Ai trong mỗi chúng ta đã trải qua thời thơ ấu, hẳn vẫn còn nhớ câu hát “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên; Hay “Ngày đầu tiên đi học. Em mắt ướt nhạt nhòa. Cô vỗ về an ủi. Chao ôi ! Sao thiết tha. Ngày đầu như thế đó, cô giáo như mẹ hiền...” của Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.
Chỉ một câu hát ấy thôi cũng đủ để cảm nhận được tình cảm ấm áp của những cô giáo mầm non, tựa như người mẹ thứ hai đưa những đứa con thơ đến với một chân trời rộng mở, nhiều niềm vui và đầy ắp những ước mơ.
Nghề giáo vinh quang nhưng cũng nhiều thử thách như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong ngày khai giảng năm học mới. Và, trong nghề vinh quang ấy, có lẽ trong những cô giáo mầm non hàng ngày đang phải đối diện với nhiều áp lực hơn cả.
Cảnh thường thấy ở trường mầm non công lập là mỗi lớp có 2 giáo viên phải chăm sóc khoảng 40 bé. Ở trường tư thục, với chi phí cao hơn, một lớp 2 giáo viên cũng phải chăm sóc từ 10 – 15 bé.
Nhìn vào vòng quay quen thuộc: Bé ăn sáng – Bé đi vệ sinh – Bé ca hát tập thể, chơi đồ chơi – Bé ăn trưa – Bé đi vệ sinh – Cô dọn phòng – Bé ngủ trưa. Vào ca chiều: Bé đi vệ sinh - Bé ăn bữa chiều – Bé chơi đồ chơi... cũng có thể hình dung được phần nào những vất vả của giáo viên mầm non.
Sau khi bé ngủ trưa thì các cô giáo mới được ăn, rồi nghỉ ngơi chốc lát, và thường là diễn ra tại chỗ vì vừa ăn lại vừa phải để ý cho các bé ngủ.
Hãy thử hình dung trong một bữa ăn mà có vài bé nghịch ngợm, vài bé bị nôn trớ, tranh giành đồ chơi... thì sẽ ra sao?
Chưa hết, có cả những bé bị ốm, bị sốt, nhưng cha mẹ không thể nghỉ làm nên vẫn đưa tới lớp. Ngày hôm đó, cô giáo sẽ có nhiều áp lực hơn.
Hay mỗi khi đón một bé mới, thường sẽ khóc rất nhiều và bỏ ăn – cô giáo cũng chịu áp lực… đó là những tình huống mà các cô giáo mầm non phải đối diện hàng ngày và họ không có sự lựa chọn.
Kể ra như vậy để thấy “nghề chăm trẻ” chẳng dễ dàng gì, nhất là khi thu nhập của những cô giáo mầm non thuộc loại thấp nhất trong ngành giáo dục.
Thế nhưng khi đã lựa chọn trở thành cô giáo mầm non thì có một quy luật bất biến là không chỉ đơn thuần cần kỹ năng nghề nghiệp giỏi, mà hơn tất cả họ phải có tình yêu thật sự với trẻ; có tấm lòng vị tha, bao dung như một người mẹ dứt ruột đẻ con ra thì mới thật sự xót xa khi bé bỏ ăn, xót xa khi bé nôn trớ và rung cảm khi chợt thấy ánh mắt buồn của bé.
Đặng Thị Bình cầm chiếc dép chờ bé trai đi ra rồi vụt vào đầu 2 lần liên tiếp khiến cháu bé hoảng sợ, ôm đầu khóc lặng. |
Vì phải chịu nhiều áp lực, cho nên ở những nước phát triển, để trở thành giáo viên mầm non đều phải trải qua những khóa học và kiểm tra khắt khe, bởi khoa học đã chỉ ra rằng tính cách, tâm lý của trẻ được hình thành ngay trong giai đoạn 3 năm đầu đời.
Nếu như ở Pháp, cần phải có một bằng cử nhân mới được học và thi lấy chứng chỉ làm giáo viên mầm non thì ở Anh - giáo viên mầm non bắt buộc phải có trình độ tương đương giáo viên Tiểu học.
Ở Mỹ, tùy thuộc vào quy định của từng bang, nhưng tiêu chuẩn chung tối thiểu là phải có chứng nhận CDA (Child Development Associate), còn một số bang lại yêu cầu cao hơn là buộc phải hoàn thành 2 năm hệ cao đẳng hoặc năm đầu tiên hệ đại học.
Ở châu Á - Nhật Bản là một quốc gia rất coi trọng giáo viên mầm non, được ví như những chuyên gia tâm lý, nuôi dạy trẻ.
Nỗi ám ảnh của một cô giáo từng bị bạo hành khi là trẻ mầm non |
Ở những quốc gia như thế, quyền học tập, vui chơi của trẻ được tôn trọng tuyệt đối với xu hướng phát triển thế mạnh ở từng cá nhân.
Trong khi đó ở Việt Nam khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh hơn, những tưởng đời sống lên cao thì dân trí cũng lên theo, nhưng thật bất thường vì đã xảy ra hàng chục vụ trẻ mầm non bị bạo hành được phát giác.
Những đứa bé non nớt bị bóp cổ; bị tát thẳng vào mặt đến bầm tím; thậm chí bị bắt ăn lại cả một đống cơm cháo vừa nôn ọe ra, mà có khi đến con vật cũng chẳng thèm đến gần.
Những tưởng sau khi những vụ việc ấy được công bố, được xử lý thì sẽ trở thành những là bài học lớn cho nhà trường và từng giáo viên không bao giờ mắc phải.
Nhưng thật đáng tiếc, chỉ mới bước vào những ngày đầu tiên của năm Đinh Dậu, tại Trường mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có hai giáo viên bị đuổi việc, còn cơ sở này thì phải đóng cửa, chấm dứt mọi hoạt động.
Hai giáo viên là Nguyễn Thị Hồng Ngát (SN 1995) và Đặng Thị Bình (SN 1994) đã có những hành vi phản giáo dục: Dùng dép (tổ ong) vụt vào đầu, khiến cháu bé đau đớn, khóc lặng, chỉ vì bé đi vệ sinh nhiều lần.
Một bé khác đang mếu máo, nước mắt lã chã thì bị giáo viên kéo tai, húc đầu gối vào người, cũng chỉ đơn giản là vì trong ngày đầu tiên đi học bé khóc nhiều.
Nhìn những đứa trẻ bị hành hạ mà không thể cầu cứu ai, hàng triệu người đã bày nỗi bức xúc, phẫn nộ, không tha thứ.
Và chắc hẳn có rất nhiều người là nhà giáo cũng cảm thấy xót xa, vì những hành vi phản giáo dục ấy dù ít, dù nhiều đã gây ra nhiều điều tiếng cho nghề giáo.
Nói đến đây chợt nhớ có lần Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng tâm sự rất thật rằng: “Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận, có chữ là dạy được. Do đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo mới làm được, ngoài ra không ai làm được”.
Khi vụ việc vỡ lở, thì ra chỉ có Nguyễn Thị Hồng Ngát từng học nghiệp vụ mầm non; còn Đặng Thị Bình học Cao đẳng y tế Hưng Yên (không hề có nghiệp vụ sư phạm).
Và, còn rất nhiều vụ việc khác từng xảy ra, những kẻ bạo hành trẻ không hề có nghiệp vụ sư phạm, nhưng vẫn nghiễm nhiên được gắn mác “giáo viên mầm non”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Ngát thừa nhận trong bản tường trình đã có hành vi thúc gối vào người và kéo tai em bé mới đi học ngày đầu. |
Có lẽ, xem xong clip đánh trẻ ở Trường Mầm non Sen Vàng, hàng triệu người đều rùng mình kinh hãi và đều có chung một thắc mắc là vì sao ở tuổi đời còn rất trẻ mà nữ giáo viên kia lại hành xử khó tin: Dùng dép vụt vào đầu trẻ?
Thử hỏi còn bao nhiêu vụ việc bạo hành trẻ sẽ xảy ra? Và nếu lại xảy ra thì xử lý thế nào? Trách nhiệm của ngành giáo dục, của các cơ quan quản lý ở địa phương ra sao, hay cũng chỉ đơn thuần là khi sự đã rồi thì dừng hoạt động của trường, sa thải giáo viên?
Phải nói thẳng ra rằng, khi những sự việc như vậy xảy ra thì thấy ngay có hai vấn đề rất lớn:
Thứ nhất, trách nhiệm quản lý của các đơn vị ở địa phương gần như chỉ là con số không (0) tròn chĩnh sau khi đã cấp phép và mỗi năm có một đôi lần kiểm tra lấy lệ.
"Ai tự thấy không xứng đáng thì đừng đứng vào đội ngũ người thầy" |
Thế nên tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (đoàn Cao Bằng) từng nêu ra đề nghị: Cần quy định cơ chế, biện pháp để áp dụng 3 cấp độ bảo vệ trẻ em, làm rõ và cụ thể hơn nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tránh việc quy định chung chung nhưng lại chồng chéo đến khi có sự việc xảy ra không thể quy trách nhiệm cho ai.
Thứ hai, dường như việc đào tạo hời hợt, cấp chứng chỉ cho giáo viên mầm non quá dễ dàng (hết thời gian học là nhận bằng) là một trong những nguyên nhân khiến cho đạo đức xuống cấp trầm trọng?
Vì dốt nát về mặt nghiệp vụ, đạo đức lại yếu kém nên những người gắn mác giáo viên như Ngát và Bình không bao giờ mảy may nghĩ rằng hành vi ấy khiến cho trẻ bị biến đổi tâm lý nhanh chóng, thậm chí gây tổn thương cho não bộ và hạ thấp chỉ số thông minh của trẻ.
Khi nghiên cứu não của những người có tuổi thơ từng chịu đựng đòn roi, các nhà khoa học Anh thuộc Đại học Kings College ở London đã tiên đoán những biến cố chấn thương tâm lý có thể để lại dấu vết nào đó trong cấu trúc não hoặc tế bào thần kinh.
Dù vậy, họ vô cùng kinh ngạc vì kết quả còn khủng khiếp hơn dự đoán: Một số vùng của não bộ những người có tuổi thơ vị bạo hành đã bị biến mất.
Kết quả xét nghiệm chiếu chụp cho thấy số lượng các thể chất xám – chất tạo vỏ não ít hơn so với bình thường. Tệ hơn, hiện tượng còn xảy ra ở những khu vực đóng vai trò quyết định đối với quá trình tư duy và tái tạo thông tin.
Các nhà khoa học đã phân tích cấu tạo não của 56 trẻ em và 275 người lớn từng có trải nghiệm bạo lực ở tuổi ấu thơ (so sánh với trên 300 người không bị các trải nghiệm này), và phát hiện ra: Những người hứng chịu bạo lực ở thời thơ ấu có số lượng các thể chất xám giảm thiểu đáng kể ở thể hạnh đào và vùng rẽ thái dương chịu trách nhiệm với nhiều chức năng quan trọng, trong đó có trí nhớ.
Giáo sư Filip Rybakowski, bác sĩ tâm lý trị liệu trẻ em, giảng viên Đại học Tâm lý Xã hội Poznan (Ba Lan) nói rằng, không hiếm trường hợp chấn thương tâm lý do roi vọt đối với trẻ nghiêm trọng đến mức nó hủy hoại tâm lý, dẫn đến bệnh tâm thần hoặc tâm thần phân liệt.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Hà Lan thuộc Đại học Maastricht đối với hơn 4.000 bệnh nhân tâm thần (phổ biến là chứng ảo giác) và phát hiện ra sự trùng khớp là họ đã từng bị đánh ở nhiều mức độ khác nhau lúc còn bé.
Các nhà khoa học Mỹ cũng từng có nghiên cứu với sự tham gia của 2.500 bà mẹ nuôi con nhỏ và đi đến kết luận: Những đứa trẻ chịu đòn roi vào những năm tháng đầu đời thường hung hãn hơn khi chúng lớn lên và chỉ số IQ cũng bị giảm rõ rệt – mức chênh lệch 5 điểm so với những đứa trẻ được giáo dục không bạo lực.
Cô Nguyễn Thị Hồng Ngát (trái) và Đặng Thị Bình (phải). ảnh chụp từ An ninh tivi. |
Trở lại với vụ việc xảy ra tại Trường mầm non Sen Vàng, lúc này thì Cơ quan công an vẫn đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với Bình và Ngát.
Nhưng ngay từ lúc này, dư luận đã lên tiếng yêu cầu loại bỏ vĩnh viễn những người như Bình và Ngát ra khỏi môi trường giáo dục.
Những người quản lý ngôi trường này, cho dù bị chấm dứt hoạt động cũng phải công khai xin lỗi gia đình các cháu bé; xin lỗi đồng nghiệp, vì sự quản lý yếu kém đã để xảy ra những vi phạm không thể tha thứ, làm xấu đi hình ảnh của cô giáo mầm non.
Dù vậy, câu hỏi: Làm thế nào ngăn chặn trẻ bị bạo hành vẫn còn đó và không biết tới khi nào mới tìm thấy câu trả lời?
Phải chăng những người như Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đặng Thị Bình hành xử phản giáo dục là vì thời thơ ấu họ cũng từng hứng chịu đòn roi, cũng từng bị ai đó đánh vào đầu như vậy?!
(Bài viết có sử dụng thông tin tham khảo từ Tạp chí Tri thức trẻ)