Về việc Trung Quốc nghe trộm các động thái của Quân đội Philippines

22/04/2014 07:34
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc đã triển khai bố trí radar và nhiều tàu chiến ở đá Vành Khăn - một phần trong kế hoạch kiểm soát hoàn toàn khu vực vào năm 2020.
Tàu hộ vệ tên lửa Hoành Thủy số hiệu 572 Type 054A biên chế cho Hạm đội Nam Hải vào tháng 7 năm 2012
Tàu hộ vệ tên lửa Hoành Thủy số hiệu 572 Type 054A biên chế cho Hạm đội Nam Hải vào tháng 7 năm 2012

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 4 đưa tin, một chuyên gia thông tin quân sự cho biết, Trung Quốc không chỉ triển khai tàu theo dõi và tàu chiến hải quân trên Biển Đông, mà cũng đã lắp thiết bị thông tin tiên tiến, nghe trộm tất cả động thái hải quân ở căn cứ đảo Palawan.

Đối với vấn đề này, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Quân đội Philippines "phản ứng quá mức", "mượn cớ tăng cường triển khai lực lượng quân sự của Philippines ở Biển Đông.

Tờ "Philippines Star" ngày 20 tháng 4 dẫn thông tin từ một chuyên gia thông tin quân sự Philippines tiết lộ cho biết: "Người Trung Quốc lợi dụng thiết bị thông tin tiên tiến, chặn lại và nghe trộm thông tin quân sự của chúng ta, bất kể là trên mặt đất hay trên biển".

Mạng tin tức ABS-CBN Philippines ngày 20 tháng 4 cho biết thêm: "Điểm tập trung nghe trộm điện tử của Trung Quốc là Bộ Tư lệnh miền Tây của Quân đội Philippines, Bộ Tư lệnh này chủ yếu phụ trách bảo vệ và tăng cường chủ quyền của Philippines đối với biển Tây Philippines (Biển Đông)".

Tàu chiến chủ lực Hạm đội Nam Hải diễu binh trên biển
Tàu chiến chủ lực Hạm đội Nam Hải diễu binh trên biển

Theo tờ "Philippines Star", trước đây, báo cáo tình báo của Philippines cho biết, Trung Quốc đang lắp thêm radar tính năng mạnh ở đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc xâm lược vào tháng 2 năm 1995), điều này "thống nhất với kế hoạch muốn có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với toàn bộ khu vực vào năm 2020".

Tàu chiến Trung Quốc đã triển khai ở vùng biển này, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu chở quân và tàu do thám/trinh sát, hiện đang lợi dụng đá Vành Khăn làm căn cứ triển khai và tiếp tế. Bài báo còn cho rằng, đá Vành Khăn cách đảo Palawan 130 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Trang mạng tin tức ABS-CBN Philippines dẫn lời chuyên gia thông tin quân sự tiết lộ, ngoài tiến hành theo dõi trên biển quy mô lớn, Trung Quốc còn nghe trộm điện thoại của sĩ quan cấp cao Quân đội Philippines, "đây chính là lý do tại sao tháng trước khi chúng tôi thực hiện chiến dịch tiếp tế và luân phiên lực lượng đối với bãi Cỏ Mây, không cho phép sĩ quan gọi điện thoại, phát tin nhắn hoặc công bố thông tin trên trang mạng xã hội".

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Đối với vấn đề này, học giả Trung Quốc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn là Trang Quốc Thổ được tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc phỏng vấn cho rằng, điều này cho thấy, phản ứng của Chính phủ và Quân đội Philippines "hơi quá mức", thực chất là nhấn mạnh Trung Quốc đã trở thành "một kẻ thù lớn" của Philippines.

Trang Quốc Thổ tuyên truyền cho rằng, Quân đội Philippines nhiều lần làm như vậy là có 3 dụng ý: Một là có thể nâng cao tinh thần cho binh sĩ Philippines, gia tăng sự cảnh giác, đề phòng đối với Trung Quốc.

Hai là để Mỹ cảm thấy "Trung Quốc có nhiều nguy hiểm, kỹ thuật nghe trộm của Trung Quốc cài đặt khắp nơi, cần viện trợ quân sự nhiều hơn cho Philippines”.

Ba là muốn để người dân Philippines thấy được mối đe dọa từ Trung Quốc đang ở trước mặt, để người dân ủng hộ hành động của Chính phủ và Quân đội. Bởi vì, điều quan tâm nhất của người dân Philippines là Chính phủ có cách chống tham nhũng hay không, cải thiện được dân sinh hay không. Quân đội Philippines muốn làm thay đổi sự chú ý của người dân từ vấn đề trong nước vào vấn đề Biển Đông.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Côn Luân Sơn, số hiệu 998, Type 071, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu đổ bộ cỡ lớn Côn Luân Sơn, số hiệu 998, Type 071, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Việt Dũng