Việt Nam sẽ nhanh chóng hình thành một lực lượng tàu ngầm khá mạnh trên Biển Đông |
Mạng "Kanwa Defense Review" Canada ngày 25 tháng 4 có bài viết cho rằng, Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN/SSN) ở đảo Hải Nam có điểm yếu chí tử là: khác với căn cứ tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Việt Nam đã có lực lượng tấn công dưới nước, trên bộ tương đối mạnh.
Theo bài báo, năm 2014, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận 2 tàu ngầm lớp Kilo 636MV, toàn bộ 5 tàu ngầm lớp này đủ để phong tỏa căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam khi xảy ra chiến tranh.
Không chỉ có vậy, căn cứ tàu sân bay mới cách bờ biển Việt Nam không đến 272 km, tên lửa đất đối hạm Bastion (tầm bắn 300 km, triển khai cơ động) nhập khẩu mới nhất của Hải quân Việt Nam đủ để tấn công tàu sân bay Trung Quốc đỗ trong bến cảng.
Hơn nữa, máy bay chiến đấu Su-22, Su-30MKV/MK2 của Quân đội Việt Nam đều có thể trực tiếp tấn công căn cứ tàu sân bay, căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc.
Máy bay tấn công Su-22 của Không quân Việt Nam |
Ngoài ra, điều còn phải nói rõ là, “Quân đội Việt Nam bắt đầu trang bị tàu ngầm cỡ nhỏ tự sản xuất”, đây cũng là một tiến bộ lớn. Quân đội Việt Nam còn sở hữu lượng nhỏ tên lửa đạn đạo Scud-C, cũng đủ để tấn công toàn bộ đảo Hải Nam.
Theo bài báo, trong điều kiện tình hình quốc tế hiện nay như vậy, việc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay khổng lồ ở đảo Hải Nam thực chất đã trở thành "con tin" của Việt Nam, trong vấn đề xử lý quan hệ với Việt Nam trong tương lai, Trung Quốc buộc phải tương đối thận trọng.
Đặc biệt là ở trên biển, đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho Trung Quốc đến nay vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc lập ra Khu nhận biết phòng không trên Biển Đông.
Bài báo cuối cùng cho rằng, căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của một quốc gia xây dựng trong phạm vi tấn công trực tiếp của vũ khí công nghệ cao của "kẻ thù tiềm tàng" (có lịch sử chiến tranh lãnh thổ) là một điều khó tưởng tượng nổi.
Hệ thống phòng thủ bờ biển K300P Bastion-P của Việt Nam |
Trên đây là toàn bộ bài báo của tờ "Kanwa Defense Review" Canada được "trích dẫn" và đăng trên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc, báo GDVN xin đăng lại nguyên bản để rộng đường dư luận, để nhìn nhận các quan điểm của bên ngoài về sức mạnh quân sự của Việt Nam cũng như vấn đề Biển Đông hiện nay. Bài báo chỉ có tính chất tham khảo, không đại diện cho quan điểm của báo GDVN.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền lợi biển có liên quan theo luật pháp quốc tế.
Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng tự vệ, không đe dọa bất cứ nước nào. Việt Nam sẽ bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, quyết không cho bất cứ kẻ thù nào xâm phạm vùng đất, vùng trời, vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam |