Hình ảnh vệ tinh ngày 16 tháng 3 năm 2015 về đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào tháng 2 năm 1995 (nguồn New York Times) |
Tờ "Thời báo New York" Mỹ ngày 9 tháng 4 có bài viết cho hay, Trung Quốc đang tiếp tục triển khai các hành động (phi pháp) của họ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đó là: rất nhiều tàu thuyền Trung Quốc đang tập trung khai thác cát trắng, vận chuyển nó đến một số đá san hô lộ lên mặt nước, biến đá ngầm thành một hòn đảo. Đá san hô này có tên là đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, trong thời gian vài tuần, một hòn đảo ngày càng lớn, vài cái lều bên trên đã thay thế bằng tòa nhà. Một chiếc tàu chiến đổ bộ có thể chở 500 - 800 quân tuần tra ở vùng biển phía nam đá ngầm.
Từ lâu, Trung Quốc luôn đưa ra yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) đối với quần đảo Trường Sa (và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ở Biển Đông. Một loạt hình ảnh chi tiết của đá Vành Khăn đã phản ánh tốc độ, quy mô và dã tâm tranh đoạt lãnh thổ (phi pháp) ở đây của Trung Quốc.
Các hình ảnh này cho thấy, từ tháng 1 đến nay, Trung Quốc luôn nạo vét rất nhiều bùn cát ở xung quanh đá ngầm này, dùng để tăng diện tích đất - chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc gọi đây là "sự thật trên mặt nước" (facts on the water, đây là sự thay đổi khái niệm "sự thật trên mặt đất - facts on the ground" thường dùng trong xung đột giữa Palestines-Israel), ở đây cách đất liền Trung Quốc vài trăm dặm Anh.
Trung Quốc biết rõ khu vực này có trữ lượng dầu khí phong phú và quan trọng hơn là có vị trí chiến lược quan trọng, không có nhiều khả năng có ai đó thách thức họ (nên họ áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò" vô lý, phi pháp). Tuần trước, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris chỉ trích Trung Quốc đang tiến hành các hành động xây đảo nhân tạo chưa từng có.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Harry B Harris |
Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Canberra, Australia: "Trung Quốc đang dùng máy xúc xây dựng một Trường Thành đất cát".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đang có chuyến thăm lần đầu tiên tới châu Á, đã sử dụng những lời lẽ tương đối khéo léo để bày tỏ sự lo ngại của Mỹ. Tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản dẫn lời ông Ashton B. Carter cho rằng, ở khu vực mà Philippines và Việt Nam tuyên bố có chủ quyền, Đài Loan gián tiếp tuyên bố chủ quyền, hành động của Trung Quốc "đã làm trầm trọng hơn không khí căng thẳng, đã làm giảm khả năng thông qua ngoại giao để giải quyết vấn đề này".
Ông Ashton B. Carter thúc giục Bắc Kinh "hạn chế hoạt động, giữ kiềm chế để nâng cao lòng tin khu vực". Về cơ bản, đây luôn là thông điệp ngoại giao mà chính quyền Obama đưa ra đối với Trung Quốc kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông vào năm 2010.
Bài báo cho rằng, mặc dù các nước Đông Nam Á khác như Malaysia và Việt Nam đều sử dụng biện pháp tương tự để mở rộng phạm vi lãnh thổ, nhưng họ đều không có khả năng nạo vét và xây dựng như Trung Quốc (Các hoạt động của Việt Nam dựa trên chủ quyền biển đảo hợp pháp, không dùng vũ lực cướp của nước khác – PV).
Những hình ảnh vệ tinh mới mà cơ quan nghiên cứu Washington - Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSIS) nhận được và phân tích đã khẳng định sự lo ngại của Bộ trưởng Ashton Carter và Đô đốc Harry Harris.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B Carter - người vừa có chuyến thăm Nhật Bản và đã lên tiếng phê phán các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông |
"Hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở đá Vành Khăn là bằng chứng mới nhất cho thấy, phạm vi hoạt động lấn biển xây đảo của Bắc Kinh rất rộng và có tổ chức" - người phụ trách Mira Rapp-Hooper thuộc chương trình "Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á" (Asia Maritime Transparency Initiative) của trung tâm này nói. Đây là một trang mạng chuyên theo dõi các hoạt động ở lãnh thổ tranh chấp.
Bà Mira Rapp-Hooper cho rằng, thông qua những hoạt động (phi pháp) này, Trung Quốc sẽ có thể tiến hành tuần tra định kỳ, lâu dài đối với vùng trời và vùng biển liên quan, tìm cách mở rộng phạm vi yêu sách chủ quyền lãnh hải xa xôi (vô lý, phi pháp) đến khu vực cách xa đất liền tới 1.000 dặm Anh (khoảng 1.600 km).
Mặc dù khi xảy ra chiến sự, Trung Quốc không thể sử dụng những tiền tiên quá yếu ớt này, nhưng bà Hooper cho rằng "chúng chắc chắn có thể giúp cho Trung Quốc gây sức ép to lớn đối với các nước có chủ trương chủ quyền khác ở Biển Đông, chẳng hạn Philippines và Việt Nam".
Bài báo lo ngại, trước khi (Mỹ) áp dụng biện pháp ngăn chặn Trung Quốc, thì những hành động (lấn biển, xây đảo phi pháp) của Trung Quốc được triển khai rất nhanh, có thể biến yêu sách lãnh thổ phi pháp của họ trở thành "sự thực đã rồi".
Theo bài báo, Mỹ luôn chủ trương, phải giải quyết hòa bình những tranh chấp lãnh thổ này, bất cứ bên nào tuyên bố chủ quyền đều không nên gây trở ngại cho tự do hàng hải và hàng không quốc tế hoặc ngăn cản các biện pháp giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phô trương thực lực của họ ở một số tranh chấp lãnh thổ khác và đang thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) để thách thức Ngân hàng Thế giới (WB) do phương Tây thành lập. Đối với họ, vấn đề chủ quyền không thể thảo luận.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Dương Khiết Trì (ảnh tư liệu minh họa) |
Khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra vấn đề liên quan tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức ở Hà Nội 5 năm trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã phát biểu dài 25 phút, tuyên bố "Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ". Điều này hầu như đang nhắc nhở mọi người, sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể bảo đảm không ai dám thách thức hoạt động xây dựng (phi pháp) của họ ở lãnh thổ tranh chấp, cũng thực sự không có bên nào tiến hành thách thức.
Tuyên bố kiểu “ngạo mạn nước lớn” cho thấy, họ cho mình là “nước lớn” nên có quyền bành trướng “đường lưỡi bò”, theo đó, các “nước nhỏ” phải chấp nhận thiệt thòi về mình – một kiểu cư xử thiếu văn minh, bấp chấp sự thực, bất chấp luật pháp, bất chấp quyền lợi của nước khác – PV.
Từ đó về sau, Trung Quốc hoàn toàn không che giấu tham vọng lãnh thổ của họ đối với quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Căn cứ vào thông tin của IHS Jane's, Trung Quốc đã xây ít nhất 3 đảo mới có thể dùng làm căn cứ theo dõi và trạm tiếp tế tàu chiến ở đó.
Những hình ảnh vệ tinh về quần đảo Trường Sa do IHS Jane's công bố vào tháng 11 năm 2014 cho thấy, Trung Quốc đã xây mới 1 hòn đảo dài khoảng 9.850 thước Anh, rộng 985 thước Anh ở đá Chữ Thập (tiếng Anh gọi là Fiery Cross Reef, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), phía trên có bến cảng để đậu tàu chiến. Đảo này nằm ở khu vực cách đá Vành Khăn khoảng 200 dặm Anh về phía tây. Theo IHS Jane's, hòn đảo mới này có thể xây dựng đường băng dùng cho máy bay quân sự.
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên báo Đức, trong hình nhìn thấy rõ các tàu Trung Quốc đang hoạt động phi pháp |
Mỹ sắp tiến hành tổ chức một cuộc diễn tập quân sự liên hợp với Philippines. Đây là một sách lược đang thành hình của chính quyền Obama, tức là duy trì hoạt động thông thường của tàu chiến Mỹ ở khu vực này, qua đó chống lại cách làm bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Hơn 1 năm trước, khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này, chính quyền Obama cũng đã áp dụng hành động tương tự.
Trung Quốc luôn tuyên bố phần lớn khu vực Biển Đông là lãnh thổ của họ (yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp), trong khi đó, các bên liên quan cũng có chủ trương của họ. Ngoài ra, giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn tồn tại tranh chấp lãnh thổ ở nhóm đảo Senkaku. Nhưng, cuộc xung đột này gần đây đã dịu đi (nhất là sau cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Shinzo Abe vào cuối năm 2014).
Năm 2014, Trung Quốc đã kéo một giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ USD tới khu vực cách bờ biển Việt Nam 150 dặm Anh (hạ đặt bất hợp pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam), hai bên đã rơi vào xung đột gay gắt (khi đó, Trung Quốc kéo một lực lượng quân sự, bán quân sự vào vùng biển Việt Nam để đe dọa, uy hiếp - PV).
Theo bài báo, vừa qua, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai nước Việt-Trung đã gặp nhau, hy vọng làm dịu bất đồng "xử lý thỏa đáng mâu thuẫn", "dẫn dắt quan hệ song phương phát triển tiến lên".
Như vậy, Trung Quốc nên tôn trọng các thỏa thuận cấp cao, đi con đường “pháp trị” dựa trên sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế, rút toàn bộ quân đồn trú về nước, trao trả lại toàn bộ các đảo, đá đã chiếm của Việt Nam trên Biển Đông, thực hiện cam kết “trỗi dậy hòa bình” và đem lại hòa bình bền vững cho khu vực, xây dựng tình hữu nghị đời đời giữa hai dân tộc.
Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu) |