LTS: Trong khi câu chuyện về kỷ luật học đường đang nóng lên trên các diễn đàn, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ câu chuyện của mình về cách giáo dục học sinh như thế nào.
Theo đó, để giúp các học sinh ngoan và nề nếp hơn, cô Phan Tuyết đã có buổi trao đổi, trò chuyện với phụ huynh để cùng thống nhất cách giáo dục và áp dụng kỷ luật với học trò.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Rời ngôi trường tôi đã từng dạy bao năm về nơi mới không kém phần xa lạ. Học sinh trường mới nơi tôi dạy chủ yếu con nhà nông dân lao động nghèo.
Phần lớn các em đều ngoan hiền dễ bảo. Nhưng trong mỗi lớp vẫn có một số em ham chơi, lì lợm và thiếu tính kĩ luật.
Có bạn đồng nghiệp căn dặn: “Có một số phụ huynh cưng con và rất nóng tính.
Dù con họ hư thế nào, lười học ra sao nhưng giáo viên phạt roi dù chỉ là cây thước nhỏ vào tay cho nhớ, thậm chí chỉ la rầy các em, họ cũng vô cùng khó chịu.
Đã có người đến thẳng trường để làm ầm lên, nên phải hết sức cẩn thận”.
Để học trò đi vào nề nếp, cô giáo cần nói chuyện chân thành với phụ huynh để thống nhất việc giáo dục học trò. (Ảnh minh hoạ trên Báo Nhân Dân) |
Vốn là giáo viên rất nghiêm khắc nên tôi cũng sợ mình trong lúc học sinh không nghe lời lại dùng đến đòn roi thì rắc rối. Mang theo lời nhắc nhở của bạn để luôn căn dặn mình.
Tôi được phân công dạy 4 lớp ở 2 khối. Học trò dù nhỏ nhưng cũng đã có những chiêu trò để đối phó với giáo viên.
Chúng học với thầy cô chủ nhiệm còn tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời nhưng thầy cô dạy dự khuyết chúng thường rất nhờn mặt.
Vào lớp dạy, có hôm phải ổn định lớp đến mươi phút mới bắt đầu được tiết học. Nhưng trong giờ, luôn phải ngắt quãng giữa chừng vì nhiều em gây mất trật tự.
Một lớp chỉ cần vài em không nghe lời, thầy cô đã thấy “điên cái đầu”. Khổ nhất phải là những học sinh chăm ngoan, muốn học nhưng lại bị bạn quậy phá.
Những trò phá bĩnh trong lớp thường là giật bút của bạn, quăng sách, giật tóc, véo tai, kéo má, nói chuyện, quay bài, chạy khỏi chỗ…
Cấm pháo, tôi đốt luôn trước mặt Ban giám hiệu, nhưng kỷ luật đã cứu vớt tôi |
Tôi cũng đã thử đủ mọi cách như thưởng quà cho những học sinh ngoan, những em chăm học, những học sinh có tiến bộ, cử một số em lì làm nhóm trưởng để khuyến khích động viên các em có trách nhiệm… nhưng rốt cuộc cũng chẳng ăn thua gì.
Nói ngon ngọt, dỗ dành nhiều khi cũng chẳng tác dụng.
Nhưng dùng những biện pháp rắn hơn như quất cho vài roi, tôi lại thấy chờn chợn với lời cảnh báo của đồng nghiệp nơi đây “Đã có phụ huynh lên báo Hiệu trưởng vì con họ bị cô đánh đòn”.
Những tiết học cứ nặng nề như thế trôi qua và tôi hiểu không chỉ những em hay nghịch ngợm quậy phá kia tiếp thu bài chẳng được mà nhiều em khác cũng bị ảnh hưởng lây.
Dù sao mình cũng đã cố gắng hết sức để giảng dạy các em, có điều chưa được trọn vẹn như mong muốn.
Năm học này, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 2. Vào đầu năm học, nhà trường có tổ chức buổi họp phụ huynh đầu năm.
Sau khi triển khai đến phụ huynh những nội dung chính của cuộc họp theo nội dung yêu cầu của nhà trường, tôi xin phép được nói chuyện với phụ huynh nội dung ngoài cuộc họp.
Sau phần giới thiệu về bản thân vì tôi là giáo viên mới, tôi đã kể cho phụ huynh nghe về việc dạy học của giáo viên trên lớp, về áp lực mà thầy cô phải vượt qua, về những học trò ngoan và những em còn lì lợm, ít nghe lời (đương nhiên chẳng nêu đích danh tên em nào);
Về những giờ học không thể dạy tiếp bởi sự quậy phá của không ít học sinh chưa ngoan, về sự trăn trở của giáo viên khi mong muốn dạy và giáo dục các em sao cho tiến bộ.
Phụ huynh có biết vì sao học sinh ngày càng không nghe lời thầy cô? Ngừng giây lát, tôi nói tiếp: bởi thầy cô bây giờ không có cả cái quyền la nạt chúng.
Bỗng có nhiều tiếng nói vang “phải đánh đòn chúng mới chừa cô ạ”.
Tôi hỏi tiếp, phụ huynh mình ở đây có ai dạy con phải dùng đến đòn roi chưa?
Nắm đấm với thầy cô, sự hư hỏng của các ông bố, bà mẹ |
Căn phòng họp bỗng ồn ã cả lên, có người nói lớn “đánh hoài chứ cô, đánh thế mà vẫn lì cô ạ”.
Như chỉ chờ có thế, tôi nói qua chuyện đòn roi.
Về nguyên tắc, thầy cô bây giờ không được phép la mắng học sinh nói gì đến phạt đòn.
Nhưng với những em lì, lười học mà chỉ nói thôi thì chẳng ăn thua gì.
Vừa nói tôi vừa cầm chiếc thước lên (chỉ là chiếc thước kẻ bằng nhựa của học sinh vẫn dùng) nếu viết bài xấu, làm bài sai, nghịch ngợm trong lớp… chỉ phạt vài roi vào tay là ngoan hẳn.
Tôi cũng không đồng tình với một vài giáo viên như báo chí thường nêu đánh học sinh vào đầu, tát vào mặt đến thâm tím hay hay đấm đá các em một cách phũ phàng.
Nhưng dùng cây thước thế này để phạt khi các em phạm lỗi phụ huynh thấy thế nào?
Có người lên tiếng “Cháu hư cô cứ đánh vào mông vài roi cũng được”. Người lại nói “Nó không nghe lời cô cứ răn dạy giùm”…
Tôi nói với phụ huynh: “Thầy cô có thương mới nghiêm khắc với trò, nếu cứ mặc chúng thì chẳng ai phải nhọc lòng đến thế.
Khi phạt các em một roi không phải thầy cô đang trút giận lên trẻ mà đang răn dạy các em, đưa chúng vào nề nếp.
Thầy cô thay cha mẹ ở trường để giáo dục các em thì đòn roi ấy cũng đang thể hiện tình thương, sự quan tâm đến trẻ".
Phụ huynh ngồi nghe, tôi nhìn thấy ở họ những cái nhìn đồng cảm, thấu hiểu. Trong giây phút đó, tôi nghĩ mình đã thành công.
Kể từ hôm ấy, trong các giờ dạy của mình, những học sinh chưa ngoan, chưa nghe lời, lười học… sau khi nhắc nhở nhiều lần vẫn không biến chuyển tôi cũng phạt cho vài roi. Các em có biến chuyển rõ rệt, không còn nhờn mặt như trước.
Hôm có giáo viên vào lớp dạy, gặp tôi, cô giáo đã khen “lớp chị học sinh ngoan và học tốt lắm”. Với giáo viên chủ nhiệm, chẳng có gì vui bằng khi được đồng nghiệp tỏ lời khen ngợi như thế.
Tôi biết, được như vậy cũng nhờ sự hợp tác rất lớn của các bậc phụ huynh lớp mình.