Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có Luật Nhà giáo?

16/11/2017 06:28
Vương Thuỷ
(GDVN) - Luật Nhà giáo sẽ có ý nghĩa luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo, đặc điểm nghề giáo...

LTS: Thời gian gần đây, vấn đề xây dựng Luật Nhà giáo đang được bàn thảo nhiều tại các diễn đàn về giáo dục.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã có kiến nghị đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật vào năm 2019 hoặc 2020.

Vì vậy, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để làm rõ hơn về vấn đề này.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Phóng viên: Thưa bà, vấn đề xây dựng Luật Nhà giáo được đề cập đến từ khá lâu rồi nhưng vì sao, có những vướng mắc gì mà đến nay Luật này vẫn chưa thể ra đời?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Đúng là trong Chỉ thị số 40 CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư khoá IX về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã giao Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì cùng các bộ, ngành hữu quan “nghiên cứu chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Luật Giáo viên”.

Nhưng cho đến nay, sau 13 năm, việc luật này vẫn chưa thể ra đời cũng có những căn nguyên của nó.

Thực ra, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XII dự kiến xây dựng Luật Nhà giáo vào năm 2009 (theo Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội); tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Quốc hội đang chuẩn bị Luật Viên chức.

Có nhiều ý kiến cho rằng nhà giáo cũng là viên chức, và chỉ cần được điều chỉnh bằng Luật Viên chức là đủ; do vậy, Luật Nhà giáo bị rút khỏi chương trình.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy có không ít vướng mắc liên quan tới hoạt động của nhà giáo mà các luật hiện có không thể giải quyết được:

Nghề giáo có nên coi là một nghề đặc thù, khi sản phẩm của nhà giáo là con người, là thế hệ tuơng lai?

Và nếu coi nghề giáo là nghề đặc thù, thì nhà giáo có phải là viên chức như tương tự như viên chức của các ngành nghề khác?

Có thể dẫn lại câu chuyện về biên chế nhà giáo khiến dư luận dậy sóng vừa qua để thấy những bất cập trong ứng xử đối với nhà giáo.

Họ không là công chức hay viên chức theo nghĩa thông thường; họ là nhà giáo, vì thế, việc dùng Luật Công chức, Luật Viên chức để điều chỉnh họ đã làm nảy sinh nhiều điều bất hợp lý, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đãi ngộ.

Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có Luật Nhà giáo? ảnh 2

Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo

Chính vì vậy, gần đây, việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được khởi động trở lại, phản ánh yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Được biết, từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khởi động kế hoạch đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Còn trong năm 2017, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chính sách Nhà giáo;

Từ đó tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh những năm tiếp theo.

Vậy thưa bà, những nội dung cơ bản của dự thảo Luật này là gì và sẽ có điểm gì khác so với những quy định trước đây với giáo viên?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Cho đến thời điểm này, Chính phủ chưa trình hồ sơ đề nghị xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo sang Quốc hội; do vậy, tôi chưa có cơ hội tiếp cận nội dung dự thảo Luật.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, chắc chắn dự thảo Luật Nhà giáo phải có những quy định phù hợp hơn đối với giáo viên, nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang diễn ra do sự bất hợp lý của hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành.

Theo kết quả giám sát về chính sách nhà giáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đến hết năm 2016, có 168 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục và đội ngũ nhà giáo đang có hiệu lực;

Nhưng thực tế cho thấy đã bộc lộ sự bất hợp lý trên hầu hết các khâu: từ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, sàng lọc đội ngũ đến những chính sách đặc thù về chuẩn nghề nghiệp, lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên...

Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có Luật Nhà giáo? ảnh 3

Dạy và học của Việt Nam đang thực hiện theo quy trình ngược với thế giới

Riêng trong hệ thống luật pháp, Luật Viên chức chỉ đề cập tới viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù của nghề giáo;

Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đều có các chương quy định về nhà giáo song còn chung chung, mang tính nguyên tắc.

Nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được thay thế;

Hay tình trạng thiếu các quy định liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập…

Do vậy, tôi nghĩ, Luật Nhà giáo sẽ có ý nghĩa luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo, đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới;

Đồng thời, giải quyết những bất cập mà thực tiễn đã và đang đặt ra.

Theo quan điểm của bà, khi ra đời Luật Nhà giáo sẽ có tác động như thế nào đến giáo viên và học sinh và có ý nghĩa như thế nào trong quá trình đổi mới giáo dục?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ, giáo viên và học sinh sẽ là những đối tượng chịu sự tác động nhiều nhất bởi Luật Nhà giáo.

Hy vọng, Luật Nhà giáo sẽ được xây dựng theo hướng quy định rõ vị trí, quyền và nghĩa vụ, các chính sách tác động tới giáo viên;

Những đặc thù nghề nghiệp sẽ được tính hết và nhà giáo sẽ được hưởng đãi ngộ tương xứng với sự cống hiến.

Đây cũng là sự thể hiện quan điểm tôn vinh nghề dạy học và tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo (cả trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập);

Đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ và người thầy là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục.

Nghề giáo sẽ được tôn vinh; nhà giáo sẽ có vị thế xứng đáng, yên tâm với công việc cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Từ đó, hy vọng sẽ có tác động tích cực tới việc nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh của ngành sư phạm, thu hút học sinh giỏi, có năng khiếu sư phạm vào ngành để bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Vương Thuỷ