Ngày 26/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp.
Tại hội thảo lần này, nhiều đại biểu đã phát biểu và chỉ ra những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay đối với các trường tư thục.
Đặc biệt là câu chuyện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định bắt buộc các trường tư thục chỉ được tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 cùng thời gian với các trường công lập.
Những quy định “trói chân” này đã hạn chế quyền tự chủ và cản bước sự phát triển của các trường tư thục, đi ngược lại nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.
Phát biểu thẳng thắn tại hội nghị, nhiều lãnh đạo trường tư thục cho rằng trường họ chấp nhận nộp phạt để “vượt rào” quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tuyển sinh đầu cấp.
Lý do là quy định về tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không phù hợp nhu cầu của phụ huynh học sinh.
“Vì phụ huynh, vì học sinh, trường tôi sẵn sàng hy sinh, chấp nhận kỷ luật” – một lãnh đạo trường tư thục khẳng định.
Bà Ngô Thị Minh cho rằng: "Đã có nhiều mắt xích trong quá trình đổi mới về phát triển toàn diện giáo dục mãi không được tháo gỡ" - ảnh Lại Cường. |
Sau khi ghi nhận những phản ánh, nguyện vọng của các trường tư thục, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với những khó khăn mà các trường ngoài công lập đang gặp phải.
Bà Ngô Thị Minh cho rằng: “Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, cũng như Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định đổi mới nhằm tạo điều kiện cho xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục ngoài công lập.
Nhưng trên thực tế đã có nhiều mắt xích trong quá trình đổi mới về phát triển toàn diện giáo dục mãi không được tháo gỡ. Cứ tiếp tục tạo ra các nút thắt như thế này thì thực sự rất là mệt mỏi”.
Phân tích sâu hơn, theo bà Ngô Thị Minh: “Sở dĩ nói là mệt mỏi là vì chủ trương ở trên là tạo điều kiện phát triển trường tư thục tuy nhiên hiện đang có chủ trương mang tính kéo lùi sự phát triển.
Tuyển sinh đầu cấp đã tạo nên áp lực rất lớn tại nhiều địa phương trong đó có Hà Nội. Nhưng tại sao lại có quy định tuyển đầu vào cả công lập và tư thục cùng một thời điểm.
Tôi cho rằng, việc đồng loạt tuyển sinh như vậy sẽ gây rất nhiều trở ngại khó khăn cho người dân”.
Chia sẻ thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Khi nắm bắt được thông tin, tôi có trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Hữu Độ và nhận được lời hứa sẽ thay đổi.
Tôi không biết rồi đây sẽ thay đổi như thế nào nhưng chắc chắn rằng không thể để tuyển sinh cùng một thời điểm như hiện nay được nữa”.
Chia sẻ thêm về lý do không thể để tuyển sinh đầu cấp trong cùng một thời điểm như hiện nay, bà Ngô Thị Minh cho rằng: “Căn cứ vào quyền trẻ em, quyền người học, quyền công dân và Nghị quyết 29 của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục;
Đồng thời, căn cứ vào nguyện vọng của phụ huynh học sinh… và những ý kiến tâm huyết của các thầy cô trong hội thảo lần này nên cần thiết phải tìm cách tháo gỡ vấn đề tuyển sinh đầu cấp như hiện nay”.
Ngày nào còn định kiến với trường tư, giáo dục Hà Nội khó cất cánh |
Qua ý kiến phát biểu của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, có thể thấy rằng trường tư thục có vai trò rất lớn trong sự nghiệp trồng người.
Các lãnh đạo trường tư thục có tâm huyết và kinh nghiệm cần thiết phải có những đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách tốt hơn nữa nhằm tạo điều kiện để trường tư thục phát triển và góp phần giải quyết những áp lực mà giáo dục công lập đang đối mặt.
“Nếu đánh giá đúng vai trò của các trường tư thục thì ngân sách nhà nước hiện đã không quá tải, áp lực về sỉ số học sinh, áp lực giảng dạy của giáo viên đã không lớn như bây giờ.
Cần thiết phải tìm ra các nút thắt để tháo gỡ bởi đang có nhiều chính sách giáo dục bị méo mó. Tuyển sinh là một trong những mắt xích quan trọng. Không thể để những khó khăn như cánh tuyển sinh đang rộng thì lại bó hẹp lại”, bà Minh nhấn mạnh.