TQ đang muốn có được "quyền sinh quyền sát" với tất cả các nước ĐNÁ

29/04/2014 12:12
Đông Bình
(GDVN) - "Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông, nếu thành công Bắc Kinh sẽ có "quyền sinh quyền sát" đối với toàn bộ Đông Á".
Trung Quốc tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Trung Quốc tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Tờ "The National Interest" Mỹ ngày 23 tháng 4 đăng bài viết nhan đề "Hai tương lai hoàn toàn khác nhau ở châu Á" của tác giả Zachary Keck. Bài viết cho rằng, mọi người đều biết, chúng ta đang ở thế kỷ của châu Á. Châu Á đứng trước 2 tương lai khác nhau, đều liên quan chặt chẽ với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc.

Tình hình thứ nhất, kinh tế Trung Quốc rơi vào thời kỳ đình trệ lâu dài và tăng trưởng âm, nhìn trên rất nhiều phương diện, khả năng này là lớn nhất. Hứng chịu trực tiếp từ sự tác động này là các nước châu Á, bởi vì rất nhiều GDP của họ dựa vào thương mại. Trung Quốc nằm ở trung tâm của hoạt động thương mại này.

Trên phạm vi toàn cầu có 35 quốc gia lấy Trung Quốc làm đối tác thương mại lớn nhất của họ, trong đó có rất nhiều nước ở châu Á, bao gồm Nhật Bản (20%), Hàn Quốc (20%), CHDCND Triều Tiên (72,9%), Tajikistan (37%), ngoài ra còn có Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Myanmar, Kyrgyzstan (đều là 51%). Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia, Thái Lan, Lào và Uzbekistan.

Đường lưỡi bò 9 đoạn (phi pháp do Trung Quốc đơn phương, tự ý vạch ra) bao trọn diện tích Biển Đông (Nguồn UNCLOS/cia)
Đường lưỡi bò 9 đoạn (phi pháp do Trung Quốc đơn phương, tự ý vạch ra) bao trọn diện tích Biển Đông (Nguồn UNCLOS/cia)
Tác động đối với khu vực từ việc giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không giới hạn ở tổn thất thương mại trực tiếp với Trung Quốc. Phần lớn các nước châu Á lấy nước khác của châu Á làm đối tác thương mại lớn nhất.

Vì vậy, mỗi nước sẽ vừa bị ảnh hưởng tổn thất từ thương mại với Trung Quốc, vừa bị ảnh hưởng tổn thất từ thương mại với các nước khác trong khu vực - những nước khác này rơi vào suy thoái do bị tổn thất trong thương mại với Trung Quốc.

Theo tác giả bài báo, sự ảnh hưởng từ việc giảm tốc độ tăng trưởng mang tính khu vực này sẽ mở rộng đến lĩnh vực chính trị, hầu như khẳng định sẽ gây ra bất ổn trong nước lớn hơn cho toàn bộ khu vực. Đừng quên rằng, tính hợp pháp của rất nhiều chính quyền trong khu vực được xây dựng trên nền tảng tăng trưởng và giảm đói nghèo.

Mặc dù kết quả giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc ảm đạm, nhưng, nhìn từ lợi ích của Mỹ, điều này sẽ tốt hơn so với tương lai của khả năng thứ hai của châu Á - Bắc Kinh điều chỉnh nền kinh tế thành công, bảo đảm tăng trưởng mạnh trong nhiều năm tới. Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ tìm cách lãnh đạo Đông Á và Tây Thái Bình Dương về kinh tế, quân sự và chính trị.

Hạm đội Nam Hải tập trận đổ bộ (ảnh tư liệu)
Hạm đội Nam Hải tập trận đổ bộ (ảnh tư liệu)

Trung Quốc đã nằm ở trung tâm kinh tế của châu Á. Đến nay, Bắc Kinh đang tìm cách tiếp tục củng cố vị trí đáng kể này, biện pháp là thông qua các kế hoạch như "Con đường tơ lụa trên biển" và hành lang kinh tế Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar-Bangladesh.

Những kế hoạch này bao hàm các chính sách khác nhau, tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở, giảm bớt hàng rào thuế quan và tăng cường hợp tác tiền tệ để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Trung Quốc sẽ nằm ở trung tâm của tiến trình hội nhập này, từ đó thực chất giúp họ trở thành quốc gia không thể không nhắc đến của châu Á.

Trung Quốc còn tìm cách giải quyết phần lớn tranh chấp biên giới trên đất liền. Hầu như có thể khẳng định, thông qua việc làm như vậy, Trung Quốc sẽ tìm cách từng bước hạn chế các nước ngoài khu vực can thiệp vào châu Á.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông, nếu kiểm soát thành công những vùng biển này, Bắc Kinh đang và sẽ có được "quyền sinh quyền sát" đối với tất cả các nước Đông Á.

Chẳng hạn, nền kinh tế Nhật Bản có gần 30% phải dựa vào thương mại hàng hóa, nếu Quân đội Trung Quốc (PLA) kiểm soát biển Hoa Đông, thì tuyến đường sống còn của nền kinh tế Nhật Bản sẽ tùy thuộc vào thiện chí của Trung Quốc.
Ngày 26 tháng 7 năm 2013, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Ngày 26 tháng 7 năm 2013, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Đông Bình