cần rà soát và kiểm soát thật kỹ tư cách và năng lực của những người đứng ra mở trường để tránh tình trạng núp bóng giáo dục, núp bóng học trò (trẻ thơ vô tội) và giáo viên (những người ngày đêm tận tâm với nghề) để trục lợi bất chính.
Đã đến lúc Nhà nước cần có chế tài và kiểm soát chặt chẽ việc ai được quyền bỏ tiền đầu tư giáo dục, ai được quyền giao đất mở trường để tránh những tiêu cực làm xấu mái trường.
Những giá trị của giáo dục chỉ có chất lượng dưới những mái trường thực sự, đừng để giáo dục của Thủ đô trở thành một cái chợ lớn.
Cần lắm một chính sách thật công bằng và minh bạch đối với các trường ngoài công lập tại Thủ đô để giữ vững truyền thống, giá trị giáo dục và không làm xấu hình ảnh những ngôi trường này.