Một tờ báo đăng tin có nhóm phụ huynh góp tiền mua chiếc máy rửa bát giá 12 triệu đồng tặng cô giáo, nhóm khác mua robot quét nhà giá 3,5 triệu đồng làm quà tặng.
Câu chuyện quà tặng nhà giáo ngày 20/11 hàng năm bên cạnh sự tri ân của phụ huynh với thày cô thì cũng còn là nỗi trăn trở của không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Vì sao phụ huynh phải băn khoăn xem nên mua cái gì làm quà tặng và tặng quà bằng hiện vật có phải là truyền thống từ xưa của người Việt để tri ân các nhà giáo?
Và liệu việc đăng tải các bài viết về quà tặng ngày 20/11 có cần thiết, có phải người viết bài cũng mang tâm lý “vừa giận lại vừa thương” các nhà giáo?
Ở phía ngược lại, bao nhiêu phần trăm thày cô mong đến ngày 20/11 để nhận quà từ phụ huynh và học sinh?
Bao nhiêu thày cô cắm bản, dạy học ở vùng sâu, vùng xa xem việc học sinh đến lớp đủ là hạnh phúc lớn nhất của nghề dạy học?
Bao nhiêu cử nhân sư phạm thất nghiệp mong có việc làm chứ không phải là những lời chúc - dù là tốt đẹp nhất - trên báo chí và từ các cấp lãnh đạo?
Không phải chỉ là những phát biểu, ngay trong Hiến pháp và các văn bản luật, ngành Giáo dục và nhà giáo nhận được rất nhiều từ ngữ ca ngợi nhưng cuối cùng điều đó có ý nghĩa gì nếu sau gần 40 năm công tác, nhiều giáo viên chỉ nhận được mức lương hưu bằng mức lương tối thiểu (1,3 triệu đồng/tháng).
Đến bao giờ nhà giáo thực sự sống được bằng lương? (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Có một câu hỏi mà người viết - vốn cũng là nhà giáo có hơn 40 năm đứng trên bục giảng - rất trăn trở:
“Sau 13 năm kể từ khi Ban Bí thư khoá IX ban hành Chỉ thị số 40 CT/TW giao cho Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Luật Giáo viên” nhưng cho đến nay luật này vẫn chưa được ban hành”?
Có hai chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước “An ninh quốc gia là tối thượng” và “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Mọi so sánh giữa hai lĩnh vực Quốc phòng và Giáo dục đều có thể là khập khiễng song không phải là không có gì để bàn luận.
Theo số liệu thống kê công bố trên mạng xã hội, Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay có khoảng 600.000 người. [1]
Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có Luật Nhà giáo? |
Quốc hội đã ban hành “Luật sĩ quan Quân đội nhân dân”, năm 2015 ban hành tiếp “Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng”.
Ngành Công an bên cạnh “Luật Công an nhân dân” còn có “Luật Công an xã”,…
Dựa vào số liệu thống kê (có thể chưa chính xác) thì số sĩ quan quân đội tại ngũ ước tính khoảng 200.000 người.
Quân nhân chuyên nghiệp chủ yếu ở các quân binh chủng, tổng cục, nhà máy, có quân số khoảng 120.000-150.000 người.
Mỗi lực lượng này được điều chỉnh bởi một đạo luật trong khi số lượng không quá 200 nghìn người. [1]
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý, tổng số người làm việc trong ngành Giáo dục là 1.672.506 người.
Số lượng này gấp gần 5 lần tổng số sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp bên Quốc phòng và cho đến nay vẫn chưa có một đạo luật nào được ban hành để làm cơ sở cho các chủ trương, chính sách?
Chỉ cần nhìn vào hiện tượng này cũng có thể thấy, khẩu hiệu chiến lược “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đang được thực hiện như thế nào.
Về chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo người viết đã đề cập trong nhiều bài viết [2], [3] nên không trình bày ở đây.
Bốn giải pháp cứu ngành sư phạm của cô Phan Tuyết |
Bài viết này muốn nêu thêm một nghịch lý, nói chính xác là sự không công bằng về bình đẳng giới trong giáo dục.
Không khó để thấy các bài viết về đội ngũ nữ giáo viên chiếm tỷ lệ khá lớn so với nam giáo viên, nào là:
“Cô giáo kể những ngày tháng đứng lớp ở vùng đất muỗi kêu như sáo thổi”;
“Tôi được truyền cảm hứng học từ cô giáo dạy Địa lí”;
“Nữ giáo viên xin ra khỏi biên chế vì lương quá thấp”;
“Lương thấp, nhà xa: Nữ giáo viên miền núi xứ Thanh 'dứt áo' ra khỏi ngành”;
“Lương hưu cô giáo 'thấp mạt hạng' là bất công”;…
Tại tỉnh Lâm Đồng, trong số 23.412 cán bộ, giáo viên, nhân viên, thì phụ nữ là 18049 người chiếm tỷ lệ 77,1%. [4]
Riêng bậc mầm non, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy năm học 2016-2017 có 316.616 người.
Đánh giá về đãi ngộ nhà giáo bậc mầm non, cáo cáo ghi như sau:
“Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định”.
Chế độ chính sách “được thực hiện đầy đủ” mang lại kết quả là nhiều giáo viên mầm non hưởng mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng (sau khi nhà nước đã “bù lỗ”).
Riêng tỉnh Hà Tĩnh, báo Tuoitre.vn đưa tin:
“Tính đến năm 2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã chi trả bảo hiểm cho hơn 270 giáo viên mầm non trên địa bàn toàn tỉnh với mức lương tối thiểu là 1,3 triệu đồng/tháng”. [5]
Đừng "vật chất hóa" nét đẹp tri ân |
Nếu thống kê toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, liệu con số này có vượt ngưỡng chục nghìn người?
Trả lời bức xúc của dư luận, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng:
“Cô giáo làm việc 37 năm đến khi nghỉ hưu chỉ nhận được 1,3 triệu đồng/tháng thì không ai có thể bằng lòng được.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ là cơ quan thực thi nhưng trong quá trình áp dụng pháp luật, phát sinh những bất cập phải có trách nhiệm báo cáo lại với cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”.
Đất nước có rất nhiều cơ quan liên quan đến quyền lợi của người lao động - trong đó có một lực lượng đông đảo là nữ giáo viên - chẳng hạn:
Ban Dân nguyện của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo,…
Giá như có một lần các cơ quan này ngồi cùng nhau để trả lời câu hỏi “Vì sao Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng lương hưu của nhiều giáo viên lại chỉ có 1,3 triệu đồng một tháng” và “Đến bao giờ nhà giáo thực sự sống được bằng lương”?
Và liệu trong tương lai, một “Liên ngành” vì lợi ích của nhà giáo có nên được thành lập?
Ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ có nhiều thày cô được tặng những món quà giá trị và cũng không ít thày cô quà tặng chỉ là bó hoa rừng.
Vậy nên dù không thể và cũng không nên chấm dứt việc tặng quà nhưng hy vọng những năm sau, sẽ không xuất hiện nhiều bài viết về câu chuyện “buồn và vui” này.
Đối với nhà giáo, có lẽ cũng nên nói thẳng với nhau, đừng hy vọng làm giàu bằng nghề dạy học.
Dù dưới bất kỳ lý do gì, đã chấp nhận nghề thì hãy làm hết trách nhiệm - kể cả khi không yêu nghề, không làm được điều đó hãy xin ra khỏi ngành.
Xin đừng vì tăng thu nhập cho lãnh đạo và giáo viên trong trường mà lạm thu đối với phụ huynh học sinh, đừng bắt ép con trẻ phải học thêm dưới chiêu bài tự nguyện.
Nhà giáo lão thành Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nói:
“Muốn dự đoán tương lai của một quốc gia, hãy nhìn vào chính sách của Nhà nước và thái độ của xã hội đối với đội ngũ giáo viên”.
Xin bàn luận thêm một chút, trong chương trình đổi mới giáo dục đang được thực hiện, hình như sự quan tâm nhiều nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và không ít chuyên gia là nội dung, chương trình, sách giáo khoa chứ không phải nhà giáo.
Người viết cho rằng đó là cách làm không khoa học, ngược với truyền thống dân tộc.
Người Việt với câu thành ngữ “Không thày đố mày làm nên” đã nêu một triết lý vô cùng đúng về vai trò của người thày trong giáo dục.
Chương trình hiện đại đến mấy, sách giáo khoa hoàn thiện đến mấy mà người dạy không chuyển tải được đến học trò thì cũng vô tác dụng.
Ngay từ hôm nay, chính xác là phải bắt đầu ngay bây giờ xem xét lại chủ trương, đường lối giáo dục.
Quan điểm “Phải xem học trò là trung tâm của sự nghiệp giáo dục” vô hình đã đẩy người thày sang bên cạnh, đã hạ thấp vai trò của người thày, dường như đó là cách biện minh cho những đối xử với nhà giáo theo kiểu chỉ là “kép phụ” trong nhà trường.
Phải xem giáo dục là “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của khoa học, công nghệ, là “đê bao” ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức, văn hóa xã hội, là “động lực hữu hình” cho phát triển kinh tế chứ không phải cách mà không ít người đề cập, rằng giáo dục là ngành tiêu tốn nhiều nhất ngân sách quốc gia.
Trong bài viết “Giáo dục - thời khủng hoảng tận đáy?” đăng ngày 27/2/2017 trên website của Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, tác giả Quỳnh Hương trích dẫn ý kiến của Giáo sư Hồ Ngọc Đại:
“Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức.
Cách giáo dục ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa hão về tương lai”. [6]
Hai vị Giáo sư Trần Hồng Quân và Hồ Ngọc Đại, một là nguyên Bộ trưởng, một từ chối làm Thứ trưởng, tuy cách diễn đạt có khác nhau song có một điểm chung, đó là sự khẳng định:
“Chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục từ trước đến nay chưa thực sự góp phần nâng cao dân trí chứ chưa nói đến đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Người viết đồng cảm với Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nghĩ như ông nhưng tiếc rằng không thể viết nên những dòng như vậy trong một bài báo.
Quà tặng ý nghĩa nhất đối với nhà giáo là hãy thay đổi chủ trương, chính sách, chế độ để hình thành đội ngũ nhà giáo yêu nghề, giỏi nghề vì … sống được bằng nghề.
Nhân ngày 20/11, xin viết đôi dòng gọi là suy nghĩ của ông giáo già tuổi ngoài 70, không biết điều này có cùng tâm tư với đội ngũ quản lý và thày cô đang còn đứng trên bục giảng không?.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A2n_%C4%91%E1%BB%99i_nh%C3%A2n_d%C3%A2n_Vi%E1%BB%87t_Nam
[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-va-quy-luat--Tit-mu-post179054.gd
[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc--keu-nhieu--khan-co-post178859.gd
[4] http://lamdong.edu.vn/?ArticleId=448a1284-6299-4dca-9500-56811b1c1ab8
[5] https://thanhnien.vn/giao-duc/hang-tram-giao-vien-nhan-luong-huu-13-trieu-dongthang-895135.html
[6] https://cgd.edu.vn/giao-duc-thoi-khung-hoang-tan-day/