Bốn giải pháp cứu ngành sư phạm của cô Phan Tuyết

15/11/2017 07:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Ở thời điểm này, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã trở nên lạc hậu, đã không còn là động lực để hút người tài thi vào.

LTS: Là một giáo viên đang đứng lớp, cô giáo Phan Tuyết cho biết giải pháp cho ngành sư phạm hiện nay không phải là miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm hay tăng lương cho giáo viên.

Cô Tuyết đưa ra một số kiến nghị về giải pháp để ngành sư phạm trở lại vị thế như xưa.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm ra đời trong bối cảnh cả nước thiếu giáo viên trầm trọng.

Nhờ chính sách này, đã thu hút khá nhiều học sinh giỏi thi vào sư phạm. Lần đầu tiên ngành sư phạm có điểm đầu vào cao chót vót.

Có năm điểm chuẩn vào ngành sư phạm Văn là 25, còn sư phạm Toán lên tới 27 điểm.

Thế nhưng ở thời điểm này, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã trở nên lạc hậu, đã không còn là động lực để hút người tài thi vào.

Nghề giáo được cho là nhiều áp lực nhưng thu nhập không cao. (Ảnh: TTXVN)
Nghề giáo được cho là nhiều áp lực nhưng thu nhập không cao. (Ảnh: TTXVN)

Nhìn lại thời kì sư phạm lên ngôi

Có thể nói, đây là thời kì “vàng”, thời “hoàng kim” của ngành sư phạm. Nhiều học sinh khá giỏi đã đăng kí thi vào.

Chúng tôi gọi đó là thế hệ “ba con chín”. Từ năm 1997 - 2006, điểm chuẩn vào trường tăng cao và duy trì ổn định.

Năm 1997, điểm chuẩn ngành sư phạm văn là 25, ngành sư phạm toán lên đến 27 điểm, cao vọt so với chính trường sư phạm các năm trước và so với các trường đại học khác.

Có phụ huynh có con đạt 25 điểm mà không đỗ đã lên gặp ban giám hiệu nói Nhà nước bảo phải thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, con tôi 25 điểm là giỏi rồi, sao không được vào trường?” - Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhớ lại.[1]

Không chỉ miễn học phí, những sinh viên này ra trường còn được bố trí việc làm.

Bốn giải pháp cứu ngành sư phạm của cô Phan Tuyết ảnh 2

Miễn học phí chỉ là góc nhỏ trong "cơn bĩ cực" của ngành sư phạm

Có địa phương còn căn cứ vào lực học của sinh viên để cho phép giáo sinh sư phạm chọn trường.

Nhưng chỉ hơn mười năm sau, ngành sư phạm đã tuột dốc một cách thảm hại. Chưa bao giờ điểm chuẩn vào sư phạm lại dưới cả điểm sàn quy định.

Học sinh thi vào sư phạm hầu như chỉ còn học sinh có lực học trung bình, yếu vì điểm đầu vào 3 môn ngành sư phạm có nơi chỉ lấy 12-13 điểm. Cao đẳng thì 9 điểm/3 môn cũng đậu.  

Miễn giảm học phí hiện nay có còn phù hợp?

Trước khi nói về sư phạm, chúng ta cần tìm hiểu một số ngành học hót nhất hiện nay mà phần lớn học sinh giỏi, xuất sắc đều mơ ước được vào, ví như ngành công an.

Không ít em khi được hỏi “Em có yêu ngành này không?” chẳng cần nghĩ suy, nhiều em trả lời ngay, em không yêu, hoặc em cũng không thích.

Nhưng vì sao em lại thi vào? Câu trả lời nhận được nhiều nhất là ra trường có việc làm ngay.  

Bên cạnh một loạt những ưu đãi khác như sinh viên không mất tiền học phí, lương cao và ổn định… thì có thể nói ra trường có việc làm ngay là nguyên nhân quan trọng nhất.

Trong khi ngành sư phạm thì sao? Học ra trường xin việc trầy trật chưa xong, có địa phương lại phải chạy việc hàng trăm triệu đồng mới chỉ là chân hợp đồng.

Lương hàng tháng cho một cử nhân khoảng 3 triệu đồng. Trong đó, việc dạy thêm là công việc tưởng chính đáng nhất với thầy cô giáo cũng bị xem là phạm pháp.

Với những hạn chế này thì liệu có miễn học phí cho sinh viên sư phạm cũng có thể kéo người tài đến với ngành được không?

Câu trả lời chắc chắn là không! Vậy phải làm thế nào để đưa sư phạm về thời kì hoàng kim trước đây?

Tăng lương cho giáo viên ư? Với số lượng giáo viên cả nước đông như thế thì nhà nước sẽ lấy nguồn kinh phí nào để tăng? Và mức tăng bao nhiêu để thầy cô có thể sống được bằng lương?

Nghề giáo khác với nhiều ngành nghề khác. Dù lương giáo viên mới ra trường có đạt mốc khoảng 5-6 triệu đồng (nghĩa là tăng gấp đôi so với hiện nay) thì giáo viên cũng khó có được nhà cao cửa rộng, con cái đi học nước ngoài.

Bởi một điều chắc chắn, ngoài đồng lương thầy cô không có bất cứ một khoản thu nhập nào khác.

Trong khi nhiều ngành nghề khác lương cơ bản cũng chỉ vài ba triệu nhưng kinh tế gia đình họ luôn ở bậc trung.

Tự bản thân ngành nghề tạo cho họ nhiều mối quan hệ làm ăn khác.

Giải pháp cứu ngành sư phạm

Với những hạn chế mà nghề giáo đem lại như thế thì chúng ta càng phải có những chính sách vượt trội mới hy vọng cạnh tranh được với nhiều ngành nghề hót khác.

Bốn giải pháp cứu ngành sư phạm của cô Phan Tuyết ảnh 3

Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục

Thứ nhất, cùng với việc miễn học phí thì phải bố trí công ăn việc làm cho sinh viên sư phạm khi ra trường.

Muốn làm được điều này, Bộ Giáo dục cần phải rà soát và giải tán hết các khoa sư phạm ở nhiều trường đại học cả nước để tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt đào tạo nhiều nhưng ra không có việc làm.

Ba miền Bắc-Trung-Nam chỉ nên để 3 trường đại học sư phạm để đào tạo theo nhu cầu giống như các ngành công an.

Rà soát lại toàn bộ các trường học trong cả nước, tính toán cụ thể nhu cầu nhân lực trong thời gian sắp tới để có kế hoạch đào tạo thật sát với yêu cầu đảm bảo sinh viên ra trường là có việc làm ngay.

Nỗi lo lớn nhất của sinh viên sư phạm là việc làm. Giải quyết được khâu này cũng sẽ là lực hút cho không ít học sinh giỏi thích cuộc sống ít có sự đấu đá, ganh đua.

Thứ hai, sát hạch lại toàn bộ trình độ giáo viên hiện nay, có chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích giáo viên về hưu trước tuổi.

Tổ chức thi tuyển công khai những giáo sinh vừa ra trường để chọn người thật sự xứng đáng.

Tiến tới việc áp dụng hình thức trả lương theo thành quả lao động để khuyến khích giáo viên vận động và thường xuyên học hỏi.

Thứ ba, chăm lo các chính sách ưu đãi giáo viên, sửa đổi, bổ sung những chính sách quá cũ và lạc hậu để đảm bảo giáo viên sống được bằng chính nghề của mình.

Thứ tư, cải cách cách làm việc, xóa bỏ dần kiểu làm việc hình thức chỉ nhiều phong trào, nặng thành tích như hiện nay.

Hy vọng với những cải chính sửa đổi trên, ngành sư phạm sẽ xóa bỏ được lời nguyền buồn “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/chuyen-cua-20-nam-truoc-988993.htm

Phan Tuyết