Đề nghị thay đổi khái niệm “nhà giáo” trong luật giáo dục

17/11/2017 08:21
Trinh Phúc
(GDVN) - Có tới 20 kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách giáo viên gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trong đó đề nghị sửa đổi khái niệm "nhà giáo".

Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14, sáng 16/11, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết có 20 kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách giáo viên.

Theo đó, cử tri tỉnh Lai Châu cho rằng: 1.Đề nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng được hưởng chính sách thu hút tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013 của Chính phủ.

Hiện có rất nhiều trường hợp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên 5 năm nhưng trong quyết định luân chuyển không ghi thời hạn luân chuyển sẽ không được hưởng chính sách thu hút do đó rất thiệt thòi cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (ảnh quochoi.vn).
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (ảnh quochoi.vn).

Cử tri tỉnh Bình Phước có ý kiến, bố trí nhân viên nấu ăn vào khung vị trí việc làm trong trường mầm non để thống nhất với nhiệm vụ của trường mầm non được quy định trong Điều lệ, đồng thời tăng nguồn vốn phân bổ hàng năm chi thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tạo điều kiện duy trì bền vững kết quả đạt được.

Tăng cường thực hiện các dự án, chương trình đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện.

Trong khi cử tri Hà Tĩnh đề nghị: "Bộ có chiến lược đào tạo, hoạch định rõ lộ trình, tính toán cân đối nhu cầu sử dụng để có chính sách quan tâm ưu tiên để đào tạo đội ngũ giáo viên có số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu.

Không để tình trạng giáo viên vừa thừa vừa thiếu như hiện nay”.

Đề nghị thay đổi khái niệm “nhà giáo” trong luật giáo dục ảnh 2Lãnh đạo còn "cố ý sai lầm", nước mắt giáo viên sẽ còn phải rơi nữa!

Trong khi đó, cử tri Long An đề nghị xem xét cấp kinh phí bổ sung cho trường tiểu học nếu tổ chức học 2 buổi /ngày để phụ huynh không phải đóng thêm khoản phí thu tiền 2 buổi/ngày như hiện nay.

Trong khi đó cử tri tỉnh Quảng Trị có ý kiến: “Thông tư liên tịch quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở mầm non công lập có quy định nhân viên cấp dưỡng và nhân viên bảo vệ được hợp đồng tùy vào điều kiện kinh tế của nhà trường.

Tuy nhiên, lại không quy định cụ thể về chế độ, nguồn tài chính chi trả lương cho “cô nuôi”, dẫn đến việc các địa phương áp dụng khác nhau, không thống nhất (nơi cao, nơi thấp và ở Quảng Trị, hầu hết tất cả các trường học đều huy động nguồn kinh phí của Hội cha mẹ học sinh để chi trả lương cho nhân viên bảo vệ cũng như nhân viên cấp dưỡng.

Đề nghị Bộ nghiên cứu, có quy định phù hợp, rõ và cụ thể về nguồn tài chính chi trả lương cho lao động hợp đồng để các cơ sở giáo dục thuận lợi trong việc thực hiện.

Ngoài ra, Thông tư có quy định chưa hợp lý: 4 chức danh 2 vị trí, số lượng trẻ/giáo viên ở nhóm nhỏ….. Đề nghị xem xét, sửa đổi”.

Đề nghị thay đổi khái niệm “nhà giáo” trong luật giáo dục ảnh 3Còn nhiều giáo viên mầm non theo nghề là phúc lớn, sao còn hành hạ họ?

Cũng liên quan đến chế độ với “cô nuôi”, cử tri thành phố Hải phòng cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về ký hợp đồng lao động để bố trí vào vị trí nấu ăn (cô nuôi) tại các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú.

Tuy nhiên, lại không quy định cụ thể về chế độ, nguồn tài chính chi trả lương cho “cô nuôi”, dẫn đến việc các địa phương áp dụng khác nhau, không thống nhất (nơi cao, nơi thấp).

Đề nghị Bộ sớm nghiên cứu quy định rõ và cụ thể về nguồn tài chính chi trả lương cho lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn cho trẻ.

Trong khi cử tri tỉnh Tuyên Quang cho rằng:  “Đề nghị xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục cho phù hợp thực tiễn trong đó có sửa đổi khái niệm “nhà giáo” để cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp Bộ được hưởng ưu đãi nghề nghiệp, thâm niên như nhà giáo”.

Đề nghị bổ sung chính sách thâm niên nhà giáo đối với cán bộ công chức công tác tại cơ quan quản lý cấp Bộ, Sở, Phòng; tiếp tục cho thực hiện chế độ bảo lưu phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khi được lựa chọn, tuyển dụng về công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục (quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/7/2011 về việc Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo).

Cử tri tỉnh này cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh quy định về định mức biên chế giáo viên, các loại hình nhân viên (đặc biệt là các loại hình nhân viên) trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã được quy định trong các Thông tư liên tịch giữa hai Bộ, vì trong thực tế các trường học không có điều kiện để bố trí đủ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm đã được quy định, đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2021 thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Đồng quan điểm, cử tri tỉnh Đắk Lắk  đề nghị Bộ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung điều 70, mục 1 Luật Giáo dục 2005 theo hướng công nhận Nhà giáo là người làm nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác, có như thế thì mới thu hút được giáo viên đã có thời gian tham gia giảng dạy tốt về làm công tác quản lý;

Đề nghị thay đổi khái niệm “nhà giáo” trong luật giáo dục ảnh 4Chuyện về cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao

Sớm xem xét ban hành Luật Nhà giáo làm cơ sở để xây dựng chính sách đối với giáo viên.

Trong khi cử tri Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm về việc, chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên tại các thời điểm là chưa đồng đều.

Cụ thể, một số thì được cộng thời gian thâm niên vào lương hưu hàng tháng, nhưng một số lại buộc phải nhận số tiền thâm niên một lần. Đề nghị các Bộ, ngành chức năng quan tâm có biện pháp giải quyết.

Trong khi cử tri tỉnh Vĩnh Long đề nghị khi giáo viên dạy bài thực hành đối với các môn: Lý, Hóa, Sinh phải được hưởng phụ cấp độc hại nghề nghiệp, đồng thời tăng mức lương và có chế độ chính sách khác đối với đội ngũ nhân viên, viên chức làm công tác kế toán, văn thư, y tế… ở các nhà trường phổ thông và các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, cử tri tỉnh này đề nghị mức lương cho bậc giáo viên mầm non mới tuyển dụng vào phải tương xứng với trình độ đào tạo, vì hiện nay đối với giáo viên có bằng Đại học, Cao đẳng nhưng hưởng lương khởi điểm trung cấp là 1.86.

Do đặc thù của cơ sở giáo dục mầm non, tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đều là nữ nên khi có giáo viên nghỉ hậu sản thì việc tính số giờ dạy thêm giờ theo quy định tại “Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập” của các cơ sở giáo dục mầm non không phù hợp với thực tế (hơn 200 giờ). Đề nghị tăng số giờ quy định được tính tiền thêm giờ thêm buổi tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Cử tri tỉnh  Bình Định đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu trình Chính phủ xem xét lại các điều kiện thực hiện chế độ thâm niên nhà giáo hiện chưa công bằng, còn bất cập.

 Nhất là, đối với các trường hợp trước đây hưởng chế độ thâm niên đóng bảo hiểm xã hội nhưng khi được điều chuyển về công tác tại các Sở Giáo dục – Đào tạo, Phòng Giáo dục – Đào tạo (không còn là đối tượng được hưởng thâm niên) khi về hưu sẽ bị thiệt thòi vì theo quy định tại Điều 52, Điều 58 của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành thì mức lương hưu được tính trên cơ sở là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.                 

Trinh Phúc