Ngày 25/10, bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội (Phó Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) xung quanh đề xuất xóa bỏ bộ chủ quản, xóa biên chế đối với các trường Đại học.
Theo ông Hoàng Văn Cường, việc xóa cơ quan chủ quản, bộ chủ quản đối với các trường đại học không phải là một quyết định hành chính mà đây là quá trình tất yêu của việc thực hiện tự chủ đại học.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (ảnh Trinh Phúc). |
Giải thích về nhận định trên, đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội cho biết: “Khi quyền tự quyết đã chuyển cho các trường rồi khi đó quyền của bộ quản lý chủ quản không còn nữa.
Mà khi quyền của bộ quản lý chủ quản không còn nữa thì tự nó sẽ mất đi chứ không phải chúng ta ra quyết định hành chính đơn thuần.
Vì vậy, việc để hay là xóa bộ chủ quản phụ thuộc vào việc thực hiện tự chủ đại học được đến đâu.
Nếu như các trường đại học được giao các quyền tự chủ đầy đủ, toàn điện chắc chắn vai trò của bộ chủ quản sẽ không còn nữa.
Do đó, việc có xóa hay không xóa bộ chủ quản không có khác gì nhau vì thực chất quyền đó không còn tồn tại”.
Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc” |
Vấn đề đặt ra sau khi quyền của các bộ chủ quản tự mất đi trong quá trình tự chủ hóa các trường đại học thì cơ quan nào sẽ giám sát hoạt động của các trường.
Trước những thắc mắc trên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: “Việc không tồn tại bộ chủ quản nữa, khi đó quản lý nhà nước chỉ có quyền duy nhất là kiểm tra, kiểm soát những tuyên bố của các trường.
Việc kiểm tra, kiểm soát phải do một cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát về mặt chuyên môn và tuyên bố chứ không phải là quản lý”.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giải thích thêm: “Chúng ta đừng quan niệm người chủ của các trường đại học công phải là bộ chủ quản.
Mặc dù, các trường đại học được giao quyền tự chủ nhưng mọi hoạt động phải tuân theo quy định pháp luật và tuân thủ theo các tuyên bố về mặt tự chủ của các trường đại học đó.
Các cơ quan quản lý pháp luật của nhà nước người ta sẽ theo dõi hoạt động của nhà trường có tôn trọng pháp luật hay không.
Nếu không tuân thủ pháp luật, nhà trường vi phạm thì sẽ bị xử lý theo các pháp luật liên quan.
Trường đại học không tuân thủ những tuyên bố về mặt chất lượng sẽ bị xử lý theo các khoản mà nhà trường tuyên bố, cam kết.
Như vậy, trường đại học muốn tồn tại phải tuân thủ luật pháp, tuân thủ các tuyên bố đề ra. Nếu không tuân thủ thì chắc chắn trường ấy sẽ không tồn tại”.
Bàn sâu thêm về vấn đề tự chủ của các trường đại học công lập hiện nay, đại biểu Hoàng Văn Cường giải thích thêm: “Một trường đại học muốn khách quan tồn tại không phải có bộ chủ quản hay không có bộ chủ quản mà trường đại học đó hoạt động và quản trị như thế nào?
Về phía nhà nước phải kiểm soát được quá trình quản trị của từng nhà trường chứ không phải có bộ hay không có bộ thì trường đại học công lập mới tồn tại.
Ngay cả các trường đại học tư thục nó thuộc về ai, sở hữu nó thuộc về ai cũng khác biệt so với doanh nghiệp tư nhân.
Xét về mặt phát lý đại học tư thục thuộc sở hữu của người sáng lập ra các trường đó. Nó là trường của tư nhân.
Nhưng về mặt phát triển xã hội thì bản thân các trường đại học tư thục không còn của riêng người sáng lập ra mà trở thành tài sản chung của xã hội.
Trường đại học trở thành tài sản của người học, của những doanh nghiệp sử dụng lao động do trường đó đào tạo ra.
Một trường đại học hoạt động không theo tôn chỉ mục đích, theo tiêu chuẩn, chất lượng, bản thân người học trường đó họ sẽ phản đối, giám sát.
Trên thế giới, người ta có bảng đánh giá của các cựu học viên, người ta sẽ đánh giá ngay.
Thậm chí, có việc các cựu sinh viên đứng ra cho phép trường đại học làm thế này, không cho phép làm thế kia.
Bởi, hoạt động của nhà trường sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cựu sinh viên.
Rồi những doanh nghiệp sử dụng lao động của nhà trường sẽ coi trường đó là nguồn cung cấp lao động của họ.
Nếu trường không hoạt động tốt doanh nghiệp họ sẽ tự đưa ra ý kiến phản đối buộc nhà trường phải tuân thủ theo.
Do đó, chủ sở hữu của các trường không đơn thuần là của cá nhân nào nữa mà trở thành tổ chức, sản phẩm của toàn xã hội”.
Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học |
Qua phân tích về xu hướng phát triển của tự chủ đại học hiện nay, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, ông rất ủng hộ việc tự chủ đại học.
Trước thắc mắc sau khi không còn bộ chủ quản nữa các trường sẽ hoạt động theo mô hình như thế nào? Vị đại biểu của đoàn Hà Nội cho rằng:
“Sau khi vai trò của bộ chủ quản bị tước bỏ, các trường sẽ tự chủ về quản trị. Mỗi trường có mỗi mô hình khác nhau. Trường đơn ngành, trường đa ngành thì mô hình quản trị có khác biệt.
Những trường phát triển theo nghiên cứu, những trường phát triển theo ứng dụng mô hình quản trị có khác nhau. Không nên quy định một mô hình quản trị như các tập đoàn nhà nước hiện nay”.
Qua trao đổi với ông Hoàng Văn Cường có thể thấy, tự chủ đại học là tất yếu của sự phát triển các trường đại học.
Khi quá trình tự chủ đại học được phát triển đến mức độ nhất định thì đương nhiên vai trò của bộ chủ quản sẽ không tồn tại.
Khi đó, quyền của các trường sẽ rất lớn và họ hoạt động chịu sự điều chỉnh của pháp luật, theo tuyên bố của các trường.
Khi tự chủ các trường đại học sẽ có quyền nhiều hơn. Trong vấn đề tuyển dụng, các trường có quyền tuyển dụng lâu dài hay tuyển dụng ngắn hạn nên khái niệm biên chế trong các trường đại học sẽ không còn tồn tại.