Sức mạnh tàu ngầm Ninja Kokuryu của Hải quân Nhật Bản

07/01/2014 07:04
Đông Bình
(GDVN) - Tàu ngầm Kokuryu là tàu ngầm động cơ thông thường tiên tiến nhất của Nhật Bản, dài 84 m, lượng giãn nước khi nổi 2.950 tấn.
Tàu ngầm Kokuryu
Tàu ngầm Kokuryu

Ngày 31 tháng 10 năm 2013, tàu ngầm mới nhất Kokuryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tổ chức lễ hạ thủy tại Kobe, tàu ngầm này được đánh giá là một trong những "sát thủ dưới nước" của Hải quân Nhật Bản.

Tàu ngầm Kokuryu là tàu ngầm động cơ thông thường tiên tiến nhất của Nhật Bản, dài 84 m, lượng giãn nước khi nổi 2.950 tấn, lượng giãn nước khi lặn 4.200 tấn, có thể duy trì lặn lâu không nổi.

Tự chế tạo bộ phận giảm thanh là điểm sáng

Toàn bộ vỏ tàu chịu áp của tàu ngầm Kokuryu sử dụng thép tấm có sức dãn cao để chế tạo, độ sâu lặn của nó đạt khoảng 500 m, khả năng tàng hình và khả năng sống sót dưới nước mạnh hơn đa số các tàu ngầm động cơ thông thường cùng loại ở châu Á-Thái Bình Dương.

Về công nghệ dò tìm, tàu ngầm Kokuryu ngoài thiết bị định vị thủy âm kéo và thiết bị định vị thủy âm ở vỏ tàu truyền thống, nó còn trang bị thiết bị định vị thủy âm bị động mạn tàu có tính chất như tàu ngầm hạt nhân của Mỹ một cách hiếm có, tạo thành một nhóm thiết bị định vị thủy âm có khả năng dò tìm mạnh, có thể dò tìm các mục tiêu cự ly xa trên các hướng ở dưới lòng biển khơi.

Tàu ngầm Kokuryu
Tàu ngầm Kokuryu

Đối với tàu ngầm, tiếng ồn là "điểm yếu" chí tử nhất của nó. Vì thế, tàu ngầm Kokuryu được gắn một lớp giảm thanh trên bề mặt thân tàu, từ đó làm giảm mạnh tiếng ồn sinh ra khi lặn.

Theo tiết lộ của tạp chí "Tàu thủy Thế giới" Nhật Bản, lớp giảm tiếng ồn do cơ quan nghiên cứu công nghệ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát triển, được chế thành từ vật liệu cao su, hệ số giảm thanh có thể đạt tới 90% trở lên, có thể làm cho khả năng dò tìm của đối phương giảm xuống 50-75%.

Không chỉ như vậy, toàn bộ thiết bị máy móc của tàu ngầm Kokuryu đều lắp trên nền nổi và có liên kết mềm với thân tàu ngầm, làm cho tiếng ồn của máy chính và hầu hết các thiết bị khác không dễ được truyền ra bên ngoài.

Theo tính toán, chỉ công nghệ này đã có thể giúp cho tiếng ồn của tàu ngầm Kokuryu giảm 15-20 đê-xi-ben.

Tàu ngầm thông thường lớp Oyashio Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường lớp Oyashio Nhật Bản

Tàu ngầm Kokuryu là tàu ngầm lớn nhất hiện có của Nhật Bản, điều này có nghĩa là tạo được không gian lớn hơn cho nhân viên và trang bị có thể sử dụng. Nó lắp 6 ống phóng ngư lôi đường kính lớn ở mũi tàu, có thể triển khai tấn công tập trung đối với các mục tiêu địch bằng phương thức phóng loạt.

Được biết, trong tàu ngầm Kokuryu trang bị ít nhất 20 quả ngư lôi và tên lửa, gồm có ngư lôi Type 89 tầm bắn tối đa 38-50 km do Nhật Bản tự chế và tên lửa chống hạm Harpoon mua của Mỹ.

Không chỉ như vậy, nếu thực hiện nhiệm vụ đặt mìn bí mật, tàu ngầm Kokuryu cũng có thể lắp thêm thủy lôi thông minh do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo, có thể hoạt động trong nước đến vùng biển chỉ định mai phục, thiết bị tự dẫn lắp trên thủy lôi có khả năng nhận dạng địch-ta, khi tàu địch đi qua, có thể tự động phát động tấn công.

Theo tiết lộ một tờ tạp chí Nhật Bản, tàu ngầm Kokuryu có thể phối hợp có hiệu quả với cụm hộ vệ chủ lực của Lực lượng Phòng vệ Biển, thực hiện nhiệm vụ "bảo vệ huyết mạch vận tải giao thông trên biển 1.000 hải lý 2 tuyến tây nam, đông nam".

Lực lượng mũi giáo nhằm thẳng vào Trung Quốc

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản trước sau duy trì một cụm tàu ngầm thông thường mạnh - hàng năm số lượng đưa vào hoạt động lên tới 16 chiếc, hơn nữa về chất lượng cũng duy trì trình độ rất cao.

Mấy chục năm trở lại đây, Nhật Bản chế tạo tổng cộng 9 lớp tàu ngầm, trung bình không đến 5 năm là đưa ra một lớp, thường thường là khi một lớp tàu ngầm đang chế tạo, một lớp khác đã bắt đầu thiết kế.

Cụm tàu ngầm lớp Harushio và Oyashio Nhật Bản
Cụm tàu ngầm lớp Harushio và Oyashio Nhật Bản

Tốc độ đổi mới của tàu ngầm Lực lượng Phòng vệ Biển cũng nhanh đến kinh ngạc, thường được đổi mới theo phương thức mỗi năm cho nghỉ hưu 1 chiếc cũ, đưa vào hoạt động 1 chiếc mới.

Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có tổng cộng 6 đơn vị tàu ngầm, dựa vào phương pháp đối ứng số chẵn lẻ, lần lượt thuộc 2 cụm tàu ngầm, đơn vị tàu ngầm số 1, số 3 thuộc cụm tàu ngầm số 1; đơn vị tàu ngầm số 2, số 4 thuộc cụm tàu ngầm số 2.

Cụm tàu ngầm số 1 đóng ở căn cứ hải quân Kure ở đông nam Nhật Bản, cụm tàu ngầm số 2 ở căn cứ hải quân Yokosuka khu vực đông bắc Nhật Bản, phạm vi chức trách của chúng bao trùm Tây Thái Bình Dương.

Về cấp độ công nghệ, tàu ngầm lớp Soryu tiên tiến nhất hiện nay của Nhật Bản đều tập trung cho cụm tàu ngầm số 1, mũi giáo chĩa thẳng vào Trung Quốc.

Điều này tuyệt đối không phải nói chuyện giật gân, theo tờ "Bình luận tình báo Jane'n" Anh, tàu ngầm không chỉ là công cụ phá hoại có hiệu quả tuyến đường giao thông trên biển của đối phương trong thời chiến, mà trong thời bình cũng là phương tiện thu thập tình báo đáng tin cậy nhất, tàu ngầm AIP chạy êm như lớp Soryu hoàn toàn có thể dùng cho đo vẽ địa hình dưới đáy biển và thống kê tài liệu thủy văn, thậm chí có thể triển khai nghe lén dây cáp dưới đáy biển.

Tờ "The Stars and Stripes" Mỹ cho rằng, tàu ngầm Nhật Bản từng đóng vai lâu dài là "người tập kích tàu ngầm Trung Quốc", cùng tập luyện chiến thuật đối kháng với Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm thông thường lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường lớp Soryu Nhật Bản

Trong các cuộc diễn tập săn ngầm Mỹ-Nhật những năm gần đây, tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ tập trung chơi trò "mèo vờn chuột" và "chuột cợt mèo" trên biển, hai bên tiến hành theo hình thức "hoàn toàn chiến đấu thực tế": tàu ngầm Nhật Bản sử dụng 1 chiếc, 2 chiến và 4 chiếc lần lượt thực hiện chiến thuật đánh lén và "tấn công bầy sói" đối với tàu sân bay Mỹ, trong khi đó cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ điều động máy bay săn ngầm, tàu hộ vệ, tàu ngầm tấn công "săn giết" Tàu ngầm Nhật Bản.

Cựu sĩ quan Rogy Esaston của Bộ Tư lệnh Hệ thống biển, Hải quân Mỹ từng cho biết: "Lợi ích của tập luyện chiến thuật săn ngầm giữa Hải quân Mỹ-Nhật là để cho giữa các đồng minh có hợp tác chặt chẽ hơn. Bởi vì, ngày càng nhiều tàu ngầm tiên tiến của Trung Quốc đã tạo ra thách thức, chúng tôi muốn huấn luyện cho hải quân mình có khả năng ứng phó với loại mối đe dọa mới này".

"Dây dài" có thể buộc được "Soryu"?

Tình hình Đông Á đang trở nên bất ổn do các điểm nóng như tranh chấp đảo Trung-Nhật, khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Truyền thông Nhật Bản cho rằng, làm thế nào để ứng phó với tình hình càng phức tạp đã trở thành vấn đề chủ yếu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Takashi Saito, cựu quan chức Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho biết, cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc, Nhật Bản đã không thể nghĩ đương nhiên có được ưu thế trên biển ở Tây Thái Bình Dương và "tự do hoạt động hàng hải", với học thuyết "dựa vào tàu ngầm là vũ khí săn ngầm tốt nhất", Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cần sở hữu nhiều tàu ngầm tiên tiến hơn để bảm đảm khả năng cảnh giới, theo dõi và tác chiến có liên quan.

Biên đội tàu ngầm, tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu ngầm, tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Báo Trung Quốc tuyên truyền, Mỹ hiểu rõ quan điểm của Nhật Bản, đồng thời đã tiến hành lợi dụng, đã lấy "mối đe dọa quân sự Trung Quốc" để hù dọa Nhật Bản, để họ mua nhiều vũ khí tiên tiến hơn của Mỹ, đồng thời dựa vào Mỹ để làm "tên đầy tớ" cho việc dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông của Mỹ.

Tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ là một ví dụ, tờ này cho rằng, Hải quân Trung Quốc hiện có trên 60 tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường, số lượng chỉ kém Mỹ, Nga.

Phần lớn tàu ngầm Trung Quốc mặc dù hoàn toàn không tiên tiến lắm, nhưng với quy mô lớn như vậy, chắc chắn là một lực lượng tác chiến trên biển có uy lực, là "hạm đội tàu ngầm chạy êm và chí tử".

Theo tuyên truyền và đe dọa của báo chí, truyền thông Trung Quốc, Trung Quốc thực hiện "chính sách quốc phòng phòng ngự tích cực", để lãnh thổ và lãnh hải không bị xâm phạm, hiện đại hóa Hải quân là cần thiết, Hải quân Trung Quốc ngày càng mạnh hoàn toàn có thể "nối dài bàn tay", ai dám đem thân vào nguy hiểm chắc chắn sẽ gặp phải "tai họa lớn mang tính sống còn".

Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, chủ trương chủ quyền của Trung Quốc đối với một số vùng biển là bất hợp pháp, như tham vọng “đường lưỡi bò” của họ.

Cho nên, Trung Quốc ra sức tiến hành hiện đại hóa quân sự trên mặt đất, trên không, trên biển, trên vũ trụ… để thực hiện chủ trương bất hợp pháp này thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng đối với một số nước trên Biển Đông.

Hải quân Mỹ-Nhật tập trận năm 2010 (ảnh minh họa)
Hải quân Mỹ-Nhật tập trận năm 2010 (ảnh minh họa)
Đông Bình