Máy bay vận tải Osprey Mỹ sẽ chở xe chiến đấu cỡ nhỏ và triển khai ở Yokota

23/05/2015 08:52
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Thủy quân lục chiến Mỹ có kế hoạch nâng cấp độ an toàn và tin cậy cho xe chiến đấu cỡ nhỏ và chở trên máy bay cánh xoay nghiêng MV-22 Opsrey.
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ

Osprey sẽ chở xe chiến đấu nhỏ

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 22 tháng 5 dẫn trang mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 20 tháng 5 đăng bài viết "Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ xem xét phương tiện giao thông hạng nhẹ".

Theo bài viết, trong thời điểm lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ quay lại với truyền thống viễn chinh của họ, đang có kế hoạch tiến hành nâng cấp độ an toàn và độ tin cậy "xe chở bên trong máy bay" (ITV) - đồng thời có khả năng tiến hành được chở trên máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Opsrey.

Một sĩ quan Lực lượng Thủy quân lục chiến cho biết, những nỗ lực này phù hợp với yêu cầu tác chiến cao hơn và tư tưởng "quân viễn chinh thế kỷ 21", nhấn mạnh lực lượng hạng nhẹ, chẳng hạn lực lượng viễn chinh hải quân phản ứng nhanh.

Trong tương lai, khi triển khai 12 "đội viễn chinh Thủy quân lục chiến" (MEU), mỗi đơn vị đều có thể chở theo 20 chiếc xe.

Mỹ trưng bày xe mẫu có thể chở trên máy bay (ITV)
Mỹ trưng bày xe mẫu có thể chở trên máy bay (ITV)

Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt Quân đội Mỹ đang nỗ lực nghiên cứu phát triển phương tiện giao thông có thể do máy bay vận tải Osprey vận chuyển.

Mùa thu năm nay, Phòng thí nghiệm tác chiến của lực lượng Thủy quân lục chiến sẽ triển khai thử nghiệm "mục tiêu hạn chế" và "công nghệ hạn chế", nhằm xác định nhu cầu và tìm được phương tiện giao thông có thể đáp ứng nhu cầu.

Lực lượng Thủy quân lục chiến đang thảo luận với 12 nhà cung cấp, xe của họ có thể chở trên máy bay vận tải MV-22 Osprey, tham gia hoạt động thử nghiệm công nghệ được tiến hành ở trung tâm thử nghiệm xe bang Nevada.

Có thể nói, những nỗ lực này đánh dấu sự quay trở lại của "xe chở bên trong". Trong chiến tranh Iraq và Afghanistan, để tránh bị bom ven đường tấn công, Quân đội Mỹ không muốn sử dụng "xe chở bên trong" không có bọc thép.

Máy bay vận tải Osprey rơi vỡ

Tân Hoa xã ngày 18 tháng 5 đưa tin, một chiếc máy bay vận tải MV-22 Osprey của lực lượng Thủy quân lục chiến ngày 17 tháng 5 đã bị rơi vỡ khi hạ cánh trong một lần huấn luyện bay ở Hawaii, làm 1 người chết, 21 người bị thương.

Mỹ triển khai máy bay vân tải MV-22 Opsrey ở Nhật Bản
Mỹ triển khai máy bay vân tải MV-22 Opsrey ở Nhật Bản

Được biết, trên máy bay này khi đó chở 22 người, trong đó có 21 binh sĩ thủy quân lục chiến và 1 quân nhân hải quân. Quân nhân bị thiệt mạng thuộc lực lượng thủy quân lục chiến, còn những quân nhân bị thương có mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Đặc điểm của máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey là có thể cất cánh như máy bay trực thăng, cũng có thể bay như máy bay, có thể chở 24 binh sĩ.

Hiện nay Quân đội Mỹ đã triển khai 24 máy bay vận tải MV-22 Osprey của lực lượng Thủy quân lục chiến ở căn cứ Futenma, Ginowan, tỉnh Okinawa, Nhật Bản.

Sự cố lần này tiếp tục gây lo ngại cho người dân và các đoàn thể địa phương của Nhật Bản đối với độ an toàn của máy bay vận tải Opsrey.

Tháng 10 năm 2014, trong một sự cố của máy bay MV-22 Osprey, một thành viên của lực lượng Thủy quân lục chiến đã thiệt mạng; trong 2 sự cố rơi vỡ ở bang Florida Mỹ và Morocco xảy ra năm 2012 đều có nhân viên tổ lái bị chết.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ

Mỹ sẽ triển khai Osprey ở Yokota, gây lo ngại cho dân địa phương

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 21 tháng 5 dẫn báo Nhật cho biết, hiện nay, căn cứ Yokota ở Tokyo, Nhật Bản đã quyết định sẽ triển khai máy bay vận tải mới Opsrey của Không quân Mỹ.

Tỉnh Saitama đã trực tiếp đến gặp Bộ Quốc phòng Nhật Bản và trình bản kiến nghị, yêu cầu chính phủ tiến hành nói rõ về các tình hình như độ an toàn của máy bay vận tải Opsrey và sự cố xảy ra ở Hawaii gần đây.

Theo bài báo, chính quyền nhiều địa phương có triển khai căn cứ quân Mỹ ở Nhật Bản rất quan ngại về tai họa ngầm đối với an toàn của người dân địa phương do máy bay vận tải Opsrey gây ra.

Bản kiến nghị của tỉnh Saitama chủ yếu yêu cầu Chính phủ Nhật Bản tiến hành nói rõ và giải thích có sức thuyết phục đối với người dân địa phương về độ an toàn của máy bay và tiến hành thông báo các sự cố xảy ra gần đây.

Quan chức địa phương cho rằng, là thành phố lân cận căn cứ Yokota, các sự cố của máy bay Osprey gây lo ngại sâu sắc, hy vọng chính phủ có quan điểm thẳng thắn, xóa bỏ sự bất an của người dân.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ

Trong những năm gần đây, truyền thông Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại về các hoạt động triển khai áp sát của Quân đội Mỹ, vì thế đã tích cực đưa tin, tuyên truyền về sự phản đối của người dân Nhật Bản đối với hoạt động triển khai quân sự của Mỹ ở Nhật Bản - PV.

Trong đó có vấn đề di dời căn cứ Futenma hay triển khai máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Opsrey của Mỹ ở Nhật Bản - PV.

Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền để chia rẽ quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, nhất là tuyên truyền cho rằng Nhật Bản đang quay trở lại với "chủ nghĩa quân phiệt", với hy vọng là Mỹ sẽ cảnh giác, đề phòng, ngăn chặn và kiềm chế Nhật Bản - PV.

Tuy nhiên, những nỗ lực của truyền thông Trung Quốc dường như không có tác dụng bao nhiêu. Gần đây, Mỹ-Nhật đã thắt chặt hơn quan hệ đồng minh, nhất là đã sửa đổi Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ, cho phép Nhật Bản tiếp tế hậu cần cho Quân đội Mỹ ở khắp nơi trên thế giới - PV.

Điều này rõ ràng là sự đáp trả của Mỹ và đồng minh đối với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng và các hoạt động quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở khu vực, nhất là liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Á như biển Hoa Đông, Biển Đông - PV.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ cất cánh tập thể ở căn cứ Futenma, Nhật Bản
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ cất cánh tập thể ở căn cứ Futenma, Nhật Bản
Đông Bình (Tổng hợp)