Tờ “Minh báo” Hồng Kông ngày 12 tháng 10 cho rằng, việc xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bước vào giai đoạn “hoàn thành, bắt đầu sử dụng công trình”.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. |
Theo báo chí Anh và Mỹ, Hải quân Mỹ đang đợi lệnh của Tổng thống Mỹ Barack Obama để điều tàu chiến đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo này, nhằm khẳng định mạnh mẽ “Mỹ không thừa nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với chúng”.
Những thông tin này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc thăm Mỹ, sẽ thăm Việt Nam vào tháng tới và sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC ở Philippines, cho thấy: “Vấn đề Biển Đông rất có thể trở thành điểm nóng mới của mâu thuẫn Trung-Mỹ trong tương lai”.
Mâu thuẫn Trung-Mỹ ở Biển Đông nóng lên
Trong các loại mâu thuẫn của Trung-Mỹ, vấn đề nhân quyền đã tranh cãi nhiều năm; vấn đề tin tặc mạng và ăn cắp bí mật thương mại cũng là một phần của cuộc chiến gián điệp. Trung Quốc đã áp dụng thái độ thỏa hiệp, bắt giữ một số tin tặc, thể hiện thiện chí với Mỹ, nên hai nước không thể xảy ra xung đột vũ trang vì các vấn đề này.
Trong thời đại hợp tác kinh tế hiện nay, chiến tranh thương mại càng khó tiến hành. Chỉ có vấn đề Biển Đông - đây là nơi hải, không quân hai nước Trung-Mỹ xảy ra đối đầu nhiều nhất trong những năm gần đây.
Ngoài ra, còn có sự can dự, liên quan đến nhiều thế lực như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và ASEAN, có thể gọi là vô cùng phức tạp, làm cho mâu thuẫn giữa Trung-Mỹ ở Biển Đông ngày càng gay gắt hơn.
Mâu thuẫn giữa Trung-Mỹ trong vấn đề Biển Đông rất rõ ràng và sẽ ngày càng gay gắt. Trong hình là nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại cuộc họp báo sau hội đàm ngày 25 tháng 9 năm 2015 |
Cách đây không lâu, tại cuộc họp báo sau hội đàm (ngày 25 tháng 9 năm 2015), nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ đã phát biểu "mỗi người một phách" trong vấn đề Biển Đông, cho thấy bất đồng trong vấn đề này vẫn tồn tại.
Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có "chủ quyền" đối với các đảo ở Biển Đông "từ thời cổ đại" và cho rằng "có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý".
Nhưng, Trung Quốc chưa bao giờ trưng ra được các bằng chứng xác thực và có giá trị, chỉ lấy bản đồ "đường 11 đoạn" do Đài Loan vẽ bậy làm cơ sở để đưa ra yêu sách "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) ngông cuồng, bành trướng, tham lam, bá quyền; thậm chí dùng vũ lực ăn cướp quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV.
Tổng thống Mỹ Obama khẳng định họ không giữ lập trường đối với tranh chấp Biển Đông, nhưng cho biết sẽ kiên trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Bài báo cho rằng, Mỹ còn giấu một ý đồ, đó là tận dụng tuyến đường quan trọng ở Biển Đông để đến gần trinh sát Trung Quốc ở trên biển, trên không.
Theo bài báo, tàu chiến, máy bay Quân đội Mỹ có thể trực tiếp đi qua Biển Đông, tiếp cận căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam để quan sát.
Mỹ có thể điều tàu chiến, máy bay đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông |
Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ hỗ trợ cho Quân đội Trung Quốc "mở rộng phạm vi cảnh báo sớm thêm vài trăm, thậm chí trên 1.000 km, gây rất nhiều phiền phức cho hoạt động trinh sát trong tương lai của tàu chiến, máy bay Quân đội Mỹ".
Theo bài báo, hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng gây bất mãn cho một số nước ASEAN nhất là Philippines và Việt Nam. Hai nước này đều "có ý định dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ để đối phó Trung Quốc".
Trên thực tế, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng tự vệ, kiên quyết chống mọi thế lực bên ngoài nhòm ngó lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, bất kể kẻ thù có tham lam, hùng mạnh và hung các như thế nào - PV.
Bài báo còn cho rằng, đây là thách thức của chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Mỹ nếu quay về mà không đạt được gì thì trong tương lai sẽ mất thể diện rất lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 6 tháng 5 năm 2015, Cảnh sát biển Nhật Bản-Philippines tổ chức diễn tập chống cướp biển ở Biển Đông. Gần đây, quan chức Philippines nói thẳng rằng, cảnh sát biển Trung Quốc chính là "cướp có vũ trang" ở Biển Đông. |
Nhật Bản tích cực can dự, triển khai "vây Ngụy cứu Triệu" ở Hoa Đông
Theo bài báo, điều đáng chú ý là, trước đây, Chính phủ Nhật Bản tương đối kín tiếng ở Biển Đông, những năm gần đây lại ngày càng có xu hướng tích cực, không chỉ ra sức tăng cường hợp tác quân sự với hai nước Philippines, Việt Nam, tham gia diễn tập quân sự liên hợp với Mỹ, Philippines,
nội bộ Chính phủ Nhật Bản thậm chí xuất hiện tư tưởng để cho tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và tàu chiến Mỹ cùng đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Bài báo đưa ra bình luận: Lý do bề ngoài là, Biển Đông là tuyến đường quan trọng thực hiện thương mại với bên ngoài - là tuyến đường sinh mệnh của Nhật Bản, cần phải bảo vệ tự do hàng hải. Nhưng, nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn Trung-Nhật những năm gần đây trở nên gay gắt.
Trọng tâm ngoại giao của Nhật Bản chuyển sang hướng ngăn chặn Trung Quốc. Nếu Trung Quốc rơi sâu vào cuộc khủng hoảng Biển Đông, có lợi cho giảm bớt sức ép cho Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, có lợi cho "vây Ngụy cứu Triệu".
Việt Nam đạt đồng thuận với Trung Quốc về giải quyết hòa bình các vấn đề trên biển, nhưng không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ chủ quyền, mà sẽ đấu tranh kiên quyết và mạnh mẽ với Trung Quốc để lấy lại và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển liên quan theo luật pháp quốc tế |
Tập Cận Bình sẽ "vừa cứng vừa mềm" với Việt Nam, Philippines?
Theo bài báo, đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông liên quan đến cái gọi là "chủ quyền", "toàn vẹn lãnh thổ", "không thể nhượng bộ". Nhưng, nếu gây chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến "đại kế" phát triển kinh tế và cải cách mở cửa.
Do đó, Bắc Kinh luôn dùng thủ đoạn vừa cứng vừa mềm ở Biển Đông, muốn loại bỏ được sức ép từ bên ngoài (để thực hiện lòng tham không đáy "đường lưỡi bò" ở Biển Đông).
"Cứng" ở đây là kiên trì đòi chủ quyền, không nhượng bộ, từ chối tham gia vụ kiện Biển Đông do Philippines đưa ra ở tòa án trọng tài quốc tế, xây dựng các công trình quy mô lớn ở các đảo đá trên Biển Đông (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là để “tuyên bố chủ quyền một cách cụ thể”.
"Mềm" ở đây là Trung Quốc "thỏa hiệp trong đàm phán đa phương", đồng ý cùng ASEAN bàn xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC), đồng thời đạt được đồng thuận với Việt Nam về quản lý, kiểm soát bất đồng trên biển.
Năm 2014, giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc và lực lượng Cảnh sát biển - lực lượng hải quân trá hình của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng vùng biển chủ quyền biển của Việt Nam |
Năm 2014, sau khi làn sóng phản đối (hành động bành trướng lãnh thổ, bành trướng vũ lực của) Trung Quốc ở Việt Nam nổi lên, Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 (hạ đặt bất hợp pháp ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đi kèm là lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ, đe dọa vũ lực đối với Việt Nam - PV).
Theo bài báo, đến tháng 11 năm 2015, Tập Cận Bình sẽ đến Việt Nam và Philippines, mặc dù hai chuyến thăm này chưa chắc có hiệu quả "trị tận gốc" tranh chấp Biển Đông, nhưng ít nhất có thể "làm dịu" quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với hai nước.
Đặc biệt, trong năm tới, Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng, thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời gian tới như thế nào còn chờ quan sát.
Trong khi đó, tháng 5 năm 2015, Philippines cũng sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống. Trong 3 ứng cử viên có 2 người có thái độ "ôn hòa" với Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh nếu chủ động cải thiện quan hệ với Việt Nam và Philippines, đối với hai nước có ý định can dự vấn đề Biển Đông gồm Mỹ và Nhật Bản, chắc chắn sẽ có hiệu quả "giải quyết tận gốc".
Theo bài báo, do quân đội hai nước Trung Quốc và Mỹ đã ký kết bộ quy tắc ứng xử gặp nhau giữa máy bay và tàu chiến, những năm gần đây, quân đội hai nước cũng bắt đầu thiết lập đường dây trao đổi định kỳ, chỉ cần cấp cao hai bên giữ bình tĩnh sẽ có thể tránh xảy ra xung đột.
Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng |
Về lâu dài, giải quyết vấn đề Biển Đông vẫn lệ thuộc vào “đàm phán hòa bình” giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, xây dựng bộ quy tắc ứng xử để duy trì hòa bình, an ninh khu vực.
Bởi vì, một khi chiến tranh Biển Đông xảy ra, không chỉ làm bị thương cả hai nước Trung Quốc và Mỹ, mà còn tác động tới cả Philippines, Việt Nam. Toàn bộ ASEAN cũng không tránh khỏi vạ lây, không ai là người chiến thắng, cuối cùng làm cho triển vọng phồn vinh châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 trở thành "con số không".