LTS: Đó là những trải lòng của cô giáo Tùng Linh (Công tác tại một trường thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế), nhân dịp tháng tri ân Nhà giáo Việt Nam, bức thư là tình cảm của cô gửi tới các thế hệ học sinh thân yêu.
Tòa soạn dẫn nguyên văn bức thư, giới thiệu cùng độc giả.
Giữa lúc nền giáo dục nước nhà đang chuyển mình dữ dội, cô trò ta không được trách mình “sinh nhầm thời đại”, trái lại, phải luôn cảm ơn thời đại đã đặt ta vào lò luyện gian nan.
Nhưng trò ơi, vô tình hay cố ý, trò đang làm cô mệt lắm ! Mà dù có thế nào, cô vẫn giữ nguyên vẹn lòng yêu thương, lấy đó làm vũ khí của mình.
Nghề của cô ngày nay thật không đơn giản, nó đòi hỏi cô phải thật sự có bản lĩnh. Cứ hình dung thế này, cô như con đò đi trên con sông nước cả, thuyền vẫn trôi, gió có lúc nghiêng thuyền, song tay chèo vững thì thuyền không khẳm.
Cô vẫn khuyên các em lớn lên chọn nghề giáo, chọn làm cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.
Với mong muốn đó, cô hi vọng các em sẽ được đi trên con đường lót đầy tri thức, kỹ năng, rồi một ngày kia, không còn xa nữa, các em sẽ trở về bên cô thỏ thẻ: “Cám ơn cô, ngày xưa, ngày xưa cô đã…”.
Tháng 11 về tự lúc nào, lạc vào vài trận nắng bỏng rát nhưng ngoắt một cái đã đỏng đảnh se se. Thời tiết miền Trung khắc nghiệt các em nhỉ ! Nhưng trong sự chao đảo mùa màng ấy, trò có thấy không, tháng 11 về là về tri ân đấy…
Cô của trò lang thang trên những trang văn, bất chợt đọc được tứ thơ sau:
Cây phượng già treo mùa hạ lên cao
Nơi bục giảng, giọng thầy sao chợt thấp:
“Các con ráng… năm nay hè cuối cấp!”
Chút nghẹn ngào bụi phấn vỡ lao xao
Mai thầy về mùa gọi nắng lên cao
Vai áo bạc như màu trang vở cũ
Con muốn gọi, sao lòng đau nghẹn ứ
Đã bao lần… con ngỗ nghịch, thầy ơi!
Tứ thơ xúc động, chỉ tiếc là cô không nhớ tác giả là ai. Nhưng qua đây, Cô thấy nhớ trường xưa thầy cũ vô cùng ! Bỗng thấy mình nhỏ lại, lăn tròn trong nỗi nhớ bâng khuâng.
Hai mươi mấy năm về trước, thuở còn dung dăng dung dẻ hoa dong, hoa nghệ, ngày 20 tháng 11 vui lắm các em ạ.
Cô nhớ đó là ngày tụ tập, ngày nghỉ ngơi, ngày được lên kế hoạch từ cả tháng trước, ngày đúng giờ là “cuốc bộ” trên con đường hành trình tri ân.
Trò ơi! Còn đó những yêu thương! (Ảnh: tienphong.vn) |
Ai ai cũng chọn cho mình bộ cánh lành lặn nhất, hái bông hoa to nhất trong vườn đến với thầy, với cô. Tại nhà cô, chẳng biết thốt sao cho nên lời cám ơn, rụt rè, nhút nhát mà đáng yêu chi lạ!
Rồi cô cho kẹo, những viên kẹo đường chưa ăn đã ngọt, giữ cho đến khi chảy nước vẫn chưa dám ăn, bởi đó là kỉ niệm bé nhỏ in dấu tay cô… Cho đến khi hết ngày vui, tưởng như hết tết, lòng buồn vô hạn, phải đến bao giờ mới tới ngày sau!
Trong kí ức của cô, thầy cô mình thật tuyệt. Thuở đó còn khó khăn, giữa cái làng quê nghèo chiêm trũng buồn buồn, thầy ở xã bên đạp xe đi qua mỗi ngày như mang theo ánh sáng hào quang, cha mẹ dưới đồng ngả nón chào thưa, mấy em nhỏ vu vơ tìm chỗ trốn.
Những bài thơ hay về ngày 20/11 dành tặng thầy cô(GDVN) - Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gửi tới độc giả tuyển tập những bài thơ hay viết về thầy, cô về mái trường thân yêu... |
Thực ra, thầy cố xuất hiện thế thôi, chứ thầy cũng nghèo lắm. Này nhé, ở trường cấp II của cô, vẫn có những cô thầy mặc quần áo nhàu nhĩnh, đi đôi dép sứt quai, đội chiếc nón ngả màu…
Nhớ một hôm, trời mưa tầm tã, cả lớp cười thầy mình đi chiếc xe đạp “biến dạng”, nước ngập nửa bánh xe, mình quàng chiếc áo mưa, đôi dép tổ ong mới mua chằng sau gac-ba-ga, quần sắn đến gối...
Nghe vậy trò cô đừng cười nhé, kẻo lại day dứt như sự ngỗ nghịch của cô ngày xưa, dám giỡn thầy đi xe “không phanh, không vành, không bánh”…
Ấy vậy mà thầy chỉ cười và kí nhẹ lên mái đầu nhỏ yêu thương! Thế mới biết, cho dù còn khó khăn gian khổ, cho dù học trò phạm lỗi, cô thầy ngày nào cũng sẵn sàng chấp nhận các em với tấm lòng vị tha hiếm thấy.
Ngày trước, 20 tháng 11 là nghỉ học, thầy cô tập trung tọa đàm gì đó, còn trò cứ thập thò ngoài cửa chờ tặng hoa. Ngày này đúng nghĩa là ngày của cô trò, không có phụ huynh tham gia.
Vui - buồn ngày 20/11(GDVN) - Xin đừng làm vẩn đục những tâm hồn trẻ thơ vì những toan tính của người lớn. Hãy để ngày 20/11 thực sự là những ngày vui, đúng nghĩa. |
Bây giờ khác! Vì nhiều lí do khác nhau, ngày 20 tháng 11 vẫn phải đi học. Rồi thì cấm nhiều thứ lắm. Thế là phụ huynh “ra tay”. Mất hết cả ý nghĩa các em nhỉ !
Thực ra, đã là tri ân thì đâu cứ phải có dịp. Thầy cô sẽ cảm thấy được các trò nhỏ tri ân nhiều nhất nếu thấy các em ngoan ngoãn, chăm chỉ.
Một bông hoa mua ở ngoài chợ tặng cô cũng thể hiện lòng thành kính, nhưng sẽ vô cùng ý nghĩa nếu bông hoa ấy biến thành hoa điểm tốt.
Các thầy cô lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương với các em, “ngọn lửa lòng” không bao giờ có thể tắt. Nhưng giá các trò chăm chỉ hơn sẽ đốt ngọn lửa ấy bừng sáng lấp lánh.
Hôm nay cô nhớ thầy cô xưa. Ở phương trời xa, chẳng biết thầy còn bao nhiêu sức khỏe khi đã cống hiến như con tằm rút ruột nhả tơ làm đẹp cho đời.
Thầy ơi! Nhớ thầy, em lại tìm dáng xưa trên bao gương mặt, vóc dáng của đồng nghiệp lớn tuổi quanh em! Nghe một tiếng ho, thấy một cử chỉ bóp đôi chân gầy sau mỗi giờ đứng lớp, ngắm mái tóc bạc thêm sau mỗi hạ về… em nghẹn nào biết mấy. Bao giờ cho tới ngày xưa!
Đấy, các trò nhỏ của cô. Ai cũng có kí ức. Sống hiện tại phải làm sao để sau này thành kí ức sẽ luôn đẹp. Nếu lỡ buông lời không hay thì xin lỗi cô đi nhé ! Cô có cả “kho tha thứ”, ai cần, cô sẽ cho!
Nhân dịp tháng tri ân về, cô viết vậy đó. Nếu trò đọc được mà tịnh tâm suy nghĩ thì cuộc đời còn diệu vợi biết bao nhiêu!