Quan chức Đài Loan đã cảm nhận được thiện chí của Việt Nam

24/05/2014 09:11
Đông Bình
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Thẩm Vinh Tân đã dẫn đầu Đoàn công tác Đài Loan đến Việt Nam để thăm hỏi, tìm hiểu tình hình.

Việt Nam bày tỏ thiện chí với phía Đài Loan

Tờ “Dân chúng”, hãng tin CNA Đài Loan ngày 23 tháng 5 đã đăng một số bài viết đưa tin, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Thẩm Vinh Tân đã dẫn đầu Đoàn công tác Đài Loan đến Việt Nam để thăm hỏi, tìm hiểu tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp Đài Loan, đồng thời đàm phán với Việt Nam về phương án bồi thường cho các doanh nghiệp Đài Loan bị thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Thẩm Vinh Tân đến Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Thẩm Vinh Tân đến Việt Nam

Theo báo Đài Loan, sự kiện biểu tình bị nhiều đối tượng lợi dụng ngày 13 tháng 5 đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Đài Loan, ngày 22 tháng 5 Chính phủ Việt Nam bày tỏ thiện chí rất cao, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào 5 giờ chiều đã hội kiến với Đoàn đại biểu Đài Loan thăm Việt Nam.

Trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Thẩm Vinh Tân, đại diện Đài Loan tại Việt Nam Hoàng Chí Bằng, Trưởng phòng đầu tư-Cục thương mại quốc tế Đài Loan Liên Ngọc Bình, Hội trưởng Thương hội Đài Loan tại Việt Nam Lưu Mỹ Đức… đã được Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải tiếp.

Đây là quan chức cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam hội kiến với quan chức Đài Loan kể từ năm 1982 đến nay, thể hiện thiện chí xử lý vấn đề bạo động ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đài Loan của Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 21 tháng 5, ông Thẩm Quang Vinh cùng đoàn của mình đã đến thành phố Hồ Chí Minh, rồi nhanh chóng đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thăm hỏi các doanh nghiệp Đài Loan bị thiệt hại, gửi lời thăm hỏi và sự quan tâm của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và Viện trưởng Viện hành chính Đài Loan Giang Nghi Hoa.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tiếp ông Thẩm Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tiếp ông Thẩm Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan

Tiếp theo, Đoàn công tác Đài Loan đã lần lượt hội đàm với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam, Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai lần lượt là ông Đinh Quốc Thái và bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Trong ngày 23 tháng 5, đoàn phía Đài Loan còn được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh tiếp kiến. Hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề như bồi thường cho các doanh nghiệp Đài Loan, qua đây, ông Thẩm Vinh Tân đã cảm nhận được thiện chí của phía Việt Nam. Bài báo cho rằng, đây là lần đầu tiên Đài Loan và Việt Nam tiến hành đối thoại cấp cao sau khi xảy ra sự việc không mong muốn ngày 13 tháng 5 vừa qua.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, doanh nghiệp Đài Loan là doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư sớm, hiện nay Đài Loan là nước đầu tư lớn thứ tư của Việt Nam, tổng kim ngạch đầu tư khoảng 27 tỷ USD.

Việt Nam đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp Đài Loan đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và quan hệ đầu tư tốt đẹp giữa Đài Loan và Việt Nam, đồng thời cho biết, các doanh nghiệp Đài Loan đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Thẩm Vinh Tân đến thăm các doanh nghiệp Đài Loan
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Thẩm Vinh Tân đến thăm các doanh nghiệp Đài Loan

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đã xảy ra hoạt động biểu tình ở một số địa phương, không ngờ lại ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan, ngoài doanh nghiệp Đài Loan bị thiệt hại, sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng bị tác động, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đây là sự cố ngoài ý muốn và cảm thấy rất đáng tiếc.

Đối với vấn đề này, các cơ quan của Việt Nam đang áp dụng tất cả biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan và các nước xây dựng lại lòng tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam sẽ huy động các cơ quan hỗ trợ cho các doanh nghiệp Đài Loan xây dựng lại và hoạt động trở lại; bảo đảm an toàn con người và tài sản của các doanh nghiệp Đài Loan. Hy vọng các doanh nghiệp Đài Loan phối hợp, hiểu và thông cảm với khó khăn của Chính phủ Việt Nam, cùng vượt qua khó khăn.

Ông Thẩm Vinh Tân đã cảm ơn về thái độ thiện chí của Việt Nam, đánh giá cao chỉ thị 207 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sau các cuộc biểu tình bạo lực.

Ông Thẩm Vinh Tân cho biết, sau khi đến thăm các doanh nghiệp Đài Loan phát hiện một số doanh nghiệp bị tổn thất, tâm lý cũng bị tác động lớn, muốn Chính phủ Việt Nam coi trọng và có thiện chí, dựa vào “Hiệp định bảo hộ đầu tư Đài-Việt”, bồi thường thích đáng cho tổn thất của các doanh nghiệp Đài Loan, bảo vệ an toàn và tài sản của các doanh nghiệp Đài Loan, xử lý các vấn đề có liên quan tiếp theo.

Giàn khoan 981 của Trung Quốc đang đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.
Giàn khoan 981 của Trung Quốc đang đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Ông cũng đã đưa ra ý kiến của các doanh nghiệp Đài Loan cùng danh sách “nhu cầu của Đài Loan, yêu cầu Việt Nam phối hợp”. Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Binh đã chỉ thị cho các cơ quan có liên quan phải đưa ra phương án giải quyết cụ thể, đến ngày 25 tháng 5 sẽ báo cáo lên Thủ tướng.

Ngoài ra, ông Thẩm Vinh Tân còn kiến nghị hai bên thành lập ủy ban hiệp thương song phương với đại diện của hai bên là Cục xúc tiến đầu tư-Bộ Kinh tế Đài Loan và Cục Đầu tư-Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

Ông còn đề nghị thành lập ủy ban phối hợp bồi thường gồm đại diện của chính quyền và doanh nghiệp Đài Loan. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đây là kiến nghị rất tốt, sẽ xin ý kiến của Thủ tướng.

Cuộc hội đàm giữa hai bên diễn ra trong khoảng 90 phút.

Trung Quốc tận dụng sự cố lôi kéo Đài Loan và bôi nhọ Việt Nam

Tờ “Want Daily” Đài Loan ngày 23 tháng 5 đưa tin, người phát ngôn Văn phòng công tác Đài Loan của Trung Quốc Mã Hiểu Quang ngày 22 tháng 5 cho biết, sau khi xảy ra bạo động “bài Hoa” ở Việt Nam, Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến các doanh nghiệp và “đồng bào Đài Loan” ở Việt Nam, đưa ra các biện pháp tăng cường bảo vệ quyền lợi và an toàn cho đồng bào Đài Loan, nếu cần được hỗ trợ “rút đi” thì Trung Quốc sẽ tích cực sắp xếp.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Vĩnh Lạc bác bỏ hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Vĩnh Lạc bác bỏ hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoài ra, theo lời Mã Hiểu Quang tuyên truyền, "nếu "đồng bào Đài Loan" nào muốn nhập cảnh vào Quảng Tây thì Trung Quốc cũng sẽ thực hiện các biện pháp như cho nhập cảnh nhanh chóng, những "đồng bào Đài Loan" này sẽ được chào đón nhiệt tình và sẽ đảm bảo quay trở về Đài Loan một cách thuận lợi".

Theo thống kê và tuyên truyền của phía Trung Quốc, hiện có hơn 200 người Đài Loan nhập cảnh qua các cửa khẩu ở Bằng Tường, Đông Hưng và được sắp xếp ổn thỏa, Văn phòng công tác Đài Loan của Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho "đồng bào Đài Loan".

Được biết, trước đó, khi mới xảy ra sự cố ở Bình Dương, ngày 14 tháng 5,  Mã Hiểu Quang cũng đã lập tức lên tiếng kêu gào, phê phán Việt Nam và cho biết luôn “coi trọng bảo vệ quyền lợi của đồng bào Đài Loan ở nước ngoài”, đồng thời “phê phán bất cứ hành vi bạo lực phi pháp nào nhằm đồng bào hai bờ”.

Ông Quang còn tiếp tục kêu gọi Đài Loan hợp tác trong vấn đề Biển Đông, cho rằng, “bảo vệ lợi ích tổng thể của dân tộc Trung Hoa là trách nhiệm chung của đồng bào hai bờ, Đại lục (Trung Quốc) muốn có được phản hồi từ Đài Loan”.

Tuy nhiên, đáp lại kêu gọi từ phía Trung Quốc, phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Vĩnh Lạc là “chúng tôi (Đài Loan) và Trung Quốc đại lục không có quan hệ lệ thuộc, không hợp tác trong vấn đề Biển Đông”.

Trung Quốc bố trí số lượng tàu dày đặc trong đó có nhiều tàu cá vỏ sắt để bảo vệ giàn khoan và ngăn cản hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng Việt Nam
Trung Quốc bố trí số lượng tàu dày đặc trong đó có nhiều tàu cá vỏ sắt để bảo vệ giàn khoan và ngăn cản hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng Việt Nam

Gần đây, Trung Quốc đã có nhiều hành động đáng ngờ. Mặc dù ở một số khu vực của Việt Nam đã xảy ra biểu tình bạo lực phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đã được các cơ quan chức năng Việt Nam nhanh chóng hành động và bảo đảm ổn định, nhưng, Trung Quốc vẫn huy động các phương tiện cho rút quy mô lớn công dân của họ.

Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông, Trung Quốc liên tục tìm mọi cách xuyên tạc, đánh lừa dư luận cả trong và ngoài nước về hoạt động của giàn khoan HD-981, đồng thời bôi đen môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhưng tất cả các hành động đen tối này đều không qua mắt được dư luận quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục chủ động, tích cực hành động bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.

Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc

Chắc chắn, dù Trung Quốc có làm đảo lộn trắng đen thế nào, tìm mọi cách gây khiêu khích ra sao, Việt Nam vẫn sẽ chủ động trong tất cả mọi công việc của mình, bảo đảm tốt môi trường đầu tư hòa bình, ổn định, tập trung cho phát triển kinh tế, đồng thời, cũng tập trung mọi nguồn lực và biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quan trọng hơn nữa là phải công bố với thế giới những gì TQ đang thực sự làm, tuyên bố, xuyên tạc về tình hình khu vực.

Việt Nam muốn hòa bình và quyết sẽ không bị mắc lừa, không bị phân tán chú ý bởi âm mưu và các thủ đoạn của đối phương, tiếp tục tập trung áp dụng mọi biện pháp cần thiết để buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan HD-981 cùng các lực lượng bảo vệ (xâm lược) của nó.

Đông Bình