Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”

21/10/2017 07:10
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tự chủ phải đi xuống từng trường đại học, đến tận khoa, bộ môn, giảng viên một cách xuyên suốt".

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017. 

Tại đây, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến từ lãnh đạo các trường đại học.

Tự chủ đại học - những vấn đề cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau gần 3 năm thực hiện tự chủ, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã bộc lộ cần được tháo gỡ trước khi cơ chế tự chủ chính thức được vận hành rộng rãi.

Hoạt động tự chủ đại học của các trường đại học công lập hiện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ;

Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính;

Ngoài ra còn các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc” ảnh 1

Không thành lập Hội đồng trường thì không được mở ngành đào tạo

Nhưng trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, đã có một số văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”,

Tuy nhiên, tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi luật, đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học Công nghệ…

Chính vì vậy, thực tế cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ;

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ, một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai.

Hiện nay, vấn đề tổ chức quản trị tại các cơ sở giáo dục thí điểm vẫn còn nhiều tranh cãi.

Cơ quan chủ quản, hội đồng trường hay công tác tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường tự chủ còn chưa thống nhất về ý tưởng và quá trình thực hiện làm ảnh hưởng tới hiệu quả tự chủ.

Hội đồng trường cũng được xác định là cực kỳ quan trọng trong quá trình tự chủ nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường chưa thành lập được.

Nguyên nhân là do sự thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách; mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu chưa rõ ràng;

Các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt trong việc thành lập Hội đồng trường; cơ cấu, tỷ lệ thành phần chưa hợp lý; hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức…

Cơ chế “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”

Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhận thức tự chủ đại học là thuộc tính cần thiết của đại học ngày càng thấy rõ.

Việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam dù có tính tới đặc thù thì về cơ bản vẫn theo xu thế, quy luật phát triển của thế giới.

Vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam được nhắc đến từ năm 2003 trong Điều lệ các trường đại học.

Nhưng việc thực hiện tự chủ đã được đặt ra và thực hiện một số bước ban đầu với sự ra đời của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc” ảnh 2

4 năm qua, Luật Giáo dục đại học đã đạt được những kết quả gì?

Và phải đến năm 2014 tự chủ đại học mới được thực hiện thí điểm.

Về những khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề nhận thức, trong đó có nhiều điểm liên quan đến lợi ích, trách nhiệm.

Thực trạng đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học đặt ra yêu cầu phải thay đổi.

Những khảo sát của các tổ chức quốc tế cho thấy hoạt động đào tạo nhân lực của Việt Nam ở trình độ càng cao thì chất lượng lại càng kém. 

Cùng với đó, xếp hạng các trường đại học của Việt Nam trên thế giới rất thấp.

Số bài báo, nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế còn ít. Chất lượng đào tạo không tốt, sinh viên ra trường làm việc không tốt, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

“Đây không còn là lúc bàn có cần tự chủ hay không mà phải làm với trách nhiệm rất cao của các bộ, đặc biệt của các trường đại học.

Chúng ta phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn khi có nguồn nhân lực chất lượng cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Khi nói đến các cơ chế, chính sách liên quan đến các trường đại học, Phó Thủ tướng dùng hình ảnh “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”.

Nấc đầu tiên là trường không được tự chủ chút nào, nhà nước bao cấp hết thì khóa rất chặt.

Nấc thứ hai cho trường tự chủ một phần chi thường xuyên, khóa sẽ mở ra thêm một chút.

Nấc thứ ba là trường tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thì nới ra chút nữa.

Phải đợi đến khi tự chủ toàn bộ, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì "khoá" mới nới hết ra.

Còn 2 chìa là của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản, các bộ, các tỉnh.

Để “tháo khoá”, Phó Thủ tướng cho rằng cần hiểu đúng về tự chủ là tự quản, tự trị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mục đích cuối cùng của tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục đại học (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mục đích cuối cùng của tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục đại học (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tự chủ trước hết là về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu. Bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt vào trong nội bộ các trường đại học. 

Từ đó xác định các quyền về bộ máy, nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ.

Liên hệ đến thực tế nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới, có kinh phí từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn tự chủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tự chủ tài chính là được tự chủ về thu, chi theo quy định pháp luật.

Nguồn ngân sách nhà nước trước đây cấp cho các trường đại học theo đầu vào, tính số biên chế, hay tính số chỉ tiêu đăng ký, không phụ thuộc vào chất lượng đầu ra.

Giờ nguồn ngân sách nhà nước phải theo giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo và căn cứ vào chất lượng đầu ra.

Vẫn còn ngân sách nhà nước nhưng đổi mới cách cấp, sử dụng ngân sách. Đồng thời bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục đại học ở chất lượng cao cho tất cả mọi người, trong đó lưu ý các đối tượng chính sách.

Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục đại học góp phần có tính quyết định vào chất lượng nhân lực trình độ cao.

“Không nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với xã hội, bị thua thiệt so với các trường đại học khác, đại học nước ngoài. Gây lãng phí cho xã hội, người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tạo điều kiện cho các trường tự chủ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ tối đa, bỏ các quy định hành chính, cứng nhắc như tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ giảng viên cơ hữu vốn để ngăn chặn tiêu cực những trường yếu kém nhưng vô hình trung lại kìm hãm các trường đã tự chủ tốt.

Và Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các hiệu trưởng trong thực hiện tự chủ.

“Tinh thần tự chủ đại học nói từ đầu đến giờ mới chỉ là xoá bỏ những can thiệp hành chính không cần thiết của cơ quan chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo vào hoạt động nhà trường.

Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc” ảnh 4

Bộ sẽ đưa xếp hạng vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Nhưng tự chủ phải đi xuống từng trường đại học, đến tận khoa, bộ môn, giảng viên một cách xuyên suốt”.

Theo Phó Thủ tướng, lãnh đạo các trường đại học, trực tiếp nhất từ các hiệu trưởng phải thay đổi tư duy trong thực hiện tự chủ, đơn cử như còn những băn khoăn, e ngại khi thành lập Hội đồng trường.

“Luật đã có quy định nhưng Hội đồng trường phần lớn chưa lập, hoặc lập ra rồi nhưng chưa đúng là cơ quan quyền lực thì không được. Hội đồng trường phải có quyền quyết định tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. 

Có ý kiến lo lắng về sự chồng chéo trong phối hợp giữa Hội đồng trường với Đảng ủy trường khi thực hiện công tác nhân sự, lãnh đạo, chỉ đạo.

Thực tế quyết định về nhân sự luôn phải có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy khi tiến hành quy trình bổ nhiệm theo quy chế hoạt động của trường”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, các trường tự chủ cần có cơ chế, lập các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận đại học cho đối tượng chính sách.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý là cần đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng các trường đại học.

Tự chủ phải đi với giải trình trách nhiệm với xã hội, để sao cho trường đại học nơi thể hiện một môi trường làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh.

Là thiết chế của dân tộc, đất nước này, và nếu vươn lên đẳng cấp, thì đó sẽ là của thế giới.

"Các trường đại học của Việt Nam không thực hiện tự chủ, không thành các trường mạnh thì nhân lực chất lượng cao sẽ không như mong muốn. Đây là trách nhiệm vì đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Thùy Linh