Đó là khẳng định của ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa HĐND TP.Hồ Chí Minh về tình hình dạy thêm, học thêm ở quận 3 vào chiều 23/8.
Thầy cô giáo phải gương mẫu, cố gắng thực hiện
Nói về quy định cấm dạy thêm và học thêm trong trường học bắt đầu từ năm học này, ông Lê Duy Tân khẳng định, cấm dạy thêm học thêm trong trường học là một chủ trương chung của toàn thể lãnh đạo thành phố.
Cho dù chủ trương này khó cỡ mấy, các giáo viên và trường học vẫn phải cố gắng thực hiện nghiêm túc, vì thầy cô giáo là phải luôn sống gương mẫu.
Đối với học sinh, giáo viên thì không nên suốt ngày chỉ kêu ca về dạy thêm học thêm, nên cần phải phân loại từng đối tượng khác nhau, để có cách cư xử khác nhau cho đúng mực trong chuyện này.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đề nghị các trường học, các giáo viên trong bối cảnh không được dạy thêm học thêm, thì cần phải hướng dẫn cho học sinh nhiều hơn các phương pháp tự học là chính, để không ảnh hưởng đến sức học của bản thân, thầy cô và cả gia đình.
Buổi giám sát về dạy thêm học thêm của Ban Văn hoa HĐND TP.Hồ Chí Minh tại quận 3 chiều 23/8 (ảnh: P.L) |
Nếu phụ huynh nào có thắc mắc, giáo viên và nhà trường cẩn phải tiếp cận để có thông tin đầy đủ, thích hợp nhất.
Theo ông Lê Duy Tân, hiện hệ thống cơ sở trường lớp ở TP.Hồ Chí Minh là tương đối đầy đủ, nên học sinh không cần thiết phải đi học thêm, mà vẫn có trường lớp học phù hợp với sức học của mình, trừ trường hợp có nguyện vọng và yêu cầu quá cao.
“Nếu học sinh chọn đúng con đường mà mình chọn thì cũng chẳng cần phải dạy thêm học thêm làm gì. Hiện tất cả đang trong quá trình thay đổi, cần phải được điều chỉnh dần dần, nhưng trước mắt là vẫn phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên” – ông Lê Duy Tân nhấn mạnh.
Hiệu trưởng khóc khi nói về giáo viên bị cấm dạy thêm
“Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô hát thêm, mà giáo viên lại không được bằng chính nghề của mình thì còn nỗi buồn nào hơn…” – Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng, ông Nguyễn Văn Lợi nói trong xúc động.
Theo thầy Lợi cho biết, từ thực tế của Trường tiểu học Phan Đình Phùng thì hầu hết các trường tiểu học gọi là giữ trẻ, chứ không phải học thêm, do đã học 2 buổi rồi thì không được dạy thêm học thêm nữa.
Thầy Nguyễn Văn Lợi cho rằng, nếu phụ huynh buổi chiều tan sở muộn, mà học sinh lại ra sớm hơn, không đón kịp các em, mà không cho giáo viên dạy hay giữ trẻ, thì học sinh sẽ bị lâm vào tình trạng thiếu an toàn.
Thầy Nguyễn Văn Lợi nói việc giáo viên bị cấm dạy thêm trong xúc động và rớt nước mắt (ảnh: P.L) |
Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng đề nghị rằng, cần phải tính đến phương án làm sao thực hiện cho tốt, chứ đừng vì không quản được mà cấm.
Thay mặt cho Ban Văn hóa HĐND TP.Hồ Chí Minh, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban đã nhấn mạnh: Trước mắt, các trường và giáo viên cần phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của thành phố.
TP.Hồ Chí Minh sẽ từng bước thực hiện việc giảm tải chương trình cho học sinh, ví như trước mắt đã nhận được sự đồng ý tự biên soạn bộ sách giáo khoa đặc thù riêng, dần dần được tự áp dụng công nhận xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Nhà trường cũng cần phải nâng cao chất lượng giảng dạy, quan tâm hơn đối với học sinh có học lực yếu, để làm sao cho các em học có hiệu quả nhất” – bà Thi Thị Tuyết Nhung lưu ý.