LTS: Nghị định 88/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành khiến nhiều giáo viên vui mừng vì không phải bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm.
Tác giả Trần Vũ cho rằng đây là điểm đáng mừng nhưng giáo viên vẫn chưa hết âu lo về tính khách quan và minh bạch trong đánh giá khi Hiệu trưởng vẫn là người có quyền quyết định đánh giá và xếp loại giáo viên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 27/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, từ năm học 2017- 2018, giáo viên không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm, vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, miễn là đạt được tất cả các tiêu chí quy định, đó là:
“Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, hoàn thành 100% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, bảo đảm tiến độ chất lượng, hiệu quả;
Nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền; có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; Hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất;
Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp, điều lệ, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị, các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với công việc;
Thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của viên chức, có thái độ lịch sự, tôn trọng trong phục vụ, giao tiếp với nhân dân; có tinh thần đoàn kết, hợp tác hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Giáo viên vui mừng vì không phải bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm nhưng vẫn còn nhiều lo âu. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Còn giáo viên xếp loại Hoàn thành nhiệm vụ cũng không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm, miễn đạt được tất cả các tiêu chí sau đây:
“Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, hoàn thành từ 70% đến dưới 100% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, trong đó có công việc còn chậm về tiến độ, hạn chế về chất lượng, hiệu quả; có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất; Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp, điều lệ, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị, các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với công việc;
Thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của viên chức, có thái độ lịch sự, tôn trọng trong phục vụ, giao tiếp với nhân dân; có tinh thần đoàn kết, hợp tác hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Sáng kiến đối với danh hiệu thi đua cao vẫn còn nguyên giá trị |
Việc bỏ sáng kiến kinh nghiệm khi xếp loại viên chức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm theo Nghị định 88 của Chính phủ, thật sự là điều mà nhiều giáo viên mong đợi lâu nay.
Bởi sáng kiến kinh nghiệm phải viết hàng năm có khi không thực chất, chỉ là hình thức đối phó để không bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Từ khi có Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, cuối năm học, ngoài đánh giá giáo viên theo Chuẩn giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở trường học tiến hành đánh giá và phân loại giáo viên theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi Hiệu trưởng còn quyền quyết định đánh giá và xếp loại giáo viên theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thì việc đánh giá đó có: “Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và không nể nang” (Nguyên tắc đánh giá, phân loại viên chức theo Nghị định 56 của Chính phủ) hay không, là điều mà nhiều giáo viên vẫn chưa hết âu lo; bởi lẽ:
Điều 24 Nghị định 56 của Chính phủ, đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, có quy định: “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức, tham khảo ý kiến tham gia tại điểm b khoản này, quyết định đánh giá, phân loại viên chức”.
Còn điểm b điều 24 quy định:
“Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị để mọi người đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp”.
Thực trạng ở trường phổ thông hiện nay cho thấy, không phải không có Hiệu trưởng thực hiện không đúng tinh thần Nghị định 56 của Chính phủ quy định là:
“Việc đánh giá phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, việc đánh giá cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức” .
Một khi, Hiệu trưởng tập hợp xung quanh mình một “tập thể” gồm những giáo viên chủ chốt trong trường để làm hậu thuẫn thì giáo viên nào dám phản biện hoặc dám tố cáo hành vi tiêu cực của Hiệu trưởng hoặc làm mất mặt Hiệu trưởng trong các cuộc họp hội đồng nhà trường, nhất là trong hội nghị cán bộ viên chức có cấp trên tham dự; chắc chắn cuối năm sẽ bị Hiệu trưởng quyết định phân loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Quyết định này có cơ sở từ “tập thể” thân Hiệu trưởng biểu quyết tán thành khi thông qua cuộc họp ở đơn vị, với lý do: “Có hành vi chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết tại đơn vị” (Theo Nghị định 56 của Chính phủ).
Thế nên giáo viên nào cũng sợ Hiệu trưởng, nhất là những giáo viên mà bản thân có những điểm yếu; cụ thể như:
Do cung cấp bằng chứng cho đồng nghiệp tố cáo sai phạm ở trường, một giáo viên Trường tiểu học Phú Long, xã Phú Long huyện Phú Tân tỉnh An Giang, nhận mức kỷ luật cảnh cáo (Báo Tuổi trẻ ngày 27/2/2016).
Hoặc có những phát biểu liên quan đến vấn đề Hiệu trưởng nhà trường nhận hồ sơ tuyển sinh không đúng quy định, một giáo viên trường Tiểu học ở huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, bị phân loại đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ và bị điều động sang dạy trường khác (Báo Dân trí ngày 19/4/2017).
Hoặc một cô giáo là hiệu trưởng một trường Tiểu học ở huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang chống tiêu cực bị cách chức. (Báo Dân trí ngày 11/3/2017).
Có giáo viên nào dám đánh giá Ban giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ? |
Mặt khác việc tự đánh giá và phân loại của giáo viên, cũng như ý kiến đóng góp của tập thể trong nhà trường hiện nay, cũng có vấn đề, đó là:
Khi tự đánh giá và xếp loại bản thân, thường giáo viên ai cũng nhận xét về mình một cách chung chung, mặt nào cũng tốt.
Rất ít người dũng cảm tự nhận khuyết điểm, nên thường tự phân loại bản thân ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ là an toàn nhất.
Bởi tập thể nếu hạ mức xếp loại chỉ hạ xuống mức hoàn thành nhiệm vụ; không ai tự đánh giá mình là không hoàn thành nhiệm vụ, dù bản thân mắc những khuyết điểm theo quy định của tiêu chí đánh giá ở mức này.
Còn ý kiến tập thể đóng góp, thường là thống nhất với tự nhận xét và xếp loại của cá nhân; họ né tránh đánh giá và xếp loại đúng theo đúng tiêu chí quy định, bởi sợ mích lòng nhau, dù biết bản thân người tự đánh giá có những sai sót trong quá trình công tác; họ để Hiệu trưởng đánh giá và xếp loại cụ thể do phần lớn giáo viên ai cũng an phận, không ai muốn gây thù chuốc oán.
Từ thực trạng này, có thể khẳng định việc đánh giá và phân loại viên chức ở nhiều trường phổ thông hiện nay chưa thật sự bảo đảm được tính công bằng và khách quan, nhất là khi Hiệu trưởng không có cái tâm trong sáng thì làm sao đánh giá giáo viên được công tâm?
Do vậy, thiết nghĩ khi Nghị định 88 của Chính phủ được ban hành là điều hợp tình, hợp lý.
Nhưng để trọn vẹn hơn, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường Tiểu học, Điều lệ trường Trung học cơ sở và trường Trung học phổ thông, quy định: “Hiệu trưởng khi bổ nhiệm chức vụ phải qua thi tuyển” (theo Luật cán bộ, công chức).
Hiệu trưởng phải trúng tuyển qua kỳ sát hạch mới được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên bổ nhiệm.
Khi đó các cơ sở trường học mới bớt đi những Hiệu trưởng không giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý kém cỏi, lại thiếu cái tâm của nhà giáo và giáo viên các trường phổ thông mới thật sự an tâm để nâng cao chất lượng giảng dạy.