Giáo viên làm nghề tay trái “nuôi” nghề giáo

11/10/2017 06:59
Hưng Nhân
(GDVN) - Mong rằng, vấn đề tiền lương giáo viên sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình Quốc hội để không còn tình trạng giáo viên loay hoay với việc cơm áo gạo tiền.

LTS: Lương giáo viên dù đã cao hơn một số ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp, nhưng thực tế vẫn chưa đủ sống. Vì vậy, nhiều thầy cô phải đi làm thêm nghề tay trái để nuôi đam mê nghề dạy học. 

Nhằm chỉ ra thực trạng, cũng như câu trả lời cho câu hỏi đến bao giờ giáo viên mới hết ngược xuôi làm đủ nghề để chuyên tâm cho giảng dạy và học trò, tác giả Hưng Nhân đã có bài viết về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Đến bao giờ giáo viên mới hết ngược xuôi làm đủ nghề để chuyên tâm cho giảng dạy và học trò? Đây có lẽ là một bài toán khó làm đau đầu các cấp quản lý giáo dục.

Khi nào lương giáo viên chưa đủ trang trải cho cuộc sống thì nhà giáo vẫn còn phải nhọc nhằn kiếm sống bằng nghề tay trái.

Từ làm nông dân đến bán hàng trên mạng

Tôi làm giáo viên ở thành phố công nghiệp nên thời gian gần đây đời sống có khá hơn nhờ dạy thêm. 

Thế nhưng, khoảng hai chục năm trước phải cải thiện đời sống bằng việc chăn nuôi, viết văn, viết báo. Thu nhập đủ sống để theo nghề dạy học

Thôi thì “đã mang lấy nghiệp vào thân”, đồng lương giáo viên trên 20 năm trong nghề của hai vợ chồng với khoảng hơn 17 triệu đồng để nuôi hai con đang tuổi ăn học và đủ thứ phải chi như tiền ăn, xăng xe, tiền điện thoại, điện nước, tiền học thêm của con, tiền hiếu hỉ, ơn nghĩa mà không làm thêm thì thiếu trước hụt sau. 

Số ít thầy cô may mắn được làm thêm bằng trí óc chứ nhiều đồng nghiệp phải lao động chân tay vất vả, mệt nhọc bằng sức lực.

Nhiều giáo viên làm nghề tay trái bằng việc bán hàng qua mạng. (Ảnh nguồn minh họa: baobinhthuan.com.vn).
Nhiều giáo viên làm nghề tay trái bằng việc bán hàng qua mạng. (Ảnh nguồn minh họa: baobinhthuan.com.vn).

Một số lần đi họp mặt cộng tác viên các báo, tôi biết được nhiều đồng nghiệp chọn nghề viết lách làm nghề tay trái.

Hơn 5 năm trước nhuận bút khá cao, có đồng nghiệp viết đều tay, sung sức, chuyện kiếm thêm gấp đôi lương là không khó. 

Các thầy cô thường cộng tác ở mảng văn học hay viết về đề tài giáo dục trên các báo trung ương, địa phương. Vừa có thêm thu nhập vừa được đóng góp, hiến kế nhiều thay đổi, chính sách cho ngành giáo dục.

Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, tôi đã gặp nhiều giáo viên ở Bạc Liêu, Cà Mau, Thái Bình, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Nai… phải làm ruộng, làm vườn, làm rẫy trồng cây ăn trái, nuôi tôm ngoài giờ dạy. 

Thầy Đào Văn Đồng, chủ tịch công đoàn Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: 

“Một số cán bộ, giáo viên trường và các trường sau giờ dạy là về với công việc nuôi tôm ở nhà để tăng thêm thu nhập. Nghề làm thêm tay trái của các thầy cô rất vất vả, cực nhọc và mất nhiều công sức”. 

Đúng là nhọc nhằn, cực khổ, song theo chia sẻ của không ít giáo viên: “Có việc làm thêm chính đáng, đủ cho cuộc sống trong khi lương còn thấp là đáng mừng rồi”. 

Người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh kể rằng, mô hình làm vườn trồng hoa lan của những thầy giáo ở Trường trung học phổ thông Quang Trung (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đã rất thành công và có cuộc sống khá tốt nhờ vào nghề tay trái này.

Với giáo viên ở nông thôn là vậy, còn thầy cô ở đô thị thì việc làm thêm lại rất đa dạng. 

Giáo viên làm nghề tay trái “nuôi” nghề giáo ảnh 2

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính

Giáo viên dạy Mĩ thuật đi vẽ quảng cáo, làm băng rôn, pa nô, áp phích;

Giáo viên thể dục đi làm thêm ở hồ bơi, sân vận động;

Giáo viên Âm nhạc đi làm MC đám cưới, hát quán cà phê nhạc, hát ở các đám cưới. 

Một giáo viên dạy thể dục (xin giấu tên) của một trường tiểu học tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho biết: 

“Ngoài giờ dạy, ngày chủ nhật em thường đi bán quần áo ở các chợ của thành phố Biên Hòa. Dù thu nhập ổn định, song đã là giáo viên nhiều lúc cũng thiệt thòi vì bị bạn hàng chèn ép”. 

Đó là thực tế bởi đã quen với môi trường giáo dục nên không thể xử sự như cái cách của những người khác. Nhưng vì thế mà cô buôn bán được nhờ uy tín, sự niềm nở. Không chỉ bán quần áo lề chợ, cô đã có thâm niên bán bưởi nhiều năm nay.

Cứ gần cuối năm là cô xuống làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) nức tiếng ngon trong cả nước mua về chở lên thành phố Hồ Chí Minh bán chợ tết. Có năm chiều 30 mới về tới nhà đón tết cùng gia đình. 

Cái thời di động, máy chụp ảnh kĩ thuật số chưa phát triển, nhiều bạn bè tôi chọn nghề chụp ảnh cho học sinh, đám cưới, đám ma. Thu nhập không cao nhưng cũng tạm ổn và thường xuyên có việc làm. 

Một người bạn giờ phải treo máy, mở tiệm rửa ảnh mà xem ra chẳng khá hơn, đủ sống đã là tốt rồi.

Vừa rồi, gặp lại một phó hiệu trưởng quen biết từ lâu, hỏi về việc làm thêm tay trái, anh cười buồn:

“Giờ bán bảo hiểm không còn ăn thua gì nên đang tìm việc khác làm thêm”.

Đúng là khó khăn, thiếu thốn nên đôi chân hay cái đầu phải “chạy”. 

Đội ngũ cán bộ quản lý trường học không có học sinh để dạy thêm nên thường chọn cho mình một nghề làm thêm như bán bảo hiểm, buôn bán, sửa điện tử, kinh doanh nhà trọ. 

Người có vốn kha khá thì kinh doanh quán cà phê, quán ăn, mở công ty… Đúng là với đủ thứ nghề tay trái mà thầy cô phải làm.

Trên tài khoản mạng xã hội của mình, lúc đầu tôi rất bực mình vì có khá nhiều người gắn thẻ bài quảng cáo bán hàng qua mạng. Nhiều rồi tôi cũng quen, thông cảm cho bạn bè đồng nghiệp khi biết các thầy cô làm nghề tay trái. 

Một số thầy cô tìm cách bán hàng trên các mạng xã hội với đủ các mặt hàng: đồng hồ, mĩ phẩm, yến sào, sâm Hàn Quốc, quần áo, điện thoại… 

Một giáo viên khác, do công việc viết báo của mình khi đi tìm tư liệu tôi ngớ người lúc biết cô làm “cò” đất. Trong thời điểm nhờ thị trường nhà đất lên “cơn sốt” cô kiếm được vài vụ, tiền cò 3%, hoa hồng bằng cả năm dạy học.

Thầy Đào Văn Đồng chia sẻ thêm: “Các thầy cô làm thêm từ nghề nuôi tôm có thu nhập hàng năm ổn định nên đời sống kinh tế khá hơn. Vì vậy giúp các thầy cô yên tâm làm tốt công tác chuyên môn của mình”.

Để giáo viên không còn ngược xuôi làm nghề tay trái nuôi nghề giáo

Những năm qua, nhiều chính sách tiền lương của Nhà nước đã thực hiện nhằm cải thiện đời sống nhà giáo, giải quyết những bất cập về lương bổng. 

Đó là Quyết định 244/2005/QĐ-TTG ngày 06/10/2005 của Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập, Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã được thầy cô hồ hởi đón nhận. 

Mặc dù, lương nhà giáo được tăng lên đáng kể, nhưng có thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên cũng chưa đủ cho giáo viên sống bằng đồng lương. 

Giáo viên làm nghề tay trái “nuôi” nghề giáo ảnh 3

Học để làm thầy, giấc mơ đã mất vì miếng cơm, manh áo!

Ở thành phố, thị xã, thị trấn, giáo viên đã sống được bằng dạy thêm còn giáo viên nông thôn, giáo viên môn phụ lại khó khăn vô cùng. 

Thực tế, lương giáo viên mới ra trường với khoảng trên dưới 3 triệu đồng, lương tột khung cao nhất của nhà giáo cũng chỉ trên 11 triệu đồng.

Theo tính toán, lương bình quân của nhà giáo vào khoảng 5 triệu đồng. Đây quả là con số đáng để cho mọi người suy nghĩ.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhu cầu của cuộc sống tối thiểu luôn đòi hỏi cao.

Lương bổng, thu nhập cao mới mong công chức, viên chức không còn chân trong, chân ngoài. Nhà giáo cũng không phải là ngoại lệ trong cái thời vật giá leo thang này. 

Chế độ tiền lương cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước đang ở mức thấp hơn nhiều ngành nghề khác trong khi cống hiến của các thầy cô giáo là rất lớn. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có ý kiến về vấn đề này:

“Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học ngành sư phạm.” [1]

Mới đây, rất mừng là thời gian bắt đầu thực hiện chương trình đổi mới giáo dục đã được Chính phủ đồng ý lùi lại. 

Một năm để Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt hơn cho lần cải cách giáo dục được toàn xã hội mong đợi là cuộc đổi mới cơ bản, toàn diện căn cơ và hiệu quả. Một trong những yếu tố quyết định là đội ngũ giáo viên. 

Mong rằng, vấn đề tiền lương giáo viên sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình Quốc hội để không còn tình trạng giáo viên loay hoay với cuộc sống cơm áo gạo tiền, làm nghề tay trái nuôi nghề giáo. 

Có được như vậy các thầy cô giáo mới chuyên tâm vào công tác chuyên môn, tạo động lực thúc đẩy cho cuộc đổi mới giáo dục vào năm 2019 thành công.

Tài liệu tham khảo

[1] https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tu-2018-nganh-su-pham-co-diem-san-rieng-3628428.html

Hưng Nhân