Đại diện các trường sư phạm đã nêu lên nhiều kiến nghị để đảm bảo chất lượng, thu hút “nhân tài” tại “hội nghị công tác thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh năm 2018” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại năm điểm cầu trên cả nước.
Phải giám sát các trường sư phạm tuyển sinh
Liên quan đến việc tuyển sinh, đào tạo của các trường sư phạm, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đã đưa ra lời cảnh báo về việc một số trường đào tạo giáo viên xét tuyển ngưỡng đầu vào quá thấp, gây tâm lý lo ngại trong xã hội.
Các trường sư phạm kêu khó tuyển sinh. Ảnh: TT |
Do đó, kỳ tuyển sinh năm 2018, Bộ sẽ có nhiều quy định “khắt khe” đối với các ngành đào tạo giáo viên.
Phó giáo sư Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Đại học sư phạm Đà Nẵng nhìn nhận, hiện việc tuyển sinh của các trường sư phạm rất khó khăn.
Tuy nhiên, việc Bộ Giáo dục siết chặt đầu vào để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên là hoàn toàn đúng đắn, nhận được sự ủng hộ của các trường.
Thí sinh chọn ngành sư phạm vẫn tiếp tục tăng lên |
Hiện các trường đào tạo sư phạm chính (câu lạc bộ các trường sư phạm) đang kết hợp với nhau để tiến hành lọc ảo, qua đó lựa chọn được những thí sinh có điểm đầu vào cao.
“Bộ cần đưa ra một ngưỡng đầu vào cho ngành sư phạm để sử dụng chung cho tất cả các trường sư phạm trên cả nước.
Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ việc tuyển sinh đầu vào, không để xảy ra trường hợp có trường nghiêm túc thực hiện nhưng có trường lại phá rào, vơ vét”.
Cũng theo thầy Minh, đối với các trường sư phạm không tuân thủ quy định ngưỡng đầu vào của Bộ thì phải xử lý nghiêm, không để ảnh hưởng chung đến toàn ngành.
Kiến nghị Bộ “gỡ vướng” chính sách
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị cũng cho hay, trường này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh.
Hầu hết, các ngành của nhà trường đều có rất ít sinh viên theo học. Dù vậy, một số ngành đào tạo của nhà trường là mầm non và tiểu học thì vẫn đang đáp ứng nhu cầu của xã hội.
“Sư phạm không phải là một lối ra quá chật chội” |
Nhưng năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giao tỷ lệ tuyển sinh rồi phân bố chỉ tiêu từng loại ngành.
Ví dụ như Bộ cho trường tuyển sinh 700 sinh viên, trong đó có quy định là ngành công nghệ thông tin bao nhiêu, ngành âm nhạc bao nhiêu…
Theo vị này thì việc phân bổ chỉ tiêu cụ thể của từng ngành khiến nhà trường càng thêm khó khăn trong tuyển sinh và sẽ không tuyển đủ số lượng sinh viên cần thiết.
“Chúng tôi tuyển sinh dựa trên chỉ tiêu thực tế của tỉnh. Theo đó, sở Giáo dục và Đào tạo sẽ khảo sát nhu cầu tuyển dụng tại các trường thuộc hệ công lập, sau đó báo về tỉnh để đưa ra các số liệu thực tế.
Căn cứ trên số liệu này chúng tôi xin chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng thực tế có rất nhiều trường mầm non tư thục ra đời và nhu cầu tuyển dụng giáo viên khá lớn.
Số lượng thí sinh đăng ký học khá lớn nhưng chúng tôi không được tuyển”, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị nêu khó khăn.
Do đó, ông này kiến nghị Bộ cho phép các trường Cao đẳng sư phạm tự cân đối, điều chỉnh tỷ lệ tuyển sinh trong các ngành (không vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh).
Cụ thể như ngành mầm non có nhu cầu lớn thì cho tuyển số lượng lớn hơn, còn cắt giảm các ngành về công nghệ thông tin, thể dục…
Đại diện Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng cho rằng, các trường luôn sợ tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đăng ký với Bộ. Nhưng thực tế trong năm học thì có thể có trường hợp nhiều sinh viên nghỉ học, chuyển trường…
Do đó, Bộ nên cho các trường tuyển tăng lên để bù vào số này. Ngoài ra, cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét quy mô nhà trường, tỷ lệ giảng viên/sinh viên để đánh giá, kiểm soát chất lượng đào tạo.
Còn quy mô tuyển sinh nên giao cho nhà trường được quyền tự chủ, miễn là trường đáp ứng được các yêu cầu của Bộ quy định.