LTS: Chính phủ vừa có Nghị định số 86 quy định về cơ chế thu, quản lí học phí đối với sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ nay đến 2020.
Theo đó, sẽ áp dụng mức tăng học phí đều hàng năm giữa các ngành đào tạo. Chính sách này có tác động như thế nào đối với sinh viên, với các trường đại học…?
Bài phỏng vấn với ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường Đại học FPT sẽ làm rõ các khía cạnh. Tòa soạn trân trọng giới thiệu với độc giả.
Tăng học phí nhưng chưa đủ đảm bảo để nuôi sống giảng viên
PV: Theo quy định, năm học 2015-2016 sẽ thực hiện lộ trình tăng học phí trình độ đào tạo đại học. Theo ông, việc tăng học phí sẽ thay đổi bộ mặt giáo dục đại học như thế nào?
Ông Lê Trường Tùng: Vấn đề học phí, hay nói rộng hơn là vấn đề tài chính cho giáo dục đại học – bao giờ cũng phức tạp. Mỗi quốc gia giải quyết vấn đề này theo một cách, theo cách nào thì sẽ quyết định hình thái của hệ thống giáo dục đại học quốc gia như một hạ tầng xã hội như thế.
Những nước giàu có, chính sách phúc lợi xã hội tốt, ổn định (như ở Tây Âu, Bắc Âu) thì miễn phí học đại học. Một số nước rất nghèo, chỉ đủ ngân sách chi cho quân sự, an ninh, y tế, giáo dục - cũng miễn học phí nhưng hạn chế số người có quyền tiếp cận giáo dục đại học.
Các nước còn lại thì tìm vị trí trung gian với chính sách cụ thể về chi phí đào tạo đại học, đóng góp học phí hợp lý từ người học trong trường công, trường tư và mức độ tín dụng sinh viên.
Ông nhận thấy mô hình giáo dục đại học Việt nam đang như thế nào để áp dụng mức học phí mới?
Ông Lê Trường Tùng: Giáo dục đại học Việt nam đang là mô hình [Trường Công-Phí Thấp-Tín Dụng Thấp], tức là các trường đại học công chiếm đa số (hiện nay gần 90% sinh viên đang học trường công), duy trì mức học phí thấp (học phí trường công đại trà hiện nay khoảng 7 triệu đồng/năm- tức vào khoảng 350USD/năm, và học phí trung bình của trường tư cũng vào khoảng 10 triệu đồng – tức dưới 500USD/năm), và mô hình tín dụng sinh viên áp dụng ở phạm vi hẹp, mức vay thấp.
Với chi phí cho giáo dục đại học như vậy - cộng cả tiền cấp từ ngân sách nhà nước - có thể nói Việt Nam đang dạy đại học với chi phí thấp nhất thế giới.
Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT. Ảnh Xuân Trung |
Tôi nói thấp nhất thế giới, vì chúng tôi đang triển khai nghiên cứu mô hình đào tạo đại học chất lượng với chi phí phù hợp (QAHE – Quality&Affodable Higher Education), mới thấy hóa ra là trên thế giới không có nước nào có trường đại học tư học phí một năm ở mức dưới 500USD/năm cả.
Với chính sách hiện nay, dù có tăng học phí thì đến năm 2020 mô hình hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vẫn là (Trường Công-Phí Thấp-Tín Dụng Thấp), dù đang muốn hướng tới (Đại học Công Tư – Phí Phù Hợp – Tín Dụng Cao) – tức là hệ thống giáo dục đại học có tỷ lệ trường công trường tư hợp lý, chi phí đào tạo đủ cao để đảm bảo chất lượng, và hệ thống hỗ trợ tín dụng cho sinh viên tốt.
Những gì mong muốn và cách thức thực hiện của Việt Nam không được nhất quán. Chẳng hạn Nghị quyết 29 về Đổi mới giáo dục nói cần tăng tỷ trọng các trường ngoài công lập – trong khi chính sách thì lại luôn hỗ trợ trường công, hạn chế mở thêm trường tư.
Muốn học phí phù hợp (thu đủ bù chi), nhưng theo lộ trình tăng học phí thì học phí đại trà đến năm 2020 vào khoảng 10 triệu/năm, còn cho trường công tự chủ tài chính khoảng 25 triệu/năm, tức mức học phí 500-1.000USD/năm chưa đủ để nuôi sống giảng viên và đảm bảo chất lượng tối thiểu.
Còn tín dụng sinh viên thì chưa có cơ chế, chưa có nguồn vốn để tăng được khoản vay cho sinh viên - không chỉ học phí mà cả chi phí sinh hoạt – cùng với việc mở rộng đối tượng được vay cũng như cơ chế hoàn nợ phù hợp khi đi làm.
Chính phủ vừa có Nghị định số 86 quy định về cơ chế thu, quản lí học phí đối với sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ nay đến 2020.
Theo đó, sẽ tiến tới và tính giảm dần bao cấp của Nhà nước. Theo ông, lộ trình này là bước đi thể hiện tính tự chủ hay đó là cách mà chúng ta giảm gánh nặng kinh phí cho giáo dục?
Ông Lê Trường Tùng: Tự chủ giáo dục đại học và tự chủ thu chi là hai khái niệm khác nhau. Tự chủ trong quản trị một trường đại học không có nghĩa là không nhận tiền từ ngân sách.
Các trường đại học Anh, Úc, Mỹ hiện nay vẫn nhận ngân sách, nhưng tính tự chủ rất cao, ngược lại các trường đại học tư Việt Nam mặc dù không nhận ngân sách nhưng tự chủ vẫn chỉ ở mức thấp.
Học phí tăng là đúng quy luật thị trường, sẽ giúp phân tầng các trường đại học(GDVN) - “Tăng học phí là thuận lợi cũng như thách thức cho trường, đừng để xã hội kêu là treo đầu dê bán thịt chó”. |
Theo tôi mục tiêu của các chính sách không chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách, không chỉ là tăng tự chủ cho các trường công, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng giáo dục đại học đồng thời đảm bảo quyền đi học sau phổ thông của người dân.
Để nâng cao chất lượng giáo dục có nhiều việc phải làm, trong đó ở khía cạnh tài chính cần xác định mức chi tối thiểu cho một sinh viên, phần chi này sẽ bao nhiêu từ học phí, bao nhiêu từ hỗ trợ nhà nước, bao nhiêu từ vay trả sau.
Trong giáo dục, thông thường vẫn là “liệu cơm gắp mắm”, có nhiều chi nhiều, ít chi ít, nhiều trường thu theo mức thu “truyền thống” và chi theo mức thu, chất lượng đến đâu thì đến.
Chúng tôi có xây dựng một mô hình đơn giản dựa theo thông lệ quốc tế: chi phí học đại học một năm tương đương với khoảng nửa năm lương đi làm sau này. Đây là cách tính có tính đến khả năng chi trả của người học cũng như chi phí đào tạo, trong đó có thu nhập hợp lý của giảng viên.
Chẳng hạn lương kỹ sư hiện nay là 5 triệu đồng/tháng, khi đó học phí học đại học một năm (2 học kỳ, 10 tháng) sẽ vào khoảng 30 triệu tương đương 6 tháng lương.
Lương cơ bản của giảng viên trung bình gấp đôi lương kỹ sư ra trường – tức khoảng 10 triệu/tháng, khi đó học phí của 4 sinh viên (120 triệu)đủ để tra thu nhập cho giảng viên, và với tỷ lệ sinh viên giảng viên là 1:20, 80% học phí còn lại để dành cho các hoạt động hỗ trợ đào tạo khác.
Lương kỹ sư ở Úc là 4 ngàn đô la, khi đó chi phí học một năm khoảng 24 ngàn đô la. Học phí ở Mỹ, ở Anh cũng ở mức độ như vậy, tương ứng với lương giáo sư khoảng 100 ngàn đô la/năm.
Trở lại Nghị định 86. Nghị định này nâng học phí mặt bằng chung lên một chút, người học sẽ phải trả học phí cao hơn, đồng thời khuyến khích các trường công nếu như không nhận tiền ngân sách thì được thu học phí cao hơn và có nhiều quyền hơn.
Theo quy định, thì lộ trình tăng 10% học phí mỗi năm, ông có thấy phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi?
Ông Lê Trường Tùng: Như chúng tôi đã tính, để khỏi dị biệt với thế giới, để thoát khỏi thực trạng cung cấp “hàng rẻ chất lượng thấp” thì chi phí đào tạo đại học tối thiểu 30 triệu đồng/sinh viên/năm, tức gấp 3 hiện nay.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập, tăng chi ngân sách không thể theo kịp mức độ tăng này. Chỉ có cách là nhà nước không đầu tư đại trà mà chỉ chi nhân sách vào một số ít trường, ít khoa cần thiết, đồng thời tăng cường các nguồn hỗ trợ học bổng, tín dụng cho các đối tượng cần hỗ trợ.
Việc gần 90% sinh viên theo học các trường công, trong đó chỉ có khoảng 10% số trường công có thể tự đảm bảo được tài chính đang là một thách thức lớn cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
Tăng học phí có đi đôi với chất lượng?
Câu chuyện về tăng học phí, nhất là với các trường đại học luôn thu hút sự quan tâm của sinh viên. Lời giải cho việc tăng học phí liệu có đi đôi với tăng chất lượng đào tạo?
Ông Lê Trường Tùng: Nếu quản trị không tốt và đi không đúng hướng thì tăng học phí cũng không tăng được chất lượng giáo dục đại học.
Phải nói là chúng ta cần phải tăng học phí là do đang để mức học phí quá thấp, và nếu không tăng chi phí đào tạo đại học – trong đó một giải pháp là tăng học phí – thì với phương thức đào tạo hiện nay, không thể cải thiện chất lượng giáo dục đại học được.
Học phí đại học Việt Nam được xem là vẫn rẻ trong khu vực. Ảnh minh họa Đại học DL Hải Phòng. |
Tôi nói “với phương thức đào tạo hiện nay” – vì chúng tôi đang hy vọng có được mô hình đào tạo đại học chất lượng cao giá phù hợp – nhưng khi đó cần phải thay đổi nhiều – thay đổi cách học, cách dạy, thay đổi định nghĩa về thầy, thay đổi định nghĩa về lớp, về trường, đưa công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục, công nghệ quản lý vào để nâng cao năng suất dạy và học, giảm chi phí trong quá trình dạy và học trên cơ sở vẫn nâng cao được chất lượng đào tạo.
Hiện mới chỉ có 12 trường đại học công được tự chủ tài chính, việc này có phải là đang đẩy các trường vào khu vực thị trường?
Và điều này cũng sẽ thúc đẩy các trường cải thiện chất lượng đào tạo, vì khi giảm bớt phụ thuộc vào nguồn ngân sách, các trường sẽ phải hướng tới thị trường nhiều hơn và đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi thực tế của xã hội?
Ông Lê Trường Tùng: Chính phủ đặt cho những người quản lý giáo dục tại các trường đại học công một bài toán không dễ tý nào: nếu như không nhận tiền nhà nước nữa thì có cách nào tồn tại và phát triển được không?
Không nhận tiền nhà nước thì phải tăng thu học phí, khi đó nếu chất lượng đào tạo cứ làng nhàng như trước đây liệu sẽ có đủ người học hay không?
Học phí Đại học tăng đều 10% mỗi năm(GDVN) - Bộ GD&ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2015 - 2016 đến 2020 - 2021. |
Và để tăng chất lượng lên một mức thì tăng thế nào, liệu có đủ lực để tăng? Mỗi trường sẽ giải bài toán này theo một cách riêng của mình, và 12 trường công đã được phê duyệt cho tự chủ - cho “ra ở riêng” - là các trường đã có cách đi riêng của mình.
Với gần 300 trường đại học, cao đẳng công lập còn lại, tôi cho rằng ngay cả khi chưa đủ điều kiện “ra ở riêng” thì cũng cần tư duy và hành động như đang ở riêng với sự trợ giúp của “phụ huynh” nhà nước – với mức trợ giúp giảm dần và trợ giúp có thời hạn. Có vậy mới phát triển được.
Các trường trong lộ trình tăng học phí liệu cần một cam kết từ phía cơ sở đào tạo về chất lượng đào tạo, về tỷ lệ người có việc làm hay không?
Ông Lê Trường Tùng: Theo quy định hiện nay thì các trường phải công khai các chuẩn đầu ra, cũng được hiểu như một dạng cam kết. Tuy nhiên điều không dễ thực hiện là “nếu không thực hiện được thì sao”. Cam kết mà không có ràng buộc “nếu” này thì chỉ là cam kết về tinh thần để người học yên tâm hơn mà thôi.
Trân trọng cảm ơn ông.