Ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời hàng loạt các vấn đề "nóng" trong giáo dục mà các đại biểu Quốc hội đã đặt ra tranh luận và phản biện.
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Nhạ nhiều lần xin chịu trách nhiệm, nhận sai sót và hứa sẽ điều chỉnh, triển khai nhiều vấn đề giáo dục tốt hơn.
Đẩy mạnh phân luồng đào tạo để khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ
Khi đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đặt câu hỏi chất vấn: Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đứng 11/12 quốc gia ở Châu Á do Ngân hàng thế giới khảo sát. Việc phân luồng học sinh giáo dục sau đào tạo dẫn đến thừa thầy thiếu thợ, Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phân luồng được thể hiện ngay trong chương trình.
Ví dụ, nội dung các môn học liên quan tới xã hội, công nghệ trong chương trình lớp 9 bậc THCS phải được tăng cường, nội hàm mang tính thực tế, bố trí giảng dạy kỹ lưỡng, tránh tình trạng qua loa, “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận Đề án Ngoại ngữ 2020 thất bại(GDVN) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trước Quốc hội rằng đến năm 2020 không thể đạt được mục tiêu đã đề ra của đề án Ngoại ngữ 2020. |
Tới bậc THPT, giáo dục hướng nghiệp cần thể hiện rõ. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa làm được những điều này, dẫn đến một thực tế là 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường THPT, trong khi chỉ có 5% vào các trường đào tạo nghề, 15% xuất khẩu lao động.
Bộ cũng thấy được một phần trách nhiệm của mình từ những con số này.
Tới đây, Bộ chỉ đạo, trong xây dựng chương trình THPT và sách giáo khoa phải coi trọng phân luồng này, đặc biệt giáo dục hướng nghiệp tại THPT phải rõ nét hơn, để học sinh vào THPT đã có định hướng nghề, không phải chờ tới bậc đại học.
“Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, được các chuyên gia nước ngoài và nhà tuyển dụng đánh giá cao, liên thông với khung trình độ quốc gia 8 bậc của ASEAN, đồng thời giữa giáo dục nghề nghiệp và các bậc khác của giáo dục quốc dân cũng có liên thông với nhau.
Tôi tin rằng khung này, cùng với việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục, sẽ tạo ra sự phân luồng mang tính chủ động.
Và sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và xã hội đẩy mạnh phân luồng giáo dục”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Trước câu trả lời này của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Hồ Thị Minh tranh luận: “Tôi thấy mục tiêu của Bộ trưởng đặt ra rất đúng và trúng, câu trả lời của Bộ trưởng cũng “bấm huyệt” nhiều vấn đề, trong đó xã hội hóa là tâm điểm thì tôi đồng tình.
Ở đây, tôi thấy Bộ trưởng có nhận nhiệm vụ về phân luồng nhưng phải nói rằng trong Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phải xây dựng 18 đề án.
Tuy nhiên, trong năm 2015 phải xây dựng 10 đề án nhưng bây giờ chúng ta mới chỉ làm được 4 đề án, còn 6 đề án chúng ta chưa xây dựng.
Trong đó, có đề án phân luồng học sinh và định hướng giáo dục phổ thông, rõ ràng nếu một mình Bộ Giáo dục làm thì tôi cho rằng, nhiều đề án sẽ không khả thi, ví dụ đề án ngoại ngữ”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục thừa nhận chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu
Tại phiên chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đặt câu hỏi về vấn đề đào tạo đại học, sau đại học, việc đào tạo sau đại học còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra về đào tạo cũng như yêu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chương trình, nội dung đến điều kiện vật chất, giáo viên, tài chính trong nội bộ trường đại học. Ngoài ra, còn yếu tố khác như môi trường kinh tế - xã hội khách quan.
Nhìn chung chất lượng đào tạo của chúng ta đã được cải thiện. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các quy chế, quy định, chuẩn đảm bảo chất lượng đầu ra nhân lực.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) (Ảnh: VTC News) |
Tuy nhiên, hệ thống quản lý chất lượng bằng văn bản còn thiếu và chưa đồng bộ dẫn đến các trường Đại học không biết dựa vào văn bản nào.
Vấn đề này rút kinh nghiệm và đang rà soát để xây dựng hệ thóng văn bản. Đồng thời, khâu giám sát, chế tài cũng còn hạn chế, còn tình trạng “du di”.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm bồi dưỡng bằng việc xây dựng hệ thống trường bán trú, nội trú. Tuy nhiên, việc xét đầu vào, nhất là cử tuyển chưa chặt chẽ dẫn đến người học chưa đáp ứng yêu cầu.
Khi cử tuyển, chúng ta không chú ý đến định hướng nghề nghiệp chỉ quan tâm các cháu học tốt, gia đình khó khăn thì chọn đi học nhưng không quan tâm yêu cầu, nhu cầu nhân lực của địa phương sau khi ra trường.
Do vậy, ưu tiên, cử tuyển phải gắn với nhu cầu nhân lực, ngay cả đối với dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng trong việc đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao là người thiểu số.
Đối với sinh viên là người dân tộc học giỏi, tự thi vào đại học hoặc sau đại học Bộ trưởng Nhạ cho biết, tới đây Bộ sẽ đề nghị các trường miễn học phí cho những em này và sẽ có nhiều quỹ học bổng để hỗ trợ các em.
Số sinh viên này không nhiều nhưng rất quan trọng, là hạt nhân sau này quay về phục vụ địa phương.
Các nội dung Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời trong phiên chất vấn: Tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện,đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp; Công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý. Giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực. Việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020. |