Đầu tư BĐS du lịch như Spa Hyatt Regency Đà Nẵng: Rủi ro rất cao!

30/08/2014 07:51
Minh Anh
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: Đầu tư mua căn hộ tại các khu resorts nhằm thu lợi nhuận từ dịch vụ cho thuê có rất nhiều rủi ro.

Việc đầu tư mua căn hộ, biệt thự nằm trong các khu nghỉ dưỡng khu resorts sau đó cho đơn vị làm dịch vụ đứng ra cho thuê với lợi nhuận theo tỷ lệ ăn chia được xem là hình thức kinh doanh bất động sản (BĐS) mới, gây chú ý thị trường BĐS thời gian qua.

Tuy nhiên, trước sự việc chủ sở hữu căn hộ tại khu nghỉ mát và nghỉ dưỡng Spa Hyatt Regency Đà Nẵng đưa ra cáo buộc cho rằng chủ đầu tư là Công ty TNHH Indochina Land và đơn vị thực hiện dịch vụ cho thuê căn hộ - Công ty Cổ phần Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn - cấu kết chiếm đoạt phần lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ... nhiều chủ đầu tư tư nhỏ lẽ đặt ra câu hỏi, liệu hình thức kinh doanh này có phù hợp ở thị trường Việt Nam và liệu những nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp những rủi ro gì khi tham gia vào thị trường này?

Chủ đầu tư dự án khu nghỉ mát và nghỉ dưỡng Spa Hyatt Regency Đà Nẵng bị tố "phủi tay" sau khi bán xong căn hộ.
Chủ đầu tư dự án khu nghỉ mát và nghỉ dưỡng Spa Hyatt Regency Đà Nẵng bị tố "phủi tay" sau khi bán xong căn hộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng hình thức kinh doanh BĐS du lịch như trên đã có từ rất lâu trên thế giới. Cụ thể người dân sẽ bỏ tiền sở hữu một biệt thự, một căn hộ hay căn phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khu resorts. Sau đó chủ các căn hộ đó sẽ tham gia chương trình cho thuê, khi đó một năm chủ sở hữu căn hộ hay căn biệt thự đó sẽ được toàn quyền sử dụng trong khoảng thời gian nhất định, còn lại sẽ được cho thuê làm dịch vụ nghỉ dưỡng. 

“Đây là hình thức kinh doanh mà chủ đầu tư bỏ vốn ít nhất hoặc có thể chủ đầu tư không phải bỏ đồng nào, ngoài số tiền vốn ban đầu, nhưng sau khi bán được các căn hộ, các biệt thự thì số vốn bỏ ra đã thu hồi. Sau đó chủ đầu tư lại tiếp tục thu lợi nhuận thông qua ăn chia lợi nhuận từ việc cho thuê các căn hộ, căn biệt thự”, ông Đực cho biết.

Cùng với khoản lợi nhuận từ tiền cho thuê dịch vụ căn hộ, chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch còn được hưởng lợi nhiều từ dịch vụ đi kèm như bán đồ ăn, quà lưu niệm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí… 

“Chính vì vậy ở Việt Nam những năm trở lại đây nở rộ nhiều dự án đầu tư bất động sản với hình thức này. Khi triển khai dự án, chủ đầu tư vẽ ra rất nhiều triển vọng với lợi nhuận lớn để hấp dẫn người mua. Tuy nhiên khi dự án hoàn thành, người dân mua và sở hữu căn hộ nhận được lợi nhuận từ dịch vụ cho thuê lại không đáng là bao nếu không tìm hiểu kỹ hợp đồng cũng như không quản lý được việc cho thuê căn hộ”, ông Đực cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Đực Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Đực Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Trước thực trạng trên ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, hiện nay với người dân có ý định mua sở hữu căn hộ, căn biệt thự tại các dự án với mục đích cho thuê khai thác dịch vụ cần hết sức chú ý bởi sẽ gặp nhiều rủi ro, trong đó có 3 rủi ro chính:

Thứ nhất dự án “không đi đến nơi về tới chốn”, tức là dự án dở dang không hoàn thành do chủ đầu tư thiếu vốn, do vấn đề pháp lý… Nó giống như trường hợp các dự án BĐS nhà ở, chung cư thời gian qua. Khi đó người dân đầu tư mua căn hộ, đóng tiền sẽ ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, đóng tiền nhưng dự án không về đích.

Thứ hai xây dựng xong nhưng khu nghỉ dưỡng resorts đó không thành công, không thu hút được khách nghỉ dưỡng. Khi đó mục đích đầu tư thu lợi nhuận của người dân đổ vỡ trong khi giá trị bỏ ra mua sở hữu căn hộ, căn biệt thự tại các khu nghỉ dưỡng, khu resorts này là rất lớn.

Thứ ba, khi dự án hoàn thành có khách đến thuê nhưng do công tác quản lý, làm dịch vụ kém của bên thứ 3 khiến khách không hài lòng và từ chối sử dụng dịch vụ. Hoặc việc quản lý không minh bạch rõ ràng ví dụ khách hàng rất nhiều nhưng khai với chủ căn hộ ít khách hoặc giá phòng cho thuê cao nhưng báo cáo giá cho thuê thấp để chiếm lợi…

Do vậy khi người dân đầu tư BĐS du lịch rủi ro rất cao, nếu dự án thất bại người dân hoàn toàn chịu hậu quả. Vì thế theo ông Đực, giữa 2 mô hình đầu tư BĐS du lịch và đầu tư BĐS cho thuê, rõ ràng đầu tư BĐS cho thuê (có thể văn phòng, nhà ở, kho hàng…) vẫn an toàn hơn.

“Đầu tư BĐS nhà ở, văn phòng cho thuê an toàn vì vốn bỏ ra không lớn như BĐS du lịch. Việc làm dịch vụ giá cho thuê người dân chủ động không qua khâu trung gian giảm chi phí, giảm thủ tục”, ông Đực nhận định.

Minh Anh