Tìm hiểu về một số nhà giáo yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX

13/02/2016 08:27
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Trong lịch sử đấu tranh kiên cường và bất khuất chống thực dân Pháp của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX, chúng ta luôn luôn thấy sự có mặt của các nhà giáo.

LTS: Trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam, có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó người thầy giáo Việt Nam luôn là những người tiêu biểu. Họ không chỉ là nhà giáo mà còn là một nhà yêu nước. Hoạt động dạy học của họ thường gắn liền với hoạt động cách mạng. 

Trong bài viết này, Đại tá Đặng Việt Thủy giới thiệu cùng bạn đọc một số nhà giáo yêu nước của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần căm thù giặc sâu sắc, các nhà giáo đã là những chiến sĩ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, khi thì chiến đấu bằng gươm súng, khi thì chiến đấu bằng bút, bằng mưu lược, giương cao ngọn cờ cứu nước.

Tấm gương của các nhà giáo miền Nam 

Nhà giáo Nguyễn Thông, quê Tân Thạnh, Gia Định. Trước năm 1856 làm huấn đạo huyện Phong Phú, tỉnh An Giang, từ 1856 đến 1859 về soạn sách “Nhân sự kim giám”, ở Huế khi được tin Pháp chiếm Gia Định đã xếp bút nghiên xin xung vào quân đội của triều đình về Nam Bộ đánh giặc. 

Ông liên lạc với các lãnh tụ nghĩa quân đặc biệt là Trương Công Định. Sau Hiệp ước 1862, ông về làm đốc học tỉnh Vĩnh Long, vừa làm công tác giáo dục vừa theo dõi những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta ở 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ. 

Năm 1867, khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền miền tây Nam Kỳ, ông rút ra miền Trung tổ chức những trang trại như “Đông châu xã” để thu nạp những nghĩa sĩ không hợp tác với giặc rút từ Nam Kỳ ra. 

Ông thủy chung thiết tha với vận mệnh của Tổ quốc nên khi ở miền Trung, kể cả trong thời gian dài làm đốc học Bình Thuận, Tế tửu trường Quốc Tử Giám vẫn luôn luôn suy nghĩ tìm kế giải nguy cho đất nước:

Chỉ lưu ca khóc người Yên, Triệu 
Lửa nóng sôi lòng tóc nhuộm sương


(Thơ gửi cho bạn Bùi Bá Xương)

Ông là người đã viết lại sự tích các nghĩa sĩ kháng Pháp đầu tiên của Nam Kỳ như Phan Văn Đạt, Trương Công Định, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Văn Lịch, Đỗ Trinh Thoại... trong tác phẩm “Kỳ xuyên văn sao”.

Nhà giáo Hồ Huân Nghiệp người làng An Định, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định làm lều bên mồ cha dạy học trò ba năm trước năm 1859. 

Khi Trương Công Định khởi nghĩa đóng quân ở Tân Hòa, hỏi các nhân sĩ để định kế hoạch, ông đã đến gặp Trương Định và tham gia khởi nghĩa, chuyên việc điều động binh lính, lương thực tiếp tế cho nghĩa quân. 

Giặc Pháp bắt được ông tháng 4/1864, tra hỏi ông nhưng ông không hề khai một tiếng. Giặc đưa máy chém ra và cho một vị cố đạo rất giỏi chữ Hán đến dụ dỗ nhưng ông không chịu khuất phục. 

Đến lúc sắp phải hành hình, ông ung dung đọc 4 câu thơ rồi giơ đầu chịu chém một cách anh dũng. Trong thơ có câu:

Phải giữ trọn điều trung hiếu để làm người con trai tốt
Thân này sống hay chết chẳng còn kể làm gì
”.

Nguyễn Hữu Huân là nhà giáo yêu nước kiệt hiệt nhất của giai đoạn kháng Pháp đầu tiên ở Nam Kỳ. 

Ông người làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), làm chức giáo thụ huyện Kiến Hưng. 

Khi giặc Pháp bắt đầu xâm lược Nam Kỳ, ông đứng ra mộ quân khởi nghĩa chống giặc trên một địa bàn rộng lớn từ Tân An đến Mỹ Tho. 

Trước sau ông bị bắt đến ba lần nhưng khi được thả ra lại tiếp tục mộ quân chiến đấu chống quân thù đến giọt máu cuối cùng. Giặc Pháp muốn dụ hàng ông, cho tên Đỗ Hữu Phương (sau làm tổng đốc), tay sai đắc lực cho chúng, rước ông về lấy tình trò cũ mời ông ngồi chiếu bông, gối dựa, thết tiệc rượu trà rất trọng hậu, cố tình van lơn xin ông “ừ” cho một tiếng là quyền cao lộc hậu sẵn sàng đem lại. 

Nhưng thực dân Pháp và Đỗ Hữu Phương đã tốn công vô ích, ông vẫn kiên quyết đấu tranh, không khuất phục.

Lần bị bắt thứ hai, bị đầy ra đảo Buốc bông (tức đảo Rê-uy-ni-ông) khi lên đường, ông ngâm mấy vần thơ lưu biệt:

Mấy hồi tên đạn ra tay thử

Ngàn dặm non sông dạo gót chơi

Chén rượu tân đình nào luận tiệc

Câu thơ cố quốc chẳng ra lời

Cương thường bởi biết nên mang nặng

Hổ đứng làm trai chác nợ đời
".

Sau bảy năm bị tù đầy trở về, người thầy giáo kiên cường của đất Định Tường lại khởi nghĩa. Kế hoạch bị thất bại, ông bị địch bắt đưa về xử tử ở quê nhà. Khí phách oanh liệt của ông đã giữ nguyên vẹn đến giờ phút cuối cùng. 

Ngày bị chém, giặc đóng gông ông lại bắt ngồi trên mũi thuyền chở từ nhà ngục đến chợ Thân trong là bãi chém. Thuyền đi đến đâu giặc cho đánh trống phách vang lừng đến đấy để cổ động dân chúng ra xem cốt gây một làn không khí khủng bố rộng rãi. 

Nhưng nhà giáo yêu nước Nguyễn Hữu Huân đã làm cho âm mưu giặc bị thất bại bằng cách ung dung ngồi đọc thơ cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng, ông đọc bài thơ “Mang gông”:

Hai bên thiên hạ thấy hay không?

Một gánh cang thường há phải gông
!”

Tìm hiểu về một số nhà giáo yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX (Ảnh: phapluattp.vn)
Tìm hiểu về một số nhà giáo yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX (Ảnh: phapluattp.vn)

Trong số những thầy giáo yêu nước không có điều kiện đánh giặc bằng súng gươm mà đánh giặc bằng bút, bằng thái độ không hợp tác thời kỳ Nam Kỳ kháng Pháp lúc ban đầu ta thấy nổi bật lên như một vì sao sáng ngời Nguyễn Đình Chiểu tức Đồ Chiểu. 

Văn thơ của thầy Đồ Chiểu đã thâm nhập vào quần chúng, gây tác động mạnh đối với hành động yêu nước của nhân dân, tạo ra một tinh thần kháng Pháp mạnh mẽ. 

Bằng việc đề cao tinh thần anh dũng của nghĩa binh Cần Giuộc, nghĩa binh lục tỉnh, ông đã động viên được nhiều người đặc biệt là nông dân noi gương anh dũng ấy đứng lên cầm súng gươm chống quân thù, xả thân vì sự nghiệp cứu nước. Người dân nào mà không cảm thấy bầu máu của mình sôi sục khi được đọc hoặc nghe lời văn của thầy Đồ Chiểu:

Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;

Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang báo tấu bầu ngòi.

Trong tay cầm ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ,

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia

Gươm đao dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
.."

Lòng yêu nước của thầy Đồ Chiểu xuất phát từ quan điểm trung, hiếu, tiết nghĩa phong kiến đã có sự chuyển biến thích hợp với thời cuộc. Đây không phải chỉ là trung với vua “sống thờ vua, thác cũng thờ vua” mà phần nào đã là “trung với nước”.

Tấm gương của các nhà giáo miền Bắc


Ở ngoài Bắc, lòng yêu nước của các nhà giáo đứng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp cũng đã được thể hiện một cách rất rõ rệt ngay từ khi Pháp đánh Đà Nẵng. 

Mặc dù đường sá cách trở và đặc biệt là tính chất phản động của chính quyền triều Nguyễn, một số nhà giáo ở miền Bắc cũng đã xếp bút nghiên lên đường xin đi đánh giặc cứu nước. 

Thầy giáo Phạm Văn Nghị người xã Tam Đăng, huyện Đại An (nay là thôn Tam Quang, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang làm đốc học Nam Định, thầy học của Tống Duy Tân, Nguyễn Khuyến, đã cùng học trò và các nhân sĩ yêu nước tổ chức thành đội quân nghĩa dũng gồm 400 người đi bộ vào Huế xin được vào Nam đánh giặc. 

Cuộc hành quân vào Trà Sơn của ông cuối năm 1858 đã bị vua nhà Nguyễn ngăn lại nhưng tinh thần yêu nước của ông rất cao:

Căm hờn mắt thấy giặc cướp đến đóng Trà Sơn,

Trà Sơn ngày nay mây mù ngoài bể đã tiêu tan

Kẻ sĩ có lòng khẳng khái muốn tiến ra mặt trận

Tấm lòng ngay thẳng chưa hề nguội lạnh
”.

Giống như thầy Đồ Chiểu ở trong Nam, thầy Đồ Nghị (Phạm Văn Nghị) ở ngoài Bắc cũng xuất phát từ quan niệm trung, hiếu, tiết, nghĩa phong kiến để đến với chủ nghĩa yêu nước.

Thực dân Pháp sau khi củng cố xong thế lực ở miền Nam bắt đầu tiến ra miền Bắc. Thầy Đồ Nghị, đốc học kiêm hải phòng sứ Nam Định, khác với bọn quan lại nhiều tỉnh lúc này ươn hèn chạy giặc, đã dùng danh nghĩa của mình mộ quân ở hai huyện Vọng  Doanh, Vụ Bản và vùng Ninh Bình kiên quyết đánh giặc.

Thầy giáo Phạm Văn Nghị đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung” chống giặc. Lực lượng nghĩa quân do thầy lãnh đạo ở khắp nơi lúc đó đã gây cho giặc nhiều khốn đốn khiến giặc phải bàn đến việc rút lui. 

Nhưng triều đình Nguyễn hèn nhát, đang lúc thắng lợi, lại ra lệnh ngừng tấn công, ký kết với giặc. Thầy Đồ Nghị bực tức vì thời thế, bỏ về ở ẩn tại Hoa Lư dạy học. Nhiều người học trò của thầy lại tiếp tục ý chí chiến đấu chống giặc của thầy sau này.

Năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai và sau đó năm 1883 nhà Nguyễn đầu hàng, ký hàng ước công nhận nền bảo hộ của thực dân Pháp. 

Sau khi Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, nhiều thầy giáo và học sinh đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người cầm đầu chống Pháp ở khắp mọi nơi. Những thầy giáo lãnh tụ nghĩa quân có tiếng nhất thời kỳ này là Nguyễn Xuân Ôn, Tống Duy Tân. 

Ngoài ra còn hàng trăm, hàng nghìn thầy giáo khác ở các địa phương nhất là thuộc vùng Nghệ Tĩnh cũng đứng lên làm nhiệm vụ chống giặc cứu nước. 
Đó là không kể những nhà Nho, những “văn thân” người trong làng “khoa bảng”, ít nhiều có tham gia dạy học nhưng chủ yếu là giữ các chức quan của triều đình như Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích…

Nhà giáo Nguyễn Văn Ôn người xã Lương Điền, huyện Đông Thành (Diễn Châu - Nghệ An) đã từng làm đốc học Bình Định. 

Là một nhà giáo phong kiến nhưng trước vận nước nguy nan, ông có quan điểm khác người. Sau nhiều lần đề nghị triều đình sửa sang việc nước nhưng bị triều đình khước từ, ông cáo quan về nhà tìm cách cứu nước. 

Ông đã kịch liệt phê phán triều đình - điều mà bọn quan lại đương thời không dám làm - về những việc bày ra tế lễ tốn kém vô ích trong lúc giặc đã ở ngay trước cửa:

Khư khư bày ra lễ cốc sóc thật là uổng công

Thành quách và nhân dân phần nửa đã không như trước.

Giết dê dâng rượu, dân có vui gì

Voi còn vứt chén loài vật cũng biết đau thương

Được làm cái trong cung cười nói xem ra vui vẻ lắm

Trước sân lom khom quỳ lạy làm cái trò gì
”.

(Lễ cáo ngày mồng một
)

Khi có chiếu Cần Vương, Nguyễn Xuân Ôn mộ nghĩa quân kháng Pháp ở Nghệ An, ông tỏ ra có tinh thần chiến đấu rất cao:

Thân này nào quản vinh hay nhục

Lòng son giết giặc chết không phai”


(Thuật hoài)

Năm 1887 ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Nghệ An rồi giải vào Huế và mất ở đây năm 1889.

Nhà giáo Tống Duy Tân người làng Đông Biện (Bồng Trung) huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nguyên học trò Phạm Văn Nghị, có một thời gian khá dài làm đốc học Thanh Hóa. Ông là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886-1892). 

Khi phong trào Cần Vương nổ ra, ông phất cờ khởi nghĩa ở Nông Cống cùng với Cao Điền và con trai là Tống Duy Mai chống Pháp. 

Qua sáu năm chiến đấu anh dũng, ông đã lãnh đạo nghĩa quân đánh địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề ở nhiều trận lớn như trận Vân Đồn (phía Bắc núi Nưa), Vạn Lai, Yên Lược. 

Ông đã tuyên truyền ngụy binh trở về với nhân dân một cách tích cực. Nhưng nghĩa quân dần dần bị lâm vào thế thủ và năm 1892 ông đã bị bắt đưa về Thanh Hóa và bị kết án tử hình. Ông đã ung dung đón nhận cái chết trước mặt quân thù.

Các nhà giáo yêu nước trong giai đoạn từ khi Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam đến cuối thế kỷ XIX là những tấm gương sáng của dân tộc. 

Họ đã chống lại ý thức hệ phong kiến, chống lại triều đình đầu hàng, chống lại đại bộ phận giai cấp phong kiến ươn hèn.

Họ đã chiến đấu vì dân vì nước, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của họ  sống mãi với non sông, đất nước ta.

Đại tá Đặng Việt Thủy